USD đang tăng giá mạnh, cùng độ nóng của chiến sự Nga-Ukraine và thời điểm Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) tăng lãi suất khiến giá USD trên thị trường tự do trong nước có dấu hiệu nóng lên.
Việc USD trên thị trường thế giới tăng giá mạnh tạm thời chưa tác động nhiều đến tỷ giá trong nước
Giá USD đang ở mức cao nhất trong vòng một năm
Cuối tuần qua, giá USD trên thị trường quốc tế tăng mạnh, chỉ số USD-Index vượt 97 điểm, gần mấp mé mức cao nhất trong vòng một năm qua (từ thời điểm tháng 3/2020). Lo ngại rủi ro, nhiều nhà đầu tư trú ẩn vào các tài sản an toàn như USD, vàng, đẩy hai tài sản này tăng giá mạnh. Thêm vào đó, lạm phát vẫn tăng phi mã khiến nhiều chuyên gia chắc chắn Fed sẽ tăng lãi suất 0,25-0,5% trong phiên họp chính sách giữa tháng 3 tới.
Việc USD trên thị trường thế giới tăng giá mạnh tạm thời chưa tác động nhiều đến tỷ giá trong nước, song giá USD trên thị trường tự do đã có dấu hiệu nóng lên. Cuối tuần qua, giá USD bán ra trên thị trường tự do đã tăng 30 VND/USD.
Không chỉ Fed, trên thế giới, làn sóng tăng lãi suất để đối phó với lạm phát ngày càng lan rộng. Ngày 12/2, Ngân hàng trung ương Nga đã tăng lãi suất chủ chốt thêm 1%, lên mức kỷ lục 9,5%/năm, cũng là lần thứ 8 tăng lãi suất liên tiếp trong vòng một năm qua do lạm phát tăng mạnh.
Có rất nhiều dự đoán về số lần điều chỉnh lãi suất của Fed năm nay, sốc nhất là JPMorgan dự đoán Fed sẽ tăng lãi suất 9 lần trong năm nay. Nếu khả năng này xảy ra, kinh tế toàn cầu, trong đó có Việt Nam, khó tránh khỏi ảnh hưởng. Trong đó, các rủi ro được tính đến nhiều nhất là tỷ giá tăng, vốn FDI tháo chạy, hàng hóa xuất khẩu của Việt Nam trở nên đắt đỏ, lãi suất tăng…
Theo TS. Lê Xuân Nghĩa, chuyên gia kinh tế, việc Fed tăng suất sẽ khiến đồng bạc xanh lên giá so với các đồng tiền khác. VND neo giá theo USD (không tăng giá so với USD để tránh bị Mỹ quy kết thao túng tiền tệ), nhưng lại tăng giá so với nhiều đồng tiền khác như nhân dân tệ (Trung Quốc), baht (Thái Lan), won (Hàn Quốc)..., khiến hàng hóa xuất khẩu của Việt Nam sang các thị trường ngoài Mỹ đắt lên tương đối. Bên cạnh đó, lãi suất USD tăng cũng gây áp lực tăng lãi suất lên Việt Nam.
Liên quan đến rủi ro khối ngoại rút vốn, TS. Lê Xuân Nghĩa cho rằng, khả năng này khó xảy ra bởi nếu Fed tăng lãi suất, thị trường chứng khoán Mỹ sẽ giảm điểm, các nhà đầu tư sẽ có xu hướng tiếp tục giữ vốn ở các thị trường mới nổi nhiều tiềm năng, trong đó có Việt Nam. Thực tế, thời gian qua, nhiều quỹ đầu tư ngoại bán ròng, nhưng không rút vốn, mà vẫn tiếp tục “treo” tiền trong tài khoản để chờ cơ hội giải ngân khi thị trường hấp dẫn.
Dự báo VND sẽ tiếp tục duy trì sức mạnh của mình trong bối cảnh các đồng tiền khác trong khu vực sẽ chịu áp lực mất giá do USD tăng giá
Nội công, ngoại kích: Nhiều áp lực lên chính sách tiền tệ
Theo nhận định của các chuyên gia phân tích, Fed tăng lãi suất, bị tác động lớn nhất là thị trường chứng khoán. Lộ trình tăng lãi suất của Fed đã được thông báo từ trước và thường không có yếu tố đột biến, song yếu tố tâm lý của việc Fed tăng lãi suất luôn khá tiêu cực. Mặc dù vậy, nhiều chuyên gia cho rằng, sự tác động này chỉ mang tính ngắn hạn. Về lâu dài, Fed tăng lãi suất sẽ có tác động tích cực tới thị trường.
Với Việt Nam, mức độ tác động của quyết định Fed tăng lãi suất tới thị trường không quá lớn, mức độ lạm phát cũng đang trong tầm kiểm soát..
Cụ thể, theo ông Phan Dũng Khánh, Giám đốc Tư vấn đầu tư Công ty Chứng khoán Maybank Kim Eng, Fed tăng lãi suất sẽ giúp Mỹ kiểm soát tốt hơn lạm phát, từ đó sẽ tác động tích cực đến kinh tế Mỹ cũng như thị trường tài chính toán cầu. Với Việt Nam, mức độ tác động của quyết định Fed tăng lãi suất tới thị trường không quá lớn, mức độ lạm phát cũng đang trong tầm kiểm soát.
Ngoài ra, các chuyên gia phân tích nhận định, Việt Nam đang có khá nhiều yếu tố thuận lợi để ổn định tỷ giá và lãi suất: quỹ dự trữ ngoại hối tăng kỷ lục, vốn FDI chủ yếu đến từ nhà đầu tư châu Á và vẫn đang tăng trưởng tốt, kiều hối tăng đều đặn, cán cân thương mại tiếp tục thặng dư…
Trong báo cáo vừa phát hành, các chuyên gia Công ty cổ phần Chứng khoán SSI nhận định, thị trường có thể bị ảnh hưởng bởi những thông tin liên quan đến kế hoạch tăng lãi suất của Fed, dự kiến bắt đầu vào tháng 3. Tuy nhiên, ảnh hưởng này có thể mang tính chất tâm lý tác động ngắn hạn. vì VND được coi là đồng tiền nổi bật trong khu vực với mức tăng giá 0,7% so với cuối năm 2021, trái với xu hướng mất giá của các đồng tiền mới nổi khác trong bối cảnh USD mạnh lên đáng kể.
“VND thể hiện sức mạnh của mình thông qua cán cân thanh toán tổng thể thặng dư, chủ yếu nhờ yếu tố mùa vụ vào dịp Tết với lượng kiều hối tăng mạnh trong bối cảnh USD mạnh lên đáng kể trước kỳ vọng tăng lãi suất của Fed”, báo cáo đề cập.
Các chuyên gia tại SSI cũng cho rằng, VND sẽ tiếp tục duy trì sức mạnh của mình, trong bối cảnh các đồng tiền khác trong khu vực sẽ chịu áp lực mất giá do USD tăng giá (Fed tăng lãi suất).
Mặc dù vậy, nhiều chuyên gia cảnh báo, không thể chủ quan. “Tôi cho rằng, Ngân hàng Nhà nước đang đứng trước tình trạng ‘nội công, ngoại kích’. Trong nước thì năm 2022 - 2023 bắt đầu triển khai các gói kích cầu, nới lỏng quy mô lớn. Trên thế giới thì đang diễn ra tình trạng lạm phát, lãi suất tăng phi mã. Nếu không cẩn thận, lạm phát cầu kéo và lạm phát chi phí đẩy nước ta sẽ tăng vọt”, một thành viên Hội đồng Tư vấn chính sách tài chính - tiền tệ quốc gia cảnh báo.