Với sự liên kết chặt chẽ giữa giao thương nội địa và quốc tế, Việt Nam xếp thứ 5 trên thế giới về dòng chảy thương mại trong năm 2020.
Do ảnh hưởng của Covid-19, kết nối toàn cầu bị đứt gãy và chỉ số kết nối giảm so với các năm trước. Du lịch bị ảnh hưởng nặng nề nhất, tuy nhiên thương mại và vốn đang dần phục hồi.
Việt Nam nằm trong nhóm dẫn đầu nếu chỉ xét về chỉ số kết nối thương mại, đồng thời là quốc gia có sự phát triển tốt hơn dự đoán.
Doanh nghiệp giao vận nội địa, quốc tế và trong khu vực giúp giao thương tại Việt Nam phát triển mạnh trong năm 2020. (Ảnh: Hải Đăng)
DHL và Trường Kinh doanh Stern của Đại học New York vừa công bố báo cáo Chỉ số kết nối toàn cầu 2020 (Global Connectedness Index 2020 – GCI 2020).
Chỉ số kết nối được đo tổng thể trên nhiều phương diện gồm các dòng chảy quốc tế về thương mại, vốn, thông tin và con người.
Chỉ số này lao dốc đáng kể trong năm 2020 do tác động của giãn cách xã hội như đóng cửa biên giới, hạn chế du lịch và di chuyển bằng đường hàng không. Tuy vậy, dòng chảy thương mại và vốn đã bắt đầu phục hồi. Do các tương tác trực tiếp chuyển sang trực tuyến, dữ liệu quốc tế và thương mại điện tử tăng lên.
Đại dịch Covid-19 gây cản trở cho hoạt động kinh doanh và đời sống ở mọi nơi, nhưng vẫn không ảnh hưởng đến sự liên kết căn bản giữa các quốc gia. Ông Steven A. Altman, tác giả chính của báo cáo GCI, cho biết, những quốc gia có thể cải thiện mức độ kết nối với các dòng chảy quốc tế thường có xu hướng đạt tăng trưởng kinh tế nhanh hơn.
Theo báo cáo này, Việt Nam xếp thứ 3 trong số các nước có sự phát triển tốt hơn dự đoán, dựa trên GDP bình quân đầu người, dân số và khoảng cách địa lý.
Nếu chỉ xét về dòng chảy thương mại, Việt Nam xếp thứ 5 trên toàn cầu. Trong đó, dẫn đầu về tương quan giữa dòng chảy quốc tế với các hoạt động quốc nội. Khả năng kết nối với thế giới của Việt Nam về thương mại cũng được đánh giá cao.
Báo cáo đánh giá trong những năm qua, Việt Nam đã trở thành một đối thủ mạnh của Trung Quốc về sản xuất dệt may và ngày càng mạnh hơn về những sản phẩm công nghệ cao.
Ông Shoeib Reza Choudhury, Tổng Giám đốc DHL Express Việt Nam nhận định Việt Nam chắc chắn là một trong những điểm đến được lựa chọn của các doanh nghiệp đang muốn đa dạng hóa cơ sở sản xuất của mình. Các doanh nghiệp bị thu hút bởi lực lượng lao động trẻ và lành nghề của Việt Nam, các hiệp định thương mại giữa Việt Nam và nhiều tổ chức quốc tế khác nhau (ví dụ như hiệp định EVFTA gần đây với Liên minh châu Âu), và sự ổn định chung của xã hội.
“Chúng tôi nhận thấy rằng nhiều công ty công nghệ cao, cũng như ngày càng nhiều công ty thời trang và may mặc, đang có kế hoạch chuyển đến Việt Nam hoặc mở rộng năng lực sản xuất của họ tại đây”, ông Shoeib nói.
Trên toàn cầu, Hà Lan giữ vị trí số 1 về chỉ số kết nối toàn cầu. Xếp sau đó theo thứ tự là Singapore, Bỉ, Các Tiểu vương quốc Ả Rập Thống nhất và Ireland.
Với 8 trong số 10 nước có chỉ số kết nối toàn cầu cao nhất, Châu Âu trở thành khu vực đứng đầu thế giới về toàn cầu hóa. Hơn nữa, Châu Âu còn dẫn đầu về dòng chảy thương mại và dòng chảy con người, trong khi Bắc Mỹ là khu vực hàng đầu về dòng chảy thông tin và dòng vốn.
Các quốc gia Đông Nam Á như Campuchia, Singapore, Việt Nam và Malaysia đứng đầu danh sách các nền kinh tế có thành tích ấn tượng về dòng chảy quốc tế, trong đó những chuỗi cung ứng ở cấp độ khu vực đóng vai trò chính trong thành tích của các quốc gia này.