Lượng kiều hối về Việt Nam được dự báo sẽ tiếp tục tăng trong năm 2016.
"Dòng kiều hối sẽ là điểm sáng của kinh tế Việt Nam cũng như kinh tế thế giới năm 2016", Tiến sĩ Cấn Văn Lực, Phó TGĐ, cố vấn cao cấp Chủ tịch HĐQT BIDV, nhận định trong Hội thảo khoa học quốc gia "Kinh tế xã hội Việt Nam năm 2015, Cơ hội và thách thức trước thềm hội nhập mới" ngày 13.1.
Theo báo cáo ngày 29.12.2015 của Ngân hàng Thế giới (WB), lượng kiều hối gửi về Việt Nam trong năm 2015 đạt 12,25 tỉ USD, tăng khoảng 0,25 tỉ USD so với năm 2014. Xét trên quy mô toàn cầu, Việt Nam đứng thứ 11 thế giới về lượng kiều hối trong năm nay. Còn xét ở khu vực Đông Á – Thái Bình Dương, Việt Nam đứng thứ 3 sau Trung Quốc và Philippines.
Tại Việt Nam, năm 2015 có khoảng 3.600 doanh nghiệp của kiều bào đang hoạt động với 2.000 dự án, tổng vốn 8,6 tỉ USD, mang về nguồn lợi khoảng 20 tỉ USD mỗi năm, tập trung chủ yếu vào các lĩnh vực thương mại, du lịch, xây dựng, bất động sản, sản xuất hàng xuất khẩu, nuôi trồng, chế biến, xuất khẩu thủy hải sản…
Dựa trên quy mô lượng kiều hối năm 2015 vừa qua, Tiến sĩ Cấn Văn Lực cho biết, dòng kiều hối sẽ là điểm sáng của kinh tế Việt Nam cũng như kinh tế thế giới năm 2016. Theo đó, lượng kiều hối sẽ tiếp tục tăng trong năm 2016.
Đánh giá về triển vọng kinh tế Việt Nam năm 2016, TS Lực cũng cho biết, năm 2016, nền kinh tế Việt Nam sẽ tiếp tục mở rộng, bên cạnh đó cũng là không ít những thách thức. Thách thức chính là kinh tế Trung Quốc đang ngày càng suy giảm và Việt Nam sẽ chịu tác động ít nhiều.
Theo tính toán của Ngân hàng Thế giới, nếu kinh tế Trung Quốc giảm 1%, thì kinh tế thế giới sẽ giảm 0,4% và Việt Nam chắc chẵn sẽ chịu tác động theo hướng đó. Bên cạnh đó, rủi ro với các nước mới nổi năm 2016 sẽ tăng lên đáng kể.
TS cho biết, rủi ro mà các nước mới nổi phải đối mặt năm 2016 sẽ tăng lên đáng kể. Trung Quốc chính là yếu tố châm ngòi cho những rủi ro này. Trung Quốc hiện nay có 4 rủi ro mà nền kinh tế thế giới phải chú ý. Thứ nhất là nợ công, thứ hai là thừa bất động sản, thừa nguyên vậy liệu, xi măng sắt thép. Rủi ro thứ ba và bốn là thị trường chứng khoán và tỷ giá đồng Nhân dân tệ.
Đặc biệt, năm 2015, các đồng tiền mới nổi đều mất giá so với đồng USD từ 5-7%. Năm 2016, các đồng tiền này sẽ tiếp tục mất giá so với đồng USD từ khoảng 3-5%. Trong đó, đồng Nhân dân tệ được dự đoán sẽ mất giá gần 7%.
Nhận định về triển vọng kinh tế thế giới năm 2016, PGS, TS Tô Trung Thành tại Đại học Kinh tế Quốc dân Hà Nội cho biết, kinh tế thế giới sẽ phát triển trong năm 2016, mức gia tăng này chủ yếu xuất phát từ các quốc gia phát triển như Mỹ. Còn quốc gia đang phát triển và mới nổi thì tốc độ phát triển sẽ thu hẹp đặc biệt là Trung Quốc. Tuy nhiên, lạm phát của các quốc gia trên thế giới vẫn có xu hướng thấp. Đây chính là hệ quả của giá dầu trên thế giới tiếp tục suy giảm.
Trong đó, kinh tế Việt Nam sẽ tiếp tục phục hồi do xu hướng hồi phục của kinh tế thế giới và vấn đề giao dịch thương mại tăng mạnh. FDI vẫn sẽ đóng vai trò quan trọng trong sự phát triển kinh tế đất nước. FTA, ACE, TPP sẽ tạo cơ hội gia tăng xuất nhập khẩu, thu hút dòng vốn đầu tư nước ngoài, gia nhập sâu hơn chuỗi giá trị toàn cầu.
(Tuyết Nhung - Một Thế Giới)