Bất chấp tình hình chiến sự tại Ukraine có nguy cơ kéo dài, rủi ro chuỗi cung ứng đứt gãy, áp lực lạm phát khắp nơi sẽ tác động tiêu cực lên chính sách tiền tệ, cũng như thách thức nợ xấu tiếp tục gia tăng trong năm nay, các ngân hàng trong nước tiếp tục đặt mục tiêu lãi lớn và chia cổ tức cao trong năm nay.
ACB dự kiến trình cổ đông kế hoạch phát hành hơn 675 triệu cổ phiếu để trả cổ tức, tương đương tỷ lệ chia là 25%. Ảnh: N.K
Lợi nhuận phải tăng tương xứng với nguồn vốn
Là ngân hàng đầu tiên tổ chức đại hội đồng cổ đông trong năm nay, VIB đặt mục tiêu lợi nhuận trước thuế 10.500 tỉ đồng, tăng mạnh 31% so với năm 2021. Trước đó, trong năm 2021, lợi nhuận trước thuế của VIB đạt hơn 8.000 tỉ đồng, tăng 38% so với năm 2020 và đạt 106,7% kế hoạch. Đáng lưu ý là sau khi tăng thành công 40% vốn điều lệ lên trên 15.500 tỉ đồng, năm nay VIB tiếp tục thông qua phương án nâng vốn điều lệ lên trên 21.000 tỉ đồng, tăng 35,7%. Trong đó, VIB sẽ chia cổ phiếu thưởng 35% cho cổ đông hiện hữu và 0,7% cho cán bộ nhân viên (ESOP) từ nguồn vốn chủ sở hữu.
Ngân hàng ACB dự kiến trình cổ đông kế hoạch phát hành hơn 675 triệu cổ phiếu để trả cổ tức, tương đương tỷ lệ chia là 25%. Thời gian dự kiến hoàn thành trong quí 3 năm nay, nâng vốn điều lệ từ 27.019 tỉ đồng lên trên 33.700 tỉ đồng. Với việc tăng vốn mạnh, ngân hàng đặt mục tiêu lợi nhuận trước thuế năm 2022 tăng 25%, lên 15.018 tỉ đồng.
Tương tự, Ngân hàng Hàng hải (MSB) dự kiến mức chia cổ tức tỷ lệ 30% và đặt kế hoạch tăng trưởng lợi nhuận trước thuế tương ứng 30%, lên 6.800 tỉ đồng. Đáng lưu ý là ban lãnh đạo MSB cho biết, ngân hàng đang ký kết thỏa thuận bán 100% vốn công ty con FCCom cho đối tác nước ngoài, dự kiến thương vụ này mang về khoảng 1.800-2.000 tỉ đồng lợi nhuận cho MSB trong năm nay.
Kế hoạch kinh doanh năm 2022 của Ngân hàng Phương Đông (OCB) cũng đặt mục tiêu tăng trưởng lợi nhuận ở mức 25-30%, đồng thời duy trì mức cổ tức từ 20-25% cho cổ đông. Ngoài ra, có thể kể đến SHB có kế hoạch chi trả cổ tức năm 2021 bằng cổ phiếu với tỷ lệ tối thiểu 15%; Vietcombank có kế hoạch phát hành gần 308 triệu cổ phiếu riêng lẻ, qua đó nâng vốn điều lệ lên hơn 50.401 tỉ đồng; BIDV dự kiến phát hành thêm 341,5 triệu cổ phần mới, tương đương 8,5% vốn điều lệ.
Có thể thấy nhờ nguồn lợi nhuận giữ lại lớn đạt được trong những năm qua, đã tạo điều kiện cho các ngân hàng có nguồn lực để tiếp tục tăng mạnh vốn thông qua hình thức chia cổ tức bằng cổ phiếu cho cổ đông. Tuy nhiên, việc tăng vốn mạnh cũng tạo áp lực buộc các ngân hàng phải tăng trưởng lợi nhuận tương xứng để các hệ số sinh lời không bị suy yếu. Và điều này tiềm ẩn rủi ro nếu các ngân hàng buộc phải tăng trưởng nóng để đảm bảo đạt mục tiêu lợi nhuận đề ra.
Nhiều động lực
Dù lợi nhuận mục tiêu khá tham vọng, nhưng cũng không phải là thiếu khả thi khi mà một số ngân hàng đã sớm chứng kiến lợi nhuận tích cực ngay từ những tháng đầu năm nay.
Như tại VIB, lãi quí 1-2022 của ngân hàng ước đạt 2.200 tỉ đồng, tăng 24-25% so với cùng kỳ và tương đương 21% kế hoạch năm. Hay như tại MB, lãnh đạo ngân hàng này tiết lộ lợi nhuận hợp nhất quí 1 của ngân hàng đạt khoảng 5.500 tỉ đồng; và con số thực hiện trong hai tháng đầu năm đã bám sát mục tiêu này.
Việc tăng vốn mạnh cũng tạo áp lực buộc các ngân hàng phải tăng trưởng lợi nhuận tương xứng để các hệ số sinh lời không bị suy yếu. Và điều này tiềm ẩn rủi ro nếu các ngân hàng buộc phải tăng trưởng nóng…
Một trong những động lực quan trọng kéo lợi nhuận của các ngân hàng ngay từ đầu năm đến từ hoạt động tín dụng. Như VIB chứng kiến tăng trưởng tín dụng trên 5%, trong khi MB đã tăng trưởng 10% so với hạn mức tăng trưởng tín dụng được Ngân hàng Nhà nước cấp tạm thời là 15%. Trái với mọi năm, tăng trưởng tín dụng trong năm nay của các ngân hàng đã diễn biến tích cực ngay từ quí 1, với số liệu cập nhật mới nhất đến ngày 10-3-2022 tín dụng toàn ngành đã tăng 3,11% so với đầu năm.
Với nền kinh tế đang trong lộ trình phục hồi kéo theo nhu cầu vay vốn tăng mạnh trở lại, tăng trưởng tín dụng trong năm nay được các ngân hàng kỳ vọng sẽ bứt phá mạnh mẽ hơn là điều có thể hiểu được. Do đó, hoạt động tín dụng sẽ tiếp tục đóng góp mạnh mẽ vào lợi nhuận của các ngân hàng trong năm nay. Như VIB đặt mục tiêu tăng trưởng tín dụng cả năm lên đến 30%, trong khi MB có kế hoạch tăng trưởng tín dụng 20% và chuẩn bị cho các kịch bản tăng trưởng đột biến. Cụ thể, với các thông tin liên quan đến việc MB sẽ hỗ trợ một “ngân hàng 0 đồng”, ngoài quyền lợi theo quy định, MB cũng có khả năng sẽ được cấp hạn mức tín dụng cao hơn.
Đối với áp lực lạm phát có thể kéo theo lãi suất tiền gửi tăng trở lại gây ảnh hưởng đến biên độ lãi, các ngân hàng có thể hóa giải bằng cách tiếp tục thực thi các giải pháp tăng nguồn tiền gửi không kỳ hạn (CASA). Đây cũng là xu hướng đang diễn ra trong thời gian gần đây, khi các ngân hàng đã nâng tỷ lệ CASA lên mạnh mẽ trong giai đoạn dịch bệnh vừa qua, giúp giảm bớt mức độ phụ thuộc quá lớn vào tiền gửi tiết kiệm. Ngoài ra, nguồn vốn điều lệ tăng thêm mạnh mẽ cũng giúp các ngân hàng có nguồn vốn dài hạn và bền vững để kinh doanh.
Về thách thức nợ xấu, nhất là các khoản vay tái cơ cấu trong thời gian qua mà sẽ gây áp lực lên trích lập dự phòng với lộ trình ba năm theo yêu cầu của Thông tư 14/2021/TT-NHNN, các ngân hàng đang có cơ hội giải quyết bớt các khoản vay này khi nền kinh tế tăng trưởng trở lại, hoạt động kinh doanh của các khách hàng phục hồi, nên không phải tiếp tục tái cơ cấu nữa.
Cũng cần lưu ý là trong dự thảo nghị định của Chính phủ về hỗ trợ lãi suất 2% từ ngân sách nhà nước cho các nhóm khách hàng bị thiệt hại nặng nề trong hai năm dịch bệnh vừa qua, có quy định khoản vay bị quá hạn gốc/lãi hoặc cơ cấu lại thời hạn trả nợ sẽ không được hỗ trợ lãi suất trong khoảng thời gian quá hạn này hoặc trong thời gian được cơ cấu nợ. Do đó, các khách hàng có thể không muốn nằm trong danh sách tái cơ cấu nợ nữa để có cơ hội tiếp cận các khoản vay hỗ trợ lãi suất. Dù là theo cách nào thì cũng sẽ giúp nợ tái cơ cấu của các ngân hàng có thể giảm bớt và từ đó cũng giảm áp lực trích lập dự phòng cho các ngân hàng.
Các ngân hàng cũng sẽ tiếp tục định hướng đẩy mạnh tăng trưởng nguồn thu ngoài mảng tín dụng truyền thống sang các sản phẩm mang lại thu nhập ngoài lãi, vừa giúp đa dạng hóa nguồn thu vừa nâng cao hiệu suất sinh lời. Với diễn biến các hoạt động giao dịch, thanh toán trực tuyến ngày càng trở thành xu hướng chủ đạo, trong khi các ngân hàng thời gian qua đã tích cực triển khai các kênh giao dịch trên nền tảng số, ngân hàng số, mở tài khoản trực tuyến, thì nguồn thu nhập từ các hoạt động này cũng sẽ là động lực quan trọng trong giai đoạn tới.