Trở thành điểm sáng về tăng trưởng xuất khẩu, duy trì nhịp độ xuất siêu, Đồng Nai đang nằm trong nhóm tỉnh thành dẫn đầu về thu hút đầu tư nước ngoài, xuất khẩu, xuất siêu của cả nước.
Trong 5 tháng/2016 Đồng Nai tiếp tục xuất siêu hơn 800 triệu USD
Trong 5 tháng đầu năm 2016, kim ngạch xuất khẩu của tỉnh Đồng Nai đạt 6,02 tỷ USD, tăng 5,1% so với cùng kỳ năm 2015. Kim ngạch nhập khẩu đạt đạt 5,2 tỷ USD. Như vậy, Đồng Nai tiếp tục xuất siêu lớn 800 triệu USD trong 5 tháng/2016.
Những mặt hàng Đồng Nai có kim ngạch xuất khẩu lớn là giày dép, dệt may, nguyên phụ liệu ngành dệt may, sản phẩm gỗ, xơ sợi dệt, cà phê... Thị trường xuất khẩu tập trung chủ yếu vào Hoa Kỳ, Đức, Nhật Bản, Hàn Quốc, Trung Quốc, châu Âu.
Thời gian qua Đồng Nai có nhiều dự án lớn đầu tư mở rộng sản xuất phục vụ cho xuất khẩu đặc biệt là dự án của các nhà đầu tư nước ngoài như Fujitsu, Hyosung, CJ… Việc nhập khẩu máy móc, nguyên phụ liệu phục vụ sản xuất xuất khẩu nhiều nhiều nhưng vẫn không bị mất cân đối kim ngạch xuất nhập khẩu cho thấy tăng trưởng xuất khẩu khá bền vững. Ngoài ra, các doanh nghiệp (DN) nhất là DN FDI cũng đã nhanh chóng đầu tư mở rộng sản xuất để khai thác các lợi thế về mở cửa thị trường, giảm thuế từ các Hiệp định thương mại tự do (FTA) mà Việt Nam đã ký kết để tăng kim ngạch xuất khẩu.
Nếu như các DN FDI với lợi thế về vốn, công nghệ đã nhanh chóng đầu tư, tăng vốn mở rộng sản xuất, xuất khẩu thì các DN trong nước lại chọn cho mình hướng đi riêng như xuất thành phẩm hoàn thiện để tăng giá trị gia tăng xuất khẩu. Cụ thể nhiều DN chế biến gỗ ở Đồng Nai đã đầu tư mở rộng sản xuất các sản phẩm hoàn thiện để xuất khẩu thay vì làm từng chi tiết như trước đây.
Để hỗ trợ cho các DN xúc tiến, mở rộng thị trường xuất khẩu tỉnh đã tổ chức các đoàn xúc tiến thương mại tại Hoa Kỳ, Nhật Bản… nhằm mời gọi đầu tư và kết nối thương mại với những tập đoàn lớn nước ngoài. Tỉnh cũng kịp thời tháo gỡ những khó khăn về thủ tục hành chính, hải quan để tạo điều kiện thuận lợi nhất giúp DN yên tâm mở rộng sản xuất, tăng xuất khẩu.
Tuy nhiên, nhiều DN cũng cho biết mặc dù kim ngạch xuất khẩu tăng nhưng lợi nhuận không tăng, thậm chí giảm bởi giá nguyên liệu nhập khẩu về tăng cao, giá điện, nhân công đều tăng khiến chi phí đầu vào của các DN bị đẩy lên trong khi hàng xuất khẩu lại có xu hướng giảm giá do cạnh tranh. Liên quan đến xuất khẩu trong các quy định để hưởng ưu đãi thuế từ Cộng đồng kinh tế ASEAN và các FTA mà Việt Nam đã ký kết đòi hỏi rất kỹ là nguyên liệu phải sản xuất trong nước hoặc nhập khẩu từ các nước cùng tham gia FTA.
Tuy nhiên, trên thực tế, nguyên liệu sản xuất của các DN phần lớn nhập khẩu từ thị trường Trung Quốc nên ít được hưởng các ưu đãi. Gần đây nhiều DN cũng chuyển hướng nhập khẩu nguyên liệu từ thị trường Hàn Quốc, Nhật Bản và các nước trong khối ASEAN, nhưng giá nguyên liệu khá cao vì thế giá sản phẩm xuất khẩu vẫn khó cạnh tranh.