Bằng những chính sách hỗ trợ rất hấp dẫn, tác động đúng điểm nghẽn về vốn…, Đồng Nai đang tạo được làn sóng đầu tư cho phát triển cụm công công nghiệp (CCN) trên địa bàn tỉnh.
Hiện 23/27 CCN trên địa bàn tỉnh Đồng Nai đã thu hút được nhà đầu tư xây dựng hạ tầng |
Đã có thời điểm, việc phát triển các CCN trên địa bàn tỉnh Đồng Nai khá khó khăn, đặc biệt trong kêu gọi đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng. Nguyên do, cơ chế hỗ trợ chưa đủ mạnh. Doanh nghiệp đa phần có quy mô vừa, nhỏ và siêu nhỏ, nguồn vốn hạn chế nên mặc dù đã đăng ký dự án nhưng không thực hiện được…
Các CCN chậm được xây dựng và hoàn thiện cơ sở hạ tầng khiến mặt bằng cho sản xuất công nghiệp - tiểu thủ công nghiệp không đáp ứng nhu cầu. Một số cơ sở, doanh nghiệp sản xuất phân tán trong khu dân cư gây ô nhiễm môi trường.
Để khắc phục hiện trạng trên, đồng thời tạo lực đẩy đủ mạnh cho phát triển CCN, UBND tỉnh Đồng Nai đã xây dựng những cơ chế hỗ trợ rất “mở”, tác động đúng điểm nghẽn thiếu vốn của nhà đầu tư, doanh nghiệp, cơ sở sản xuất.
Đồng Nai quy hoạch 27 CCN với tổng diện tích 1.500 ha. Các CCN hình thành nhằm phục vụ cho việc di dời, thu hút các cơ sở sản xuất, doanh nghiệp nhỏ và vừa, hộ gia đình ở địa phương vào đầu tư sản xuất, kinh doanh. |
Theo đó, mỗi địa phương cấp huyện được Quỹ Phát triển đất của tỉnh ứng vốn để bồi thường, giải phóng mặt bằng tạo quỹ đất sạch cho 1 CCN. Trong đó, ưu tiên thực hiện cho các cụm thuộc vùng sâu, vùng xa, vùng khó thu hút đầu tư như huyện: Tân Phú, Định Quán, Xuân Lộc và Cẩm Mỹ.
Chủ đầu tư xây dựng kết cấu hạ tầng CCN được ngân sách tỉnh hỗ trợ các hạng mục: San lấp mặt bằng, đường giao thông nội bộ, hệ thống cấp nước, thoát nước; mức hỗ trợ 20 tỷ đồng/cụm; các CCN có diện tích nhỏ hơn 30 ha, hỗ trợ 15 tỷ đồng/cụm. Với doanh nghiệp nhỏ và vừa thực hiện dự án di dời vào CCN sẽ được hỗ trợ chi phí tháo dỡ, bốc xếp, vận chuyển di dời, xây dựng cơ sở và phí sử dụng hạ tầng với mức 30.000 đồng/m² tính theo diện tích thuê lại của chủ đầu tư. Cụ thể: Hỗ trợ không quá 10.000 m² đối với doanh nghiệp có quy mô vừa nhưng không quá 300 triệu đồng/doanh nghiệp; hỗ trợ không quá 5.000m² đối với doanh nghiệp có quy mô nhỏ nhưng không quá 150 triệu đồng/doanh nghiệp; hỗ trợ không quá 2.000m² đối với hộ kinh doanh nhưng không quá 60 triệu đồng/hộ. Tỉnh cũng hỗ trợ kinh phí hoạt động trong 4 năm đầu cho Trung tâm Phát triển CCN huyện thực hiện chức năng của đơn vị kinh doanh hạ tầng đối với CCN không có chủ đầu tư.
Với những ưu đãi trên, tính đến đầu tháng 2/2017, toàn tỉnh đã có 23/27 CCN có nhà đầu tư hạ tầng. Việc xây dựng cơ sở hạ tầng CCN cũng như thu hút doanh nghiệp thứ cấp theo đó cũng rất thuận lợi.
Được biết để tiếp tục thu hút đầu tư phát triển các CCN, bên cạnh việc thực hiện tốt các chính sách ưu đãi trên, Đồng Nai sẽ tiếp tục nghiên cứu, bổ sung các chính sách ưu đãi, khuyến khích thu hút đầu tư vào sản xuất công nghiệp- tiểu thủ công nghiệp, hỗ trợ doanh nghiệp vừa và nhỏ… Theo đó, tập trung đầu tư cơ sở hạ tầng kỹ thuật và dịch vụ hỗ trợ ngoài hàng rào. Có cơ chế hỗ trợ vốn từ ngân sách cho việc đầu tư cơ sở hạ tầng, đồng thời tạo điều kiện thuận lợi cho các dự án xây dựng kết cấu hạ tầng CCN. Chủ đầu tư, các doanh nghiệp vừa và nhỏ được vay vốn ưu đãi hoặc hỗ trợ lãi suất sau đầu tư theo tiến độ của dự án…