Chứng kiến dòng vốn đầu tư 94.000 tỷ đồng vào Hòa Bình, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc cho rằng, tuyến cao tốc Láng-Hòa Lạc-Hòa Bình được ví như "hành lang kinh tế Đông - Tây" nối Hà Nội - Hòa Bình sẽ tạo ra động lực tăng trưởng mới, sức bật mới.
Tại Hội nghị xúc tiến đầu tư tỉnh Hòa Bình chiều 11/12, dưới sự chứng kiến của Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc, lãnh đạo tỉnh đã trao 9 quyết định đầu tư và 15 biên bản thỏa thuận hợp tác cho các doanh nghiệp, tổng số vốn trên 94.000 tỷ đồng. Trong đó, lớn nhất là Tập đoàn FLC với 5 dự án đầu tư gần 36.000 tỷ đồng vào du lịch và nông nghiệp công nghệ cao, những lĩnh vực thế mạnh của Hòa Bình.
Công ty TNHH Meiko Electronics tổng mức đầu tư 4.600 tỷ đồng; Công ty Cổ phần nước Aqua One tổng mức đầu tư 3.040 tỷ đồng, công suất thiết kế 600.000m3/ngày đêm khu vực phía Đông Nam Hà Nội; Dự án Khu du lịch sinh thái Ngòi Hoa do Công ty CP Đầu tư năng lượng xây dựng Thương mại Hoàng Sơn làm chủ đầu tư, với tổng vốn trên 475 tỷ đồng...
Cùng với đó là 15 biên bản thỏa thuận hợp tác có tổng số vốn đăng ký đầu tư hơn 79,3 tỷ đồng.
Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc phát biểu tại Hội nghị. Ảnh: VGP/Quang Hiếu |
Nhắc lại lần dự hội nghị xúc tiến đầu tư tỉnh Hòa Bình cách đây 2 năm, khi đó, 22 dự án được cấp giấy phép và nay 18 dự án trong số này đã được triển khai, Thủ tướng đánh giá, các nhà đầu tư vào Hòa Bình đã nói và làm.
“Hôm nay, chúng ta vui mừng đã có 94.000 tỷ đồng được cấp giấy phép hoặc thỏa thuận đầu tư, trong đó có rất nhiều dự án của các doanh nhân Việt Nam và nhiều dự án FDI”, Thủ tướng nói và chia sẻ, ông đi từ trung tâm Hà Nội tới Hòa Bình mất chưa đầy 1 giờ đồng hồ, do có đường cao tốc Hà Nội-Hòa Bình, “điều đó nói lên Thủ đô của chúng ta gần với tỉnh Hòa Bình ở mức nào”.
Thủ tướng khẳng định Hòa Bình, người láng giềng chung vách với Hà Nội, là một trong 9 bông hoa đẹp nằm trong vùng Thủ đô. Đây là điều kiện quan trọng để Hòa Bình phát triển tiềm năng, thế mạnh của mình. Với các nhà đầu tư, Thủ tướng nêu rõ, cần gắn lời nói với việc làm. "Tôi mong rằng các nhà đầu tư nhanh chóng bắt tay vào nghiên cứu để triển khai các cam kết. Không để tình trạng nói một đường làm một nẻo".
Để hướng vào các mũi nhọn kinh tế, Thủ tướng gợi ý, “người ta hay nói nhất cận thị, nhị cận giang, mình gần Hà Nội, gần sông Đà thì chúng ta thêm một câu nữa “nhất cự li, nhì tốc độ”". Vì vậy, Hòa Bình cần phát huy lợi thế về địa chiến lược của Vùng Thủ đô, tuyến cao tốc Láng-Hòa lạc được ví như "hành lang kinh tế Đông-Tây" nối Hà Nội-Hòa Bình. Tuyến Láng-Hòa Lạc-Hòa Bình sẽ tạo ra động lực tăng trưởng mới, sức bật mới không chỉ cho Hòa Bình, mà cả các tỉnh Tây Bắc.
Hòa Bình cần làm tốt công tác tiếp xúc nhà đầu tư, cung ứng dịch vụ hỗ trợ tốt nhất cho nhà đầu tư, thu hút các “sếu lớn” đến với địa phương. Thủ tướng bày tỏ vui mừng khi tại Hội nghị hôm nay, tỉnh đã chủ động kêu gọi được các nhà đầu tư, các tập đoàn lớn như FLC, Vingroup… và nhiều nhà đầu tư, doanh nghiệp lớn khác.
Theo báo cáo của tỉnh, năm 2002, trên địa bàn tỉnh Hòa Bình có tổng số 05 dự án, với tổng vốn đăng ký 23,4 tỷ đồng (VNĐ) và 13,38 triệu USD. Sau 15 năm (tính đến hết năm 2018), trên địa bàn tỉnh có 544 dự án, trong đó có 37 dự án FDI có tổng vốn đăng ký 502 triệu USD và 507 dự án trong nước có tổng vốn đầu tư đăng ký trên 64.885 tỷ đồng. Trong số này có 85 dự án đầu tư trong các Khu công nghiệp (22 dự án FDI và 63 dự án trong nước).
Năm 2018 có 450 doanh nghiệp đăng ký thành lập mới với tổng số vốn đăng ký là 7.500 tỷ đồng. Lũy kế sau 15 năm (tính đến hết năm 2018), trên địa bàn tỉnh có 2.800 doanh nghiệp với tổng số vốn đăng ký là 36.000 tỷ đồng, có 275 hợp tác xã và 240 tổ hợp tác.
Trong tổng số 546 dự án đăng ký đầu tư, hiện có 260 dự án đã đi vào sản xuất kinh doanh, chiếm 47,6% tổng số dự án. Theo số liệu thống kê năm 2017,các dự án đầu tư đóng góp cho ngân sách nhà nước khoảng 440 tỷ đồng, chiếm khoảng 25,1% tổng thu cân đối ngân sách nhà nước năm 2017.