Trong tháng 02/2021, Việt Nam đã thu hút được 3,4 tỷ USD vốn FDI, cao hơn 70,4% so với tháng 01/2021 (khoảng 2,02 tỷ USD) và tăng gấp ba lần giá trị so với cùng kỳ năm 2020.
Trong báo cáo cập nhật tình hình kinh tế vĩ mô Việt Nam tháng 3/2021, Ngân hàng Thế giới (World Bank -WB) nhận định, việc nhanh chóng kiểm soát đợt bùng phát dịch COVID-19 mới đã giúp duy trì triển vọng phục hồi kinh tế tích cực của Việt Nam trong năm 2021.
Theo WB, sự phục hồi kinh tế trong nước đang đi đúng hướng khi sản xuất công nghiệp và tổng mức bán lẻ hàng hóa và dịch vụ tiếp tục tăng trưởng dương trong bối cảnh làn sóng Covid-19 thứ ba.
Tính bình quân trong 2 tháng đầu năm 2021, chỉ số sản xuất công nghiệp vẫn ghi nhận mức tăng 8,8% so với cùng kỳ năm trước. Sản xuất kim loại và sản phẩm điện tử, máy tính và sản phẩm quang học tiếp tục tăng lần lượt 8,6% và 3,2% trong tháng 2, nhờ nhu cầu cao trên thị trường thế giới.
Mặc dù có đợt bùng phát dịch Covid-19 mới, tổng mức bán lẻ hàng hóa và dịch vụ trong tháng 2 vẫn tăng 0,3% so với tháng trước và 8,3% so với cùng kỳ năm trước nhờ nhu cầu tiêu dùng cao hơn trong dịp tết.
WB nhận định, dù tỷ lệ trên vẫn thấp hơn trước khi có dịch COVID-19, tuy nhiên mức tăng trưởng này cho thấy những biện pháp ứng phó có mục tiêu của Chính phủ với đợt bùng phát đã giảm thiểu việc tác động tiêu cực của những biện pháp phòng chống dịch nghiêm ngặt đối với các hoạt động kinh tế lan sang các tỉnh ngoài tâm dịch.
Đáng chú ý, vào tháng 2, hoạt động xuất khẩu giảm nhẹ (-4,2%) trong khi nhập khẩu tiếp tục tăng mạnh (11,8%) dẫn đến thâm hụt thương mại lần đầu tiên được ghi nhận trong 10 tháng.
Thống kê của WB cho thấy, trong khi xuất khẩu hàng dệt may, giày dép và điện thoại giảm thì máy tính, sản phẩm điện tử và quang học, máy móc, kim loại và sản phẩm kim loại, gỗ và đồ nội thất vẫn duy trì mức tăng trưởng mạnh mẽ.
Do đó, các chuyên gia WB đánh giá, hiện còn quá sớm để kết luận liệu điều này có thể hiện một xu hướng mới trong cán cân thương mại hàng hóa hay không.
DÒNG VỐN FDI TĂNG GẤP 3 LẦN CÙNG KỲ 2020
Một thông tin đáng quan tâm khác trong báo cáo cập nhật của WB là diễn biến của dòng vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) vào Việt Nam.
WB đánh giá, dòng vốn FDI đã hồi phục mạnh mẽ vào tháng 02/2021 sau hai tháng chững lại. Cụ thể, trong tháng 2, Việt Nam đã thu hút được 3,4 tỷ USD vốn FDI, cao hơn 70,4% so với tháng 01/2021 (khoảng 2,02 tỷ USD) và tăng gấp ba lần giá trị vốn FDI so với cùng kỳ năm 2020.
Tình hình thu hút vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) vào Việt Nam giai đoạn T2/2019 - T2/2021. Nguồn WB
Sự gia tăng về vốn FDI vào Việt Nam trong bối cảnh đại dịch COVID-19, được WB lý giải là do được thúc đẩy bởi hoạt động đăng ký cấp mới (tăng 265,7% so với cùng kỳ năm trước) và tăng vốn (tăng 273,0% so với cùng kỳ).
Trong đó, tác nhân chính là các dự án lớn bao gồm Nhà máy nhiệt điện Ô Môn II trị giá 1,31 tỷ USD tại Cần Thơ và Nhà máy sản xuất mô-đun tấm nền OLED trị giá 750 triệu USD tại Hải Phòng. Những dự án “khủng” trên đã góp phần quan trọng để xoay chuyển tình hình thu hút đầu tư nước ngoài trong 2 tháng đầu năm.
Trước đó, như BizLIVE đã thông tin, ở báo cáo nhanh cập nhật tới 20/2, Cục Đầu tư nước ngoài cho biết Tổng vốn đăng ký cấp mới, điều chỉnh và góp vốn, mua cổ phần của nhà đầu tư nước ngoài vào Việt Nam sau gần 2 tháng đạt 5,46 tỷ USD, giảm 15,6% so với cùng kỳ 2020. Khối FDI hiện đang là nhân tố quan trọng "bù đắp" nhập siêu của khu vực trong nước. Tạm tính tới 20/2, việc xuất siêu gần 6,5 tỷ USD của khu vực ĐTNN đã "bù đắp" phần nhập siêu 3,9 tỷ USD của khu vực doanh nghiệp trong nước, giúp cả nước xuất siêu khoảng 2,6 tỷ USD. |