Các nhà đầu tư lo ngại rằng, trong xu hướng dòng vốn FDI chuyển dịch mạnh mẽ sẽ vấp phải sự cạnh tranh khốc liệt về nhân lực, đặc biệt là nhân lực chất lượng và giá thuê mặt bằng "nhích" lên.
Có lẽ khi nhắc đến điều này không thể không kể đến việc một nhà cung ứng của Apple là Pegatron lại chuyển sản xuất sang Indonesia, thay vì Việt Nam như kế hoạch ban đầu.
Các nhà đầu tư lo ngại rằng, trong xu hướng dòng vốn FDI chuyển dịch mạnh mẽ sẽ vấp phải sự cạnh tranh khốc liệt về nhân lực, đặc biệt là nhân lực chất lượng và giá thuê mặt bằng "nhích" lên. (Ảnh láp ráp Iphone tại nhà máy Foxconn, nguồn: 9to5mac) |
Việt Nam đang được đánh giá là cơ sở sản xuất lớn của các nhà sản xuất của các thương hiệu hàng đầu thế giới như Nike của Mỹ, Adidas của Đức, Uniqlo của Nhật Bản và H&M của Thụy Điển.
Nhưng theo chia sẻ của ông Frank Chou,Chủ tịch kiêm Giám đốc điều hành Makalot – một trong những mắt xích quan trọng trong chuỗi cung ứng sản phẩm của GAP (Mỹ), Walmart (Mỹ), Zara (Tây Ban Nha) và H&M biết họ sẽ làm chậm kế hoạch mở rộng hoạt động tại Việt Nam.
Theo lý giải của người đứng đầu Makalot, trong bối cảnh đang có ngày càng nhiều các nhà đầu tư, doanh nghiệp nước ngoài đến Việt Nam trong xu hướng chuyển dịch đầu tư cũng như tận dụng cơ hội từ các hiệp định tự do thế hệ mới, đặc biệt như Hiệp định tự do thương mại Việt Nam – EU, chúng tôi thấy trước được sự thiếu hụt lao động và thậm chí là cạnh tranh khốc liệt trong việc tuyển dụng lao động ở Việt Nam.
Đặc biệt, trong ngành may mặc, dường như thời điểm đầu tư tốt nhất để đầu tư vào Việt Nam đã “qua”, và các công ty trong ngành này sẽ phải thích nghi với một môi trường khắc nghiệt hơn khi chi phí nhân công về lao động và thuê mặt bằng có xu hướng tăng.
Chính vì vậy, nhà đầu tư này cho biết sẽ tập trung vào việc mở rộng hoạt động tại Indonesia. Như vậy, lại thêm một nhà đầu tư nữa có kế hoạch lựa chọn Indonesia cho hành trình đầu tư và hoạt động của doanh nghiệp mình.
Mặc dù, không chia sẻ cụ thể về điểm đến đầu tư tiếp theo, song, ông Roger Lo, Phó Chủ tịch Eclat Textile một trong những nhà cung cấp đồ thể thao lớn nhất Đài Loan cho biết, sẽ ngừng mở rộng hoạt động tại Việt Nam.
Những thách thức mà nhà đầu tư phải đối mặt xuất phát từ những lo ngại chi phí lao động tăng lên song không tỷ lệ thuận với năng suất. Kết quả này không chỉ bây giờ mới được đưa ra mà ngay từ trước đó, những lo lắng này đã được báo cáo của Hiệp hội doanh nghiệp Nhật Bản chỉ ra.
Cụ thể, mức lương tối thiểu ở Việt Nam đã tăng đều trong 10 năm qua từ 1 triệu đồng Việt Nam (43 USD) một tháng lên 4,18 triệu đồng mỗi tháng trong năm 2019, mặc dù con số này vẫn thấp hơn Trung Quốc.
Không chỉ chi phí nhân công, mà ngay cả chi phí thuê mặt bằng cũng đã tăng lên. Như chia sẻ của một đại diện Pou Chen, hãng gia công giầy cho Nike, Adidas, đã chỉ ra rằng, chi phí đất đai ở Việt Nam đang tăng lên hàng năm và không có dấu hiệu hạ nhiệt.
Đáng nói, "về lâu dài, chúng tôi không nghĩ còn nhiều dư địa để mở rộng công suất và nhân lực tại Việt Nam để tiếp tục phát triển", vị này nhận định thêm.
Trao đổi với Diễn đàn Doanh nghiệp, chuyên gia kinh tế, TS Trần Toàn Thắng nhận định, đã xuất hiện xu hướng về cạnh tranh về sử dụng lao động ở các khu công nghiệp lớn, các vùng kinh tế động lực. Đây không chỉ là “cuộc cạnh tranh” của các nhà đầu tư nước ngoài, mà nhìn rộng ra, đó cũng là cuộc đua của thị trường lao động Việt Nam và doanh nghiệp nội cũng sẽ bị ảnh hưởng tiêu cực.
“Ít nhất là bị cạnh tranh về lương, cạnh tranh về lao động có kỹ năng điều này nhìn rộng ra sẽ ảnh hưởng đến chất lượng và số lượng lao động trong nước”, TS Trần Toàn Thắng nhấn mạnh. TS Trần Toàn Thắng còn dự báo rằng, câu chuyện cạnh tranh này sẽ ngày càng khốc liệt hơn và nó sẽ tỷ lệ thuận với dòng chảy mạnh mẽ của dòng vốn FDI.
Theo Ngọc Hà / DĐDN