Tỷ giá giữa đô la Mỹ và tiền đồng đã giảm mạnh từ vùng 23.500 trước đó xuống chỉ còn 23.300 đồng/đô la. Đây là một bất ngờ bởi hàng loạt các thông tin đang không hỗ trợ cho tỷ giá vào thời điểm hiện nay. Và bất ngờ này có thể là dấu hiệu cho thấy cơ hội rất lớn đang chờ các doanh nghiệp Việt Nam.
Tỷ giá đã liên tục tăng lên kể từ khi dịch Covid-19 bùng phát trên phạm vi toàn cầu, có thời điểm đã vượt mốc 23.600 đồng/đô la Mỹ, tương ứng với mức tăng 1,7% so với cuối năm 2019. Điều này đồng nghĩa với việc tiền đồng bị mất giá so với đô la Mỹ. Đây cũng là xu hướng chung của hàng loạt các đồng tiền khác trên thế giới, trong đó đáng chú ý hơn cả là việc đồng rupiah của Indonesia có thời điểm đã mất giá tới gần 15% so với đô la Mỹ.
Nguyên nhân là do các nhà đầu tư lo ngại dòng tiền sẽ được rút ra khỏi các nước đang phát triển, cũng như nguồn cung về ngoại tệ trên thị trường sụt giảm do hoạt động xuất khẩu bị gián đoạn bởi dịch Covid-19.
Tuy nhiên, diễn biến trên thị trường ngoại hối gần đây của Việt Nam đang cho thấy những bất ngờ. Theo đó, tỷ giá đã giảm mạnh từ vùng 23.500 trước đó xuống chỉ còn 23.300 đồng/đô la Mỹ. Bất ngờ là bởi hàng loạt thông tin đang không hỗ trợ cho tỷ giá vào thời điểm hiện nay.
Thứ nhất đó là việc cán cân thương mại thâm hụt lớn lên tới gần 2 tỉ đô la Mỹ trong cả tháng 4 và 15 ngày đầu của tháng 5-2020, do sản lượng xuất khẩu điện thoại của Samsung giảm tới trên 50% so với các tháng trước đó; xuất khẩu các mặt hàng khác như dệt may, da giày cũng ghi nhận mức sụt giảm lên tới 30%.
Thứ hai, hiện tại cũng đang là thời điểm, mà theo các trader trên thị trường ngoại hối, các doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài (FDI) sẽ bắt đầu chuyển lợi nhuận về nước sau khi phát hành báo cáo kiểm toán chính thức vào ngày 31-3 hàng năm, đặc biệt là các doanh nghiệp của Nhật Bản.
Việc tỷ giá giảm mạnh cho thấy cung về ngoại tệ đang chi phối trên thị trường ngoại hối, hay nói đơn giản là cung lớn hơn cầu. Nguồn cung này hoặc là đến từ trong nước, do người dân và doanh nghiệp đẩy mạnh việc bán ngoại tệ cho ngân hàng, hoặc là đến từ thị trường bên ngoài.
Khả năng thứ nhất hiện nay được xem là thấp bởi tâm lý găm giữ đô la Mỹ của người dân và doanh nghiệp Việt Nam đã giảm mạnh trong khoảng hai năm gần đây khi giá trị đồng nội tệ liên tục duy trì được sự ổn định.
Do đó, lượng đô la nhàn rỗi là không nhiều, mà nếu có thì hiện tại cũng chưa phải thời điểm thích hợp để bán ra. Do vậy, nguồn ngoại tệ này có thể đến từ thị trường bên ngoài nhưng đến qua kênh nào thì rất khó để có câu trả lời chính xác. Đó có thể là dòng vốn từ hoạt động giải ngân của các dự án đầu tư trực tiếp của nước ngoài (FDI), vốn từ các thương vụ mua bán - sáp nhập doanh nghiệp (M&A), kiều hối và thậm chí là từ hoạt động vay nợ nước ngoài của các doanh nghiệp cũng như của chính các ngân hàng.
Lập luận trên có lẽ chưa hợp lý bởi hiện tại dịch Covid-19 đang khiến cho nhu cầu đầu tư trên toàn cầu sụt giảm cùng với việc di chuyển giữa các quốc gia đang gặp nhiều khó khăn.
Tuy nhiên, có lẽ đó là tâm lý và suy nghĩ của các doanh nghiệp, các nhà đầu tư nhỏ. Còn các nhà đầu tư lớn, các tập đoàn đa quốc gia, phải chăng họ cho rằng lúc này mới đang là cơ hội?
Nhìn vào thông tin về sản phẩm AirPods của Apple xuất hiện gần đây mới thấy rằng không biết họ vào Việt Nam từ lúc nào, sản xuất từ bao giờ và nhà máy sản xuất đặt ở đâu?
Một vài thông tin rất ít cho biết Apple đã có các chuyến bay riêng đến Việt Nam và được sự cho phép của Chính phủ trong thời gian giãn cách xã hội.
Với các nhà đầu tư gián tiếp (FII) và kiều bào ở nước ngoài thì rõ ràng lúc này mới là cơ hội, bởi lẽ giá trị tài sản hiện nay đã giảm đáng kể so với thời điểm trước khi có dịch Covid-19. Nhưng câu hỏi được đặt ra là họ lấy tiền ở đâu hay phải chăng dòng tiền của họ không bị ảnh hưởng bởi dịch Covid-19?
Câu trả lời chắc chắn là hoạt động kinh doanh của họ cũng bị sụt giảm nhưng vấn đề chính là lợi suất của đô la Mỹ trên thị trường quốc tế đang ở mức rất thấp. Theo đó, họ chỉ cần vay đô la ở nước ngoài với mức lãi suất 1-3%/năm rồi hoán đổi (swap) sang tiền đồng với chi phí phòng ngừa rủi ro (hedging) khoảng 2-3% và đem gửi tiết kiệm tại các ngân hàng Việt Nam với lãi suất 6-7%/năm.
Chênh lệch về lợi suất đã vào khoảng 2-3%/năm. Đây cũng chính là lý do mà Techcombank cho biết vừa huy động thành công 500 triệu đô la Mỹ trên thị trường quốc tế để gia tăng hoạt động giải ngân cho các doanh nghiệp trong nước.
Bên cạnh đó là thông tin về việc Việt Nam được mời tham dự vào diễn đàn của bộ tứ kim cương cũng như đón đầu làn sóng dịch chuyển FDI từ Trung Quốc. Đây là yếu tố giúp cho các doanh nghiệp, nhà đầu tư bớt lo ngại về sự sụt giảm của hoạt động xuất khẩu mà có thể sẽ khiến cho cung về ngoại tệ thiếu hụt trên thị trường.
Nếu như những nhận định ở trên là hợp lý thì rõ ràng cơ hội rất lớn cho các doanh nghiệp Việt Nam đang ở phía trước. Theo đó, kịch bản trong hai năm gần đây - Ngân hàng Nhà nước (NHNN) mua được nhiều ngoại tệ để gia tăng dự trữ ngoại hối - sẽ lặp lại. Mua ngoại tệ, đồng nghĩa với việc NHNN sẽ phải bơm tiền đồng ra thị trường với một khối lượng tương ứng.
Tuy nhiên, cầu về vốn của các doanh nghiệp trong nước hiện tại đang ở mức thấp sẽ khiến cho nguồn vốn bị dư thừa và lập tức gây áp lực cho hệ thống ngân hàng phải giảm lãi suất cho vay ra nền kinh tế. Nếu lạm phát được kiểm soát ở mức thấp, bình quân khoảng 3-4% cho cả năm 2020 thì NHNN hoàn toàn còn dư địa để hạ thêm các loại lãi suất điều hành trong thời gian tới.
Mặt bằng lãi suất thấp cùng với việc các đơn hàng sẽ tăng trở lại khi dịch bệnh được kiểm soát sẽ là cơ hội cho các doanh nghiệp trong nước khôi phục lại hoạt động sản xuất trong thời gian tới. Vấn đề lúc này là các doanh nghiệp cần duy trì được sự sống để chờ đón cơ hội phía trước.
Các doanh nghiệp dệt may và gỗ đang cho thấy sự thích nghi và chuyển hướng rất nhanh để có thể duy trì được sự tồn tại của mình. Đó là việc chuyển sang sản xuất và xuất khẩu khẩu trang cũng như các thiết bị bảo hộ khác của doanh nghiệp dệt may.
Hiệp hội Chế biến gỗ mới đây cho biết xuất khẩu năm nay dự kiến sẽ vẫn đạt khoảng 12 tỉ đô la, tức là không có tăng trưởng so với năm 2019. Tuy nhiên, con số này cũng là rất tốt so với các ngành nghề khác.
Kết quả này có được là do các doanh nghiệp đã nhanh chóng chuyển sang các mặt hàng có giá trị nhỏ hơn và đa dạng hóa thị trường xuất khẩu thay vì chỉ phụ thuộc vào Mỹ, Trung Quốc và Nhật Bản... - những quốc gia đang bị ảnh hưởng nặng nề bởi dịch Covid-19 khiến cho nhu cầu tiêu thụ sụt giảm.