Tổng vốn đầu tư nước ngoài vào Việt Nam tính đến ngày 20-10 giảm 19,4% so với cùng kỳ năm trước trong khi tổng vốn đầu tư của Việt Nam ra nước ngoài trong 10 tháng tăng 16,1% so với cùng kỳ.
Số liệu nêu trên vừa được Tổng cục Thống kê công bố trong Báo cáo tình hình kinh tế - xã hội tháng 10 và 10 tháng năm 2020.
Tổng vốn đầu tư nước ngoài vào Việt Nam tính đến ngày 20-10 giảm 19,4% so với cùng kỳ năm trước. Ảnh minh họa: TTXVN
Cụ thể, tới ngày 20-10, Việt Nam hiện có 2.100 dự án được cấp phép mới với số vốn đăng ký đạt 11,7 tỉ đô la, giảm 32,1% về số dự án và giảm 9,1% về số vốn đăng ký so với cùng kỳ năm trước. Ngoài ra, có 907 lượt dự án đã cấp phép từ các năm trước đăng ký điều chỉnh vốn đầu tư với số vốn tăng thêm đạt 5,7 tỉ đô la, tăng 4,4% so với cùng kỳ.
Trong khi đó, thống kê cho thấy có 5.451 lượt góp vốn, mua cổ phần của nhà đầu tư nước ngoài với tổng giá trị góp vốn đạt 6,1 tỉ đô la, giảm 43,5%. Trong tổng số lượt góp vốn, mua cổ phần của nhà đầu tư nước ngoài có 1.392 lượt góp vốn, mua cổ phần làm tăng vốn điều lệ của doanh nghiệp với giá trị vốn góp gần 2,5 tỉ đô la và 4.059 lượt nhà đầu tư nước ngoài mua lại cổ phần trong nước mà không làm tăng vốn điều lệ với giá trị hơn 3,6 tỉ đô la.
Vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài thực hiện 10 tháng ước tính đạt 15,8 tỉ đô la, giảm 2,5% so với cùng kỳ năm trước.
Ở chiều ngược lại, đầu tư của Việt Nam ra nước ngoài trong 10 tháng năm 2020 có 107 dự án được cấp giấy chứng nhận đăng ký đầu tư mới với tổng số vốn đầu tư của phía Việt Nam là 314,5 triệu đô la và có 28 lượt dự án điều chỉnh vốn với số vốn tăng thêm đạt 163,8 triệu đô la. Tính chung tổng vốn đầu tư của Việt Nam ra nước ngoài (vốn cấp mới và tăng thêm) 10 tháng đạt 478,3 triệu đô la, tăng 16,1% so với cùng kỳ năm trước.
Đối với đầu tư công, số liệu của cơ quan này cho thấy vốn đầu tư thực hiện từ nguồn ngân sách Nhà nước tháng 10 ước đạt 52 ngàn tỉ đồng, tăng 42,2% so với cùng kỳ năm trước. Tính chung 10 tháng năm 2020, vốn đầu tư thực hiện từ nguồn ngân sách Nhà nước đạt 354,6 ngàn tỉ đồng, bằng 69,8% kế hoạch năm và tăng 34,4% so với cùng kỳ năm trước (cùng kỳ năm 2019 bằng 68,8% và tăng 6,7%). Cụ thể, vốn Trung ương quản lý đạt 62,1 ngàn tỉ đồng, bằng 67,7% kế hoạch năm và tăng 67,8% so với cùng kỳ năm trước, trong khi vốn địa phương quản lý đạt 292,5 ngàn tỉ đồng, bằng 70,3% kế hoạch năm và tăng 29% so với cùng kỳ năm 2019.