Để hiện thực hóa khát vọng phát triển, Hải Phòng rất cần những điểm đột phá về tư duy và chiến lược. Những điều này đã được thể hiện trong quan điểm phát triển tại Dự thảo Quy hoạch TP. Hải Phòng thời kỳ 2021-2030.
Lợi thế lớn nhất của Hải Phòng chính là hệ thống cảng biển quốc tế.
Phát triển ngang tầm với các thành phố tiêu biểu ở châu Á
Lợi thế lớn nhất của Hải Phòng chính là có hệ thống cảng biển quốc tế, có hậu phương công nghiệp vững chắc. “Vì thế, trong quan điểm phát triển Hải Phòng thời kỳ 2021-2030, điều đầu tiên chúng tôi xác định là xây dựng Hải Phòng trở thành thành phố cảng biển lớn, mở cửa ra bên ngoài, phát triển ngang tầm với các thành phố tiêu biểu ở châu Á”, ông Nguyễn Văn Tùng, Chủ tịch UBND TP. Hải Phòng cho biết.
Mặc dù Việt Nam có bờ biển dài trên 3.260 km, có nhiều nơi có thể xây dựng cảng biển, nhưng thực tế, trong số 6 cụm cảng thì chỉ có 2 cụm cảng lớn phát triển thành trung tâm cảng biển của cả nước. Đó là cụm cảng số 5 (khu vực miền Đông Nam Bộ) với trọng tâm là cảng Cái Mép (Bà Rịa - Vũng Tàu) ở phía Nam và cụm cảng số 1 ở vùng Đồng bằng sông Hồng với trọng tâm là cảng Lạch Huyện (Hải Phòng) ở phía Bắc. Sở dĩ 2 cụm cảng này phát triển được là nhờ phía sau có một hậu phương công nghiệp to lớn và giàu tiềm năng.
Mặt tiền là biển, phía sau là hậu phương công nghiệp cả miền Bắc, đặt Hải Phòng vào vị thế cần phải phát triển nhanh hơn, mạnh hơn. Vì vậy, Hải Phòng phải chủ động nắm bắt cơ hội, phát huy lợi thế độc nhất vô nhị này để phát triển ngang tầm với các thành phố tiêu biểu ở châu Á như yêu cầu của Nghị Quyết 45/NQ-TƯ của Bộ Chính trị..Ông Nguyễn Văn Tùng, Chủ tịch UBND TP. Hải Phòng
Đối với cảng Hải Phòng, hậu phương này bao gồm toàn bộ Vùng kinh tế trọng điểm Bắc Bộ, mở rộng ra toàn bộ miền Bắc Việt Nam (tính từ Bắc Trung Bộ trở ra). Trong xu thế phát triển nền kinh tế mở, không gian hậu phương công nghiệp của Hải Phòng còn có thể mở ra vùng Tây Nam Trung Quốc, trực tiếp là hai tỉnh Quảng Tây và Vân Nam. Đây là lợi thế mang tính độc quyền của Hải Phòng.
Chỉ tính riêng các tỉnh, thành phố vùng Đồng bằng sông Hồng đã có 85/325 khu công nghiệp đang hoạt động, chiếm 26% số khu công nghiệp của cả nước. Nếu tính cả các tỉnh từ Thanh Hóa trở ra và vùng núi trung du Bắc Bộ thì có tới hơn 100 khu công nghiệp đang hoạt động, tạo thành hệ thống công nghiệp phát triển của đất nước. Chưa kể, Hải Phòng còn có hậu phương công nghiệp từ vùng Tây Nam Trung Quốc. Đây là điều mà những cảng biển ở các vùng khác không có được.
Hải Phòng sẽ phát huy lợi thế để phát triển ngang tầm các thành phố lớn của châu Á
Đề xuất cơ chế mới: Khu thương mại tự do
Dự thảo Quy hoạch Hải Phòng thời kỳ 2021-2030 đã đưa vào nội dung thí điểm xây dựng Khu thương mại tự do Hải Phòng. Khu thương mại tự do này sẽ được áp dụng những cơ chế, chính sách mới, đặc thù, vượt trội để phát triển nhanh và hội nhập, làm cơ sở rút kinh nghiệm tiếp tục đẩy mạnh đổi mới cơ chế, mở rộng ra các địa phương khác và toàn bộ nền kinh tế.
Chủ tịch UBND TP. Hải Phòng cho biết, năm 2016, Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XII của Đảng đã nêu nhiệm vụ “Xây dựng một số đặc khu kinh tế để tạo cực tăng trưởng và thử nghiệm thể chế phát triển vùng có tính đột phá”. Nhưng trong quá trình thực hiện, vì nhiều lý do đã không hoàn thành nhiệm vụ này. Tại Nghị quyết 45/NQ-TƯ ngày 24/1/2019 của Bộ Chính trị đã nêu rõ: “Tập trung nghiên cứu, đánh giá, phân tích các cơ chế, chính sách, kinh nghiệm, cách làm hay ở trong nước và quốc tế, đặc biệt là các cơ chế, chính sách đang áp dụng tại các khu thương mại tự do thành công trên thế giới, để có thể vận dụng phù hợp với điều kiện của TP. Hải Phòng”.
Hải Phòng nằm trong không gian vịnh Bắc Bộ và gần kề Trung Quốc, chỉ cách đảo Hải Nam (Trung Quốc) khoảng 200 km. Đây là yếu tố quy định vị thế đặc biệt của Hải Phòng trong chiến lược phát triển của Việt Nam hiện nay. “Với những đặc điểm tiềm năng và lợi thế phát triển nêu trên, phải xác nhận sứ mệnh quốc gia và khẳng định chức năng khác biệt của Hải Phòng trong sự phát triển kinh tế cả nước và của vùng Bắc Bộ. Trong thời đại hội nhập toàn cầu, giá trị đó còn được khẳng định ở tầm cao hơn, bởi vị thế của Hải Phòng không chỉ là trung tâm kết nối của vùng, của quốc gia, mà còn là quốc tế”. PGS-TS. Trần Đình Thiên, nguyên Viện trưởng Viện Kinh tế Việt Nam khuyến nghị.
“Để hội tụ nguồn lực và lan tỏa phát triển, Hải Phòng cần một mô hình thể chế thúc đẩy công cuộc cải cách và mở cửa để vững bước tiến lên đẳng cấp cao hơn và tiến ra thế giới với tư thế mới trong những năm tới. Mô hình này chính là hình thành Khu thương mại tự do”, ông Nguyễn Văn Tùng nhấn mạnh.
Hải Phòng phải là trung tâm khoa học, công nghệ
“Đi thẳng vào một số lĩnh vực khoa học, công nghệ hiện đại được lựa chọn để Hải Phòng đi đầu trong sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa của cả nước. Có như thế, Hải Phòng mới sớm trở thành thành phố công nghiệp gắn với cảng biển phát triển hiện đại, thông minh, bền vững với những ngành mũi nhọn như kinh tế biển, cơ khí chế tạo, chế biến, điện tử, dịch vụ logistics, khoa học và công nghệ biển”. Đây là chiến lược phát triển thứ 3 được đề ra trong Dự thảo Quy hoạch Hải Phòng thời kỳ 2021 - 2030.
Theo ông Nguyễn Hoàng Long, Giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư, Hải Phòng là một trong 5 thành phố trực thuộc Trung ương, có nền tảng kinh tế, văn hóa, xã hội và khoa học công nghệ, nhất là khoa học công nghệ biển khá hơn nhiều tỉnh thành khác trong cả nước. Đứng trước cơ hội và áp lực của cuộc cách mạng công nghiệp 4.0, Hải Phòng cần lựa chọn một số lĩnh vực, ngành nghề với khoa học công nghệ tiên tiến, hiện đại để thực hiện nhiệm vụ đi đầu trong sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa.
Hiện ở Hải Phòng đã có một số tập đoàn kinh tế lớn trong và ngoài nước đi theo hướng này và có kết quả tốt, mở ra triển vọng có nhiều đột phá về cơ cấu kinh tế, công nghệ sản xuất và năng suất lao động, nhanh chóng nâng cao tiềm lực kinh tế và thay đổi bộ mặt đời sống xã hội và đô thị của Hải Phòng. Thành phố cũng xác định chuyển đổi số là động lực trong phát triển thành phố trên 3 trụ cột: phát triển chính quyền số, tạo ra giá trị tăng trưởng mới từ kinh tế số, hình thành và phát triển môi trường số an toàn, tiện ích, phục vụ tối đa nhu cầu sản xuất, kinh doanh cũng như sinh hoạt của người dân.
“Với quan điểm của một doanh nhân, tôi cho rằng, Hải Phòng cần phải tận dụng được lợi thế về phát triển ngành công nghiệp chế biến chế tạo, với sự đóng góp từ các doanh nghiệp FDI, từ đó gia tăng sự tham gia của các doanh nghiệp nội địa vào các chuỗi sản xuất của doanh nghiệp FDI tại Hải Phòng. Muốn vậy thì phải có những cơ chế hỗ trợ cho doanh nghiệp nội địa của thành phố”, ông Phạm Hồng Diệp, Chủ tịch HĐQT Công ty cổ phần Shinnec chia sẻ.
Trước đây, ngành công nghiệp hỗ trợ của Hải Phòng chưa phát triển, sự tham gia của doanh nghiệp nội địa không đáng kể. Nguyên nhân là do các doanh nghiệp trong lĩnh vực này còn gặp nhiều khó khăn về vốn và công nghệ nên khó có thể đầu tư thiết bị, công nghệ sản xuất phù hợp.
Mặt khác, việc thâm nhập vào chuỗi cung ứng sản phẩm công nghiệp hỗ trợ cho các tập đoàn lớn cũng hết sức khó khăn. Thiếu sự liên kết, phối hợp giữa các doanh nghiệp công nghiệp hỗ trợ với các doanh nghiệp sản xuất lắp ráp và ngược lại; giữa các nhà sản xuất công nghiệp hỗ trợ với nhau; giữa các doanh nghiệp FDI và nội địa. Hải Phòng cũng có rất ít dự án về mua bán, chuyển giao công nghệ với nước ngoài được hỗ trợ kinh phí từ nguồn vốn khoa học công nghệ của Thành phố.
Tuy nhiên, việc Hải Phòng thu hút được các nhà đầu tư hàng đầu trong lĩnh vực công nghiệp điện tử như Tập đoàn LG chính là cơ hội cho Thành phố, nhất là khi tập đoàn này đang dự định xây dựng Trung tâm Nghiên cứu và Phát triển sản phẩm (R&D) ngay tại Hải Phòng. Nguồn nhân lực của Hải Phòng vì thế sẽ được đào tạo và vận hành công nghệ mới nhất của tập đoàn này, là cú hích cho sự phát triển khoa học công nghệ, cũng như phát triển ngành công nghiệp chế biến, chế tạo của Thành phố.