Nhiều dự án hạ tầng giao thông lớn tại vùng kinh tế trọng điểm miền Trung đang lọt vào tầm ngắm của nhà đầu tư nước ngoài.
Cho đến thời điểm này, Dự án Đường cao tốc Nha Trang - Phan Thiết đang nhận được sự quan tâm khá lớn của rất nhiều nhà đầu tư trong và ngoài nước. Cụ thể, Nippon Engineering Consultant (NE) - một nhà đầu tư khá nổi tiếng của Nhật Bản đang đeo bám quyết liệt các cơ quan chức năng của Bộ Giao thông - Vận tải (GTVT) để sớm được “bật đèn xanh” tiến hành nghiên cứu khả thi (F/S) phân đoạn quan trọng của tuyến cao tốc Bắc - Nam này.
Thông tin của NE cho biết, đề xuất Dự án ở bước sơ khởi đã được gửi tới Bộ Kinh tế, Thương mại và Công nghiệp Nhật Bản xem xét, tài trợ vốn cho bước lập F/S tuyến cao tốc trị giá 25.426 tỷ đồng.
Ngoài tuyến cao tốc Đà Nẵng - Quảng Ngãi, một loạt dự án hạ tầng lớn khác cũng đang được hoàn thành đề xuất đầu tư để gọi vốn.
Cần phải nói thêm rằng, Dự án Đường cao tốc Nha Trang - Phan Thiết đi qua Khánh Hòa, Ninh Thuận, Bình Thuận có chiều dài 235 km, quy mô 4 làn xe, vận tốc thiết kế 120 km/h này cũng vừa được Ban Quản lý dự án 6 đề nghị Bộ GTVT đăng ký danh mục công trình sử dụng vốn vay ODA của Chính phủ Nhật Bản giai đoạn 2016 – 2018. Theo đó, tuyến cao tốc này sẽ vay ODA từ Nhật Bản khoảng 9.279 tỷ đồng cho hợp phần 2 (xây dựng đoạn Km52 - Km142). Hai hợp phần còn lại là hợp phần 1 (xây dựng đoạn từ Km0 - Km53 có tổng mức đầu tư 6.005 tỷ đồng )và Hợp phần 3 (xây dựng đoạn Km142 - Km235 có tổng mức đầu tư 8.667 tỷ đồng) sẽ được đầu tư theo hình thức BOT.
Theo ông Phạm Tuấn Anh, Tổng giám đốc Ban Quản lý dự án 6, hiện cũng đã có một số nhà đầu tư trong nước như liên danh Yên Khánh - An Hiền - Cường Thịnh Thi; Cienco1 - Đức Bình - Thái Sơn bày tỏ sự quan tâm và cũng gửi đề xuất dự án tới Bộ GTVT với nội dung cơ bản tương tự của Ban (kết hợp giữa ODA và BOT). “Điều này chứng tỏ dự án khả thi và có sức hấp dẫn cao”, ông Tuấn Anh cho biết.
Không chỉ riêng tuyến cao tốc Nha Trang - Phan Thiết, một loạt dự án hạ tầng quy mô lớn khác cũng đang được Bộ GTVT chỉ đạo các cơ quan dưới quyền hoàn thành đề xuất đầu tư để kêu gọi vốn đầu tư theo hình thức PPP.
Nổi bật trong số này có Dự án PPP đường cao tốc Quảng Ngãi - Quy Nhơn dài 159 km, quy mô 4 làn xe, tổng mức đầu tư 1.430 triệu USD; Dự án PPP đường nối trung tâm TP. Quảng Ngãi với Cảng Dung Quất II dài 71 triệu USD; Nhượng quyền kinh doanh tuyến cao tốc Đà Nẵng - Quảng Ngãi theo hình thức PPP, loại hợp đồng O&M; Dự án Đầu tư xây dựng di dời ga Đà Nẵng thuộc tuyến đường sắt quốc gia trục Bắc - Nam có tổng mức đầu tư 380 triệu USD.
Trong lĩnh vực hạ tầng hàng hải, Bộ GTVT vừa đề nghị Bộ Tài chính xem xét, thống nhất sử dụng nguồn từ thu phí bảo đảm hàng hải được giữ lại hàng năm để thanh toán cho nhà đầu tư thực hiện Dự án Đầu tư xây dựng cải tạo nâng cấp luồng hàng hải vào khu bến cảng Thọ Quang (Đà Nẵng) theo hình thức PPP.
Theo đề xuất của Cục Hàng hải Việt Nam, Dự án sẽ nạo vét luồng đáp ứng cho tàu 10.000DWT từ đầu tuyến vào đến hết vũng quay Cảng Sơn Trà; các tàu lớn hơn giảm tải, tàu đến 8.000 DWT không tải ra vào an toàn với tổng chiều dài tuyến nạo vét 2,83 km; đóng mới và lắp đặt 8 phao báo hiệu hàng hải; duy tu đảm bảo chuẩn tắc kỹ thuật toàn bộ tuyến luồng trong thời gian khai thác.
Dự án có tổng mức đầu tư (gồm lãi vay) là 69,831 tỷ đồng, trong đó doanh nghiệp Cảng góp vốn đầu tư khoảng 10,1 tỷ đồng để thực hiện nạo vét đoạn luồng trước khu nước trước Cảng Sơn Trà (dự kiến khoảng 132.304m3); phần kinh phí còn lại khoảng 59,733 tỷ đồng là vốn của nhà đầu tư huy động gồm: 15% vốn chủ sở hữu là 8,96 tỷ đồng, 85% vốn vay thương mại là 50,773 tỷ đồng để thực hiện nạo vét khối lượng còn lại theo hình thức BLT.
“Dự án Đầu tư xây dựng, cải tạo, nâng cấp tuyến luồng vào khu bến cảng Thọ Quang (Đà Nẵng) sẽ là công trình hàng hải đầu tiên sẽ được đầu tư theo hình thức PPP”, Thứ trưởng Bộ GTVT cho biết.
Được biết, theo tính toán của Bộ GTVT, tổng nhu cầu vốn cho đầu tư phát triển kết cấu hạ tầng giao thông giai đoạn 2016 - 2020 cần khoảng 1.039 ngàn tỷ đồng cho các dự án do Bộ GTVT trực tiếp quản lý, trong đó vốn cho các công trình khu vực trọng điểm miền chiếm khoảng 30%. Theo dự kiến, ngân sách chỉ có thể đáp ứng được khoảng 11% nhu cầu, nguồn vốn ODA đang thu hẹp, nợ công đang ở mức cao nên hình thức PPP sẽ là dòng chảy chủ đạo trong thời gian tới.
Theo Thứ trưởng Bộ GTVT Nguyễn Nhật, để tăng sức hấp dẫn cho các nhà đầu tư nước ngoài, hàng loạt cơ chế chia sẻ rủi ro của Nhà nước trong các dự án PPP cần sớm được chỉnh sửa, trong đó có việc Nhà nước sẽ chấp nhận cơ chế bảo lãnh doanh thu; nâng cao tính hiệu quả của dự án.
Tại Hội nghị Đánh giá công tác đầu tư kết cấu hạ tầng giao thông theo hình thức BOT, BT giai đoạn 2011 - 2015 do Bộ GTVT quản lý vừa diễn ra tại Hà Nội, Phó thủ tướng Chính phủ Trịnh Đình Dũng đã đồng thuận với đề xuất này. Phó thủ tướng Chính phủ cũng cho biết, Nhà nước sẽ tham gia sâu hơn vào các dự án theo hình thức PPP, trước mắt sẽ hỗ trợ nhà đầu tư kinh phí đền bù, giải phóng mặt bằng, tiến tới nâng dần tỷ lệ vốn góp của Nhà nước để giảm lãi vay, hạ mức phí đường bộ.
“Nhà đầu tư có thể được lợi nhiều hơn, nhưng trên nguyên tắc phải minh bạch các khoản chi phí để cả xã hội cùng tham gia giám sát như một dự án đầu tư công”, Phó thủ tướng chia sẻ.
Bảo Như / baodautu.vn