Dự án nhà ở của ông Đặng Lê Nguyên Vũ ‘chữa lành’ thế nào? Vì đâu giá bán năm ngoái 7 tỷ nay đã tăng lên 10 tỷ đồng/căn
Ngôi nhà không chỉ là nơi để ở mà còn là nơi để nạp năng lượng, tối ưu hóa vận động và thông tin, giúp chủ nhân giàu Thân – Tâm – Trí, theo triết lý của Trung Nguyên Legend. Bên cạnh đó, sức khỏe người dân được bảo vệ bởi các "vườn chữa bệnh", bằng cách trồng thảo dược từ trong nhà tới các khu chức năng công cộng…
Dự án bất động sản Thành phố Cà phê mới đây của Trung Nguyên đã hâm nóng thị trường bất động sản Đắk Lắk, khi giá căn hộ từ 7 tỷ đồng đã tăng lên 10 tỷ đồng/căn.
Chia sẻ về mức giá tăng này, đại diện Trung Nguyên cho biết: Đã có rất nhiều các thông tin trong suốt hơn 2 năm của đại dịch, dù rất nhiều ngành kinh tế bị ảnh hưởng, nhưng riêng ngành bất động sản, giá nhà ở trên toàn thế giới, khu vực châu Á, tại Việt Nam đều tăng.
"Và dự án Thành phố Cà phê không chỉ khác biệt mà còn đặc biệt, duy nhất tại khu vực và thời điểm này vì là loại bất động sản tiên phong trong khuynh hướng chữa lành tại Việt Nam", vị này cho biết.
Bất động sản chữa lành là gì?
Thành phố Cà phê có quy mô hơn 45 ha tại TP Buôn Ma Thuột (Đắk Lắk), giai đoạn 1 gồm 405 căn nhà liên kế Tesla và nhà phố thương mại Cantata, được giới thiệu trên trang chính thức với hashtag #sống-tỉnh-thức.
Ý tưởng xây dựng một khu đô thị mẫu mực, kiến tạo cộng đồng tỉnh thức của dự án Thành phố Cà phê của Trung Nguyên Legend đã có từ 15 năm trước. Đây là nội dung nằm trong đề án xây dựng Buôn Ma Thuột trở thành "Thiên đường của cà phê thế giới" của ông Đặng Lê Nguyên Vũ - Nhà sáng lập kiêm Chủ tịch Trung Nguyên Legend, trình bày tại hội nghị phát triển cà phê bền vững tổ chức ở Đắk Lắk năm 2007, với tầm nhìn đưa Buôn Ma Thuột trở thành điểm đến của hơn 2,5 tỉ người yêu và đam mê cà phê.
Một trong những đặc trưng được quảng bá nhiều của Thành phố Cà phê là kiến trúc chữa lành. Kiến trúc chữa lành (Healing Architecture) là một trường phái kiến trúc phổ biến ở các quốc gia phát triển như Nhật Bản, Hoa Kỳ… Trung Nguyên cho biết, một số tiêu chí quan trọng của kiến trúc chữa lành có thể kể đến gồm: Tập trung vào thiết kế các không gian kiến trúc để thúc đẩy quá trình phục hồi, bảo vệ sức khỏe nhằm mục đích loại bỏ sự căng thẳng từ môi trường (tiếng ồn, chất lượng không khí kém...); đem đến sự thăng hoa, sáng tạo, vì sự phát triển khỏe mạnh và giàu có về Thân – Tâm – Trí của con người.
Với phong cách Healing Architecture, không gian cần được kết nối, hài hòa với tự nhiên trong việc sử dụng chất liệu để xây dựng nhằm kết nối cảm xúc của mỗi cá nhân, mỗi cộng đồng khi sống, làm việc và hoạt động trong không gian ấy.
Dự án nhà ở của ông Đặng Lê Nguyên Vũ chữa lành thế nào?
Ông Lê Minh Quang - Trưởng ban quản lý dự án Thành phố Cà phê của Tập đoàn Trung Nguyên Legend – cho biết: "Kiến trúc chữa lành là mô hình đã phát triển từ rất lâu tại các quốc gia có quy hoạch đô thị ở mức cao như Nhật Bản, Mỹ,... song khái niệm này ở Việt Nam còn rất mới. Do đó để đạt mục tiêu tiên phong áp dụng trường phái chữa lành trong dự án khu đô thị, Tập đoàn Trung Nguyên đã chuẩn bị ngay từ khi xây dựng dự án".
Theo ông Quang, dự án Thành phố Cà phê đi theo quy hoạch tôn trọng vị trí địa lý và địa hình tự nhiên có sẵn như độ dốc, thảm thực vật nhằm gắn kết con người với đặc điểm riêng có của địa phương.
Ngoài ra doanh nghiệp còn nghiên cứu và sử dụng vật liệu xây dựng thân thiện với môi trường, có sẵn tại địa phương để tạo nên hệ sinh thái đồng bộ. Nguồn năng lượng sạch, gắn với tự nhiên như ánh sáng, không khí, đối lưu gió... cũng được Trung Nguyên Legend áp dụng trong quy hoạch đô thị để tạo dựng thành phố mẫu mực, điển hình cho kiến trúc chữa lành.
Với kiến trúc chữa lành, ngay từ khi định hình ý tưởng thiết kế không gian, các kiến trúc sư đã cần chọn những loại cây cỏ mang dược tính chữa lành để trồng; việc chọn chất liệu nào để sử dụng cho thân thiện với môi trường, bền vững với thời gian cần được quan tâm đặc biệt; và cả những yếu tố môi trường như: gió, hơi nước, ánh sáng, sự thay đổi của thời tiết bốn mùa cũng cần được hiểu rõ để không gian ấy thực sự trở thành không gian trị liệu, phục hồi và bảo vệ sức khỏe…
Tại Thành phố Cà phê, Zen Garden được coi là cánh cửa bước vào kiến trúc chữa lành, nơi cư dẫn có thể trải nghiệm về liệu pháp chữa lành Thân – Tâm – Trí bằng nghệ thuật làm vườn.
Trung Nguyên cho biết, với quy mô hơn 9000 m2, tất cả các loại cây được lựa chọn trồng trong vườn Zen đều là những loại cây bản địa mang dược tính chữa lành, phổ biến trong đời sống, như kim ngân, hương thảo, mã đề, cỏ lan chi… có tác dụng thanh lọc không khí, chống ô nhiễm; hay trúc, đa, đề, tre.. biểu trưng cho khát vọng, các đức tính của dân tộc như sự chính trực, kiên cường với khí phách của các bậc hiền nhân quân tử…
Các loại nhà ở của ông vua cà phê lấy tên Tesla và Cantata. Tesla lấy cảm hứng từ vĩ nhân Nikola Tesla – một nhà phát minh, nhà vật lý, kỹ sư cơ khí và kỹ sư điện người Mỹ gốc Serb. Nikola Tesla được biết đến với nhiều đóng góp mang tính cách mạng trong lĩnh vực điện và từ trường trong cuối thế kỷ XIX, đầu thế kỷ XX.
Nhà Cantata được cảm tác từ tên bản nhạc đầu tiên trên thế giới viết về Cà phê - The Cantata Coffee, do nhà soạn nhạc người Đức Johann Sebastian Bach sáng tác năm 1723.
Tư duy phát triển đô thị của đại gia cà phê Trung Nguyên Phân tích thị trường bất động sản Việt Nam, ông Quang cho biết quá trình phát triển đô thị hình thành trong giai đoạn 1999-2000, trong đó loại hình được ưa chuộng nhất là đất nền. Đến năm 2006, những khu đô thị xuất hiện mô hình mới là các chung cư cao tầng. Ông Quang cho rằng phát triển đô thị nếu không có nghiên cứu kỹ càng và chiến lược lâu dài sẽ gây ra áp lực cho đô thị về dân số, hạ tầng, giao thông,... Do đó để đô thị phát triển hiện đại gắn với bền vững, ông Quang lưu ý về 3 tiêu chí quan trọng. Thứ nhất, quy hoạch khu đô thị phải gắn với tính bản địa tại vùng miền để phát huy giá trị văn hóa của địa phương đồng thời hài hòa với tinh hoa văn hóa của thế giới. Thứ hai, phát triển đô thị cần tôn trọng môi trường tự nhiên sẵn có của khu vực đó, tôn tạo thành không gian sống tốt hơn cho cư dân. Thứ ba, không chỉ gắn với đặc điểm văn hóa và địa hình của địa phương, quy hoạch đô thị phải hướng đến kết nối vùng miền để cư dân đô thị có công ăn việc làm phù hợp, góp phần phát triển kinh tế của địa phương. |