Dù các chính sách khuyến khích, ưu đãi đầu tư lĩnh vực nông nghiệp công nghệ cao đã có khá đầy đủ và Ban quản lý Khu nông nghiệp công nghệ cao TP.HCM đã xây dựng Dự thảo Quy định về tiêu chí xét chọn công nghệ dự án đầu tư để thu hút các dự án, song vẫn còn rào cản trong đầu tư phát triển lĩnh vực này.
Ông Phạm Xuân Hưng, Giám đốc Công ty TNHH Phát triển nông nghiệp Phương Nam (PADCO) cho biết, doanh nghiệp này tham gia Chương trình Ươm tạo doanh nghiệp nông nghiệp công nghệ cao của Khu nông nghiệp công nghệ cao TP.HCM. Do đó, mọi hoạt động cũng như sản phẩm của PADCO đều đi theo hướng nông nghiệp công nghệ cao.
Tuy nhiên, khi bắt tay triển khai dự án ươm tạo, doanh nghiệp đã gặp không ít khó khăn, trong đó, khó khăn lớn nhất là khi doanh nghiệp bắt đầu sản xuất phân bón thì có những quy định mới, nên phải làm lại thủ tục xin cấp phép.
Theo ông Hưng, đó là khó khăn rất lớn đối với doanh nghiệp khởi tạo trong lĩnh vực phân bón và vi sinh vật. PADCO có 10 loại sản phẩm phân bón đã sản xuất và được lưu hành trước đây, nay phải dừng lại.
“Một số loại phân bón lá đã được thị trường chấp nhận và phát triển tốt, nhưng hiện tại cũng không thể sản xuất”, ông Hưng cho biết.
Ngoài ra, một số sản phẩm mới ứng dụng trong canh tác hữu cơ không sử dụng hóa học đang được PADCO nghiên cứu, phát triển, nhưng cũng chưa thể đăng ký để sản xuất do chưa đủ điều kiện để được cấp giấy phép sản xuất.
Trong khi đó, ông Lê Duy Thắng, đại diện Công ty TNHH một thành viên Nấm Trang Sinh cho biết, Công ty chuyên hoạt động trong lĩnh vực nghiên cứu, nuôi trồng, sản xuất, chế biến và kinh doanh nấm ăn, nấm dược liệu. Doanh nghiệp được nhận giấy phép đầu tư vào Khu nông nghiệp công nghệ cao TP.HCM từ năm 2011, nay đã hoàn thành cơ bản việc xây dựng nhà máy và chuyển sang phát triển nuôi trồng nấm theo hướng công nghiệp. Bên cạnh việc đầu tư nuôi trồng nấm theo quy mô công nghiệp, Công ty còn tham gia chương trình chuyển giao công nghệ.
Theo đại diện của Công ty Nấm Trang Sinh, đến nay, Công ty đã thực hiện 48 khóa dạy về trồng nấm, với khoảng 1.000 học viên tham gia và chuyển giao công nghệ cho nhiều cơ sở, doanh nghiệp ở TP.HCM và các địa phương khác.
Tuy nhiên, thực tế chuyển giao công nghệ tại công ty này cho thấy, rất nhiều trường hợp đầu tư nông nghiệp công nghệ cao đã thất bại. Có nhiều nguyên nhân dẫn đến thất bại, như nhiều cơ sở, doanh nghiệp chưa đủ điều kiện về tài chính, đất đai, nhân lực đã quyết định đầu tư; chưa chủ động xây dựng kế hoạch sản xuất, kinh doanh tốt; làm theo phong trào, nên chưa chuẩn bị các phương án đối phó với khó khăn; sao chép mô hình rập khuôn, chưa tìm hiểu đầy đủ các điều kiện ở địa phương nơi đặt cơ sở trồng nấm để có phương án nuôi trồng thích hợp…
“Chuyển giao công nghệ muốn thành công cần hai chiều, giữa đơn vị chuyển giao và đơn vị tiếp nhận”, ông Thắng nói và cho rằng, để đầu tư vào lĩnh vực nông nghiệp công nghệ cao, cần phải tìm hiểu nghiêm túc.
Không chỉ các doanh nghiệp nhỏ và vừa khi đầu tư lĩnh vực nông nghiệp công nghệ cao gặp khó, Dự án Khu giết mổ gia súc, gia cầm và chế biến thực phẩm của Tổng công ty Nông nghiệp Sài Gòn cũng gặp vướng mắc.
Cụ thể, dự án này nằm trong ranh giới của Dự án xây dựng Khu chăn nuôi công nghệ cao do Ban quản lý Khu nông nghiệp công nghệ cao TP.HCM làm chủ đầu tư tại xã Phạm Văn Hai, huyện Bình Chánh. Tuy nhiên, theo Quy hoạch Hệ thống giết mổ gia súc, gia cầm trên địa bàn TP.HCM giai đoạn 2011 - 2015, thì huyện Bình Chánh không có quy hoạch giết mổ gia súc, gia cầm. Do đó, dự án của Tổng công ty Nông nghiệp Sài Gòn phải tạm dừng lại để xin chấp thuận chủ trương của UBND Thành phố xem xét, cập nhật Dự án vào Quy hoạch Hệ thống cơ sở giết mổ gia súc, gia cầm trên địa bàn TP.HCM giai đoạn 2015 - 2020 và định hướng đến năm 2025.
Ông Đinh Minh Hiệp, Trưởng ban Quản lý Khu nông nghiệp công nghệ cao TP.HCM cho biết, đến nay đã cấp phép cho 14 dự án đầu tư phù hợp với tiêu chí nông nghiệp công nghệ cao, nhưng mới có 5 doanh nghiệp đi vào hoạt động, 9 doanh nghiệp triển khai chậm so với cam kết.
“Hiện nay, Ban Quản lý đang rà soát tình hình thực hiện tiến độ đầu tư của tất cả doanh nghiệp đầu tư trong Khu nhằm đôn đốc, hỗ trợ, quản lý nhà đầu tư hoàn thành công tác đầu tư và đi vào vận hành hiệu quả”, ông Hiệp nói.
Cũng theo ông Hiệp, trong số các doanh nghiệp chậm triển khai, Ban đề nghị giãn tiến độ thực hiện tại 6 dự án, thu hồi một phần diện tích tại 2 doanh nghiệp và đề nghị thu hồi giấy phép của 1 doanh nghiệp.
Ở góc độ nhà đầu tư, ông Hưng cho rằng, doanh nghiệp hậu ươm tạo đang rất khó khăn trong việc phát triển do thiếu nguồn vốn trung và dài hạn. Do đó, ông đề xuất, cần có cơ chế chính sách phù hợp để hỗ trợ doanh nghiệp hậu ươm tạo phát triển đúng với khả năng của mình, với những cơ hội rất rõ rệt đã được xây dựng trong thời kỳ ươm tạo. Ngoài ra, Khu nông nghiệp công nghệ cao cần có nguồn quỹ đất, nhà xưởng, kho bãi,... cho thuê ưu đãi để các doanh nghiệp hậu ươm tạo tiếp tục phát triển bền vững, đạt hiệu quả trong tương lai.
Sơn Nguyễn / baodautu