TP.HCM đã đồng ý cho Công ty TNHH Vietnam Sports Platform (VSP) của Hàn Quốc đầu tư Dự án Sân đua xe đạp lòng chảo và sân vận động tiêu chuẩn quốc tế, tích hợp đường đua mô tô tại Khu liên hợp Thể dục - Thể thao quốc gia Rạch Chiếc, với tổng kinh phí khoảng 200 triệu USD.
Cam kết của chủ đầu tư
Thông tin thêm về dự án này, ông K.P.Singh, CEO của VSP cho biết, không chỉ Việt Nam, mà cả khu vực Đông Nam Á hiện chưa có mô hình sân đua xe đạp lòng chảo, tích hợp sân vận động dành các môn thi đấu thể thao trong nhà.
Theo đại diện VSP, đây sẽ là sân vận động trong nhà lớn nhất Việt Nam, với 5.000 chỗ ngồi và nếu tính chỗ đứng cho các sự kiện lớn khác thì sân có thể chứa được 10.000 người.
Ông K.P.Singh, CEO của VSP trao đổi với phóng viên Báo Đầu tư về Dự án Sân đua xe đạp lòng chảo. Ảnh: H.S
“Chúng tôi sẽ xây dựng một sân đua xe đạp lòng chảo và tổ hợp thể thao thi đấu các môn trong nhà lớn nhất Đông Nam Á, làm nền tảng phát triển các bộ môn thể thao cho Việt Nam cũng như thu hút khách du lịch quốc tế”, ông K.P.Singh nói.
Cũng theo đại diện VSP, khoảng trung tuần tháng này, các chuyên gia Nhật Bản sẽ sang để phân tích kỹ hơn về đề xuất này với TP.HCM. Sau khi được chấp thuận, VSP sẽ tiến hành ngay các thủ tục để xin cấp phép cho Dự án. Về việc thu xếp vốn cho Dự án, đại diện chủ đầu tư khẳng định, các thành viên góp vốn của Dự án tại Hàn Quốc và Nhật Bản đã có chứng thư đảm bảo nguồn vốn của các ngân hàng và đại diện Bộ Tài chính của Việt Nam đã sang kiểm tra.
“Các vấn đề về thu xếp vốn, thiết kế, nguồn nhân lực…, chúng tôi đã chuẩn bị xong, chỉ đợi Dự án được cấp phép là có thể triển khai ngay”, ông K.P.Singh nói và cam kết, nếu Dự án được cấp phép trong năm nay thì Dự án sẽ được động thổ ngay đầu năm tới.
Lựa chọn hình thức đầu tư phù hợp
VSP được thành lập tại Việt Nam từ năm 2012, với dự kiến ban đầu là đầu tư sân đua xe đạp lòng chảo tại Khu liên hợp Thể thao quốc gia Việt Nam (Mỹ Đình, Hà Nội). Thời điểm 2014, khi Việt Nam chuẩn bị xin đăng cai Asian Games 18, Bộ Văn hóa - Thể thao và Du lịch đã ký bản ghi nhớ hợp tác thể thao với các đối tác Hàn Quốc, trong đó có VSP. Tuy nhiên, sau khi Việt Nam chính thức xin rút đăng cai Asian Games 18, việc hợp tác này tạm thời dừng lại.
Hiện nay, để tiếp tục khởi động kế hoạch trên, VSP đã chọn TP.HCM để triển khai trước. Lý giải lựa chọn này, đại diện VSP cho rằng, TP.HCM là trung tâm kinh tế của cả nước, nên việc đầu tư tại đây có nhiều thuận lợi. Ngoài ra, dự án này cũng nhận được sự quan tâm, ủng hộ và hỗ trợ tích cực của chính quyền TP.HCM.
“Chúng tôi dự kiến đầu tư 3 sân đua xe đạp lòng chảo tại Việt Nam, nhưng lựa chọn đầu tư trước tại TP.HCM”, ông K.P.Singh nói và cho biết, sau đó, VSP sẽ tiếp tục đầu tư các dự án tại Hà Nội và Đà Nẵng.
Đại diện VSP cũng khẳng định, các sân đua xe đạp lòng chảo tại Việt Nam sẽ được áp dụng theo đúng mô hình tại Hàn Quốc, nơi mà họ có 3 sân và đã có 25 năm hoạt động trong lĩnh vực này.
Xin được nói thêm, một trong những vấn đề khiến dự án trên đến nay chưa được triển khai là bởi dự án này có đề xuất thí điểm cá cược. Theo quy định hiện hành của pháp luật về đầu tư thì dự án thuộc thẩm quyền quyết định chủ trương đầu tư của Thủ tướng Chính phủ. Ngoài ra, Nghị định về kinh doanh cá cược chưa được ban hành cũng là một yếu tố ảnh hưởng đến Dự án.
Theo đại diện của VSP, những vấn trên không phải là trở ngại lớn, bởi nhà đầu tư nhận được sự ủng hộ của các cấp chính quyền. Ngoài ra, theo đề xuất của chủ đầu tư thì Dự án được xây dựng dưới hình thức thí điểm, chỉ sử dụng phần cá cược cho hạng mục đua xe, không giống như những dự án đua xe đạp, đua ô tô hay xe máy, đua chó hay đua ngựa khác. Do đó, hệ thống cá cược cũng rất riêng, trong khi các hạng mục khác hoàn toàn phục vụ thể thao, không có cá cược.
Tuy nhiên, theo tìm hiểu, vấn đề đáng quan tâm nhất của Dự án lại là lựa chọn hình thức đầu tư. Theo đề xuất ban đầu của chủ đầu tư, Dự án đầu tư theo hình thức hợp đồng hợp tác kinh doanh (BCC). Thế nhưng, hình thức đầu tư của Dự án có thể rẽ theo hướng khác. Thông tin với phóng viên Báo Đầu tư, đại diện VSP xác nhận, lãnh đạo TP.HCM mới đây có đề nghị nhà đầu tư nghiên cứu thêm hình thức đầu tư là đối tác công - tư (PPP).
“Dù có chuyển đổi hình thức đầu thì chúng tôi sẽ vẫn sẵn sàng cho việc đầu tư dự án này”, ông K.P.Singh khẳng định và cho biết thêm, VSP không đặt nặng doanh thu từ cá cược, mà doanh thu sẽ có từ các giải thi đấu thể thao, các hoạt động công cộng, tổ chức các sự kiện lớn…
Trao đổi với phóng viên Báo Đầu tư, một chuyên gia về đầu tư cho rằng, dù dự án này được đầu tư để tập luyện, tổ chức thi đấu các giải thể thao, song về bản chất thì đây là một dự án đầu tư kinh doanh. Do đó, nếu đầu tư theo hình thức PPP là chưa phù hợp, bởi như vậy, Nhà nước sẽ phải góp vốn cho dự án này (dù là bằng đất, hỗ trợ kinh phí giải phóng mặt bằng…), trong khi đó, Dự án không phải phục vụ hoàn toàn cho cộng đồng, vì có thu phí. Từ phân tích như vậy, vị này cho rằng, hình thức đầu tư thế nào nên để nhà đầu tư quyết định cho phù hợp, nhưng không nên đầu tư theo hình thức PPP.
Về lý thuyết, dự án trên có tác động rất tích cực đến việc luyện tập, thi đấu các môn thể thao thành tích cao, nhất là các môn thi đấu trong nhà - một vấn đề rất yếu và thiếu của thể thao Việt Nam hiện nay. Chưa kể, với hạ tầng được đầu tư hiện đại, nhiều giải thi đấu quốc tế có uy tín sẽ được đưa đến Việt Nam, thu hút được lượng khách du lịch rất lớn. Tuy nhiên, việc lựa chọn hình thức đầu tư nào cho phù hợp với dự án lại là một việc cần cân nhắc, suy xét cho thấu đáo để vừa phát triển được các hoạt động thể thao, đảm bảo được quyền lợi chính đáng cho nhà đầu tư, đồng thời không ảnh hưởng đến ngân sách của Nhà nước vốn đang rất cần nguồn lực lớn để đầu tư cho phát triển kinh tế - xã hội hiện nay.
Hồng Sơn / baodautu.vn