2017 kỳ vọng vào những hiệp định, như Hiệp định thương mại tự do giữa Việt Nam và EU, hay Hiệp định Đối tác kinh tế toàn diện khu vực RCEP.
Theo dự báo, năm 2017, xuất nhập khẩu sáng sủa hơn nhưng cũng không quá lạc quan. Những ngành vốn là chủ lực của xuất khẩu như dệt may, thủy sản, da giày và gỗ... đều gặp những khó khăn riêng.
Trước đó, xuất nhập khẩu Việt Nam có một năm không được như kỳ vọng vì nhiều ngành gặp khó cả trong sản xuất và thị trường xuất khẩu. Tổng kim ngạch xuất nhập khẩu hàng hóa của Việt Nam năm 2016 đạt khoảng 349,2 tỉ USD, tăng 6,6% so với năm 2015, chỉ đạt 8% thấp hơn so với mục tiêu đề ra. Mặc dù tỉ lệ xuất siêu đạt 2,6 tỉ USD nhưng vẫn giảm so với 3,2 tỉ USD của năm ngoái.
Dệt may
Ông Lê Tiến Trường, Tổng Giám đốc Tập đoàn Dệt may Việt Nam (Vinatex), cho biết, năm 2017, dệt may Việt Nam sẽ tiếp tục gặp khó khăn do cạnh tranh đến từ các quốc gia xuất khẩu dệt may trên thế giới như Trung Quốc, Ấn Độ, Bangladesh và Pakistan. Các quốc gia này vẫn tiếp tục hỗ trợ doanh nghiệp và đặc biệt chính sách phá giá đồng nội tệ vẫn tiếp tục nhằm đẩy mạnh xuất khẩu, thu hút khách hàng. Trong năm 2017, dự báo tổng cầu dệt may thế giới vẫn sẽ tăng trưởng chậm. Sự kiện Brexit (Anh rời khỏi EU) và tuyên bố không ủng hộ Hiệp định Đối tác kinh tế xuyên Thái Bình Dương (TPP) của Tổng thống đắc cử Mỹ Donald Trump sẽ ảnh hưởng tiêu cực đến kim ngạch xuất khẩu dệt may Việt Nam sang 2 thị trường này.
Xuất khẩu dệt may tính đến cuối năm 2016 đạt 28,3 tỉ USD, tăng gần 5% so với 2015 và thấp hơn so với chỉ tiêu đề ra đầu năm là 29 tỉ USD. Năm 2016 đã chứng kiến sự tăng trưởng thấp nhất của ngành dệt may trong 10 năm trở lại đây. Không chỉ tăng thấp tại EU, Nhật, Hàn Quốc, mà ngay thị trường Mỹ, chiếm khoảng 40% trong tổng kim ngạch xuất khẩu, cũng tăng chưa đầy 5%. Nguyên nhân chính là do nhiều nhà nhập khẩu đã chuyển dịch đơn hàng sang các nước có giá nhân công rẻ hơn như Bangladesh, Campuchia và Myanmar.
Theo nhận định của ông Trường, nếu ngành dệt may không có chính sách thay đổi thì kim ngạch xuất khẩu dệt may năm nay sẽ chỉ tăng khoảng 5-7% so với năm 2016. Hiệp hội Dệt May Việt Nam (Vitas) dự báo tăng trưởng xuất khẩu dệt may chỉ ở mức 8,8%, tức đạt 31 tỉ USD. Ông Thân Đức Việt, Phó Tổng Giám đốc Tổng Công ty Cổ phần May 10, cho rằng, dù có TPP hay không, hoạt động sản xuất, kinh doanh của May 10 vẫn diễn ra như thường. Các kế hoạch đầu tư mở rộng sản xuất vẫn được tiếp tục để khai thác dư địa xuất khẩu tại các thị trường và Mỹ vẫn là thị trường chính. Trong khi đó, Công ty Phong Phú vẫn hướng đến những dòng sản phẩm phù hợp với thị trường Nhật, Hàn Quốc nhiều hơn...
Da giày
Năm 2016, ngành da giày đã lỗi hẹn với mục tiêu xuất khẩu 17 tỉ USD và chỉ đạt 12,3 tỉ USD xuất khẩu giày dép, trên 2,99 tỉ USD xuất khẩu vali, túi xách, ô dù. Tăng trưởng xuất khẩu không đạt chỉ tiêu của năm ngoái đang tạo thêm sức ép kế hoạch cho xuất khẩu da giày, túi xách trong năm 2017. Sở dĩ, năm 2016, ngành da giày Việt Nam chỉ đạt mức tăng trưởng 8% thay vì 10% như mục tiêu trước hết là do những bất ổn về chính trị, cụ thể sự kiện Brexit khiến sức mua tại thị trường EU, nhất là thị trường Anh chững lại. Các nhà nhập khẩu đặt hàng cầm chừng với số lượng ít đã khiến đơn hàng về Việt Nam giảm mạnh. Một số đơn hàng lớn, gia công đơn giản bị dịch chuyển sang Myanmar, Bangladesh càng khiến đơn hàng giảm. Tuy nhiên, bà Phan Thị Thanh Xuân, Tổng Thư ký Hiệp hội Da-Giày-Túi xách Việt Nam (Lefaso), cho biết, tình trạng biến động đơn hàng chủ yếu diễn ra ở các doanh nghiệp nhỏ và vừa với mức suy giảm từ 30-60%. Những doanh nghiệp lớn, năng lực sản xuất tốt vẫn giữ ổn định được đơn hàng. Đơn cử, tại Công ty Giày da Thái Bình, năm 2016, sản lượng dự kiến đạt khoảng 28 triệu đôi giày dép, 13 triệu sản phẩm túi xách.
Tổng Thư ký Lefaso cũng nhận định, năm 2017 sẽ có nhiều biến động cho ngành da giày. Đặc biệt, doanh nghiệp phải liên tục theo sát thông tin để điều chỉnh đơn hàng cho phù hợp bởi thời gian gần đây, doanh nghiệp FDI gia tăng năng lực sản xuất tại Việt Nam. Cụ thể, Eclat, doanh nghiệp có hợp đồng gia công với những hãng lớn như Nike và Adidas, dự kiến đầu tư 50,5 triệu USD để nâng cấp 2 nhà máy nhằm tăng khả năng sản xuất vượt mức 5 triệu sản phẩm/tháng. Theo truyền thông Đài Loan, sắp tới Eclat sẽ đầu tư 40 triệu USD cho nhà máy tại tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu, đầu tư 10,5 triệu USD cho nhà máy tại tỉnh Đồng Nai.
Gỗ
Theo Tổng cục Lâm nghiệp, xuất khẩu gỗ và sản phẩm gỗ cả năm 2016 đạt 7,3 tỉ USD, chỉ tăng 1% so với năm trước. Được đánh giá là ngành không bị ảnh hưởng nhiều bởi thuế suất cũng như chính sách các nước nhưng nguyên nhân khiến ngành này không tăng trưởng nhiều xuất phát từ giá trị xuất khẩu dăm gỗ giảm, chỉ bằng 61% so với năm 2015. Vài năm trở lại đây, ngành gỗ tăng trưởng là do sản lượng dăm gỗ, với kim ngạch xuất khẩu dăm gỗ lên tới 1 tỉ USD. Trong khi ngành gỗ nội thất cũng không tăng nhiều.
Thực tế, ngành gỗ Việt được đánh giá khá mạnh trong khu vực ASEAN bên cạnh Malaysia, Thái Lan... nhưng các doanh nghiệp gỗ Việt vẫn chủ yếu là doanh nghiệp vừa và nhỏ nên khó cạnh tranh về giá xuất khẩu. Chẳng hạn, một chiếc ghế gỗ bọc da, Malaysia chào giá 12USD, thì Việt Nam phải bán 17USD mới có lợi nhuận. Ngoài ảnh hưởng đơn hàng do làn sóng đầu tư ồ ạt từ các doanh nghiệp Trung Quốc, ngành gỗ còn bị ảnh hưởng bởi nguồn nguyên liệu gỗ. Gỗ nhập khẩu bị tác động bởi luật gỗ hợp pháp và gỗ trong nước bị cạnh tranh bởi doanh nghiệp Trung Quốc.
Năm 2017, ngành gỗ sẽ được lợi thế vì thuế suất vào các thị trường hầu như bằng 0-4%, không bị ảnh hưởng bởi TPP nhưng tiếp tục phải đối mặt với nhiều khó khăn từ nguồn nguyên liệu gỗ.
Gạo
Xuất khẩu gạo của Việt Nam những năm trước đều có kết quả khá tích cực, năm 2012 đạt kỷ lục trên 7 triệu tấn. Tuy nhiên, xuất khẩu gạo từ năm 2013 đến nay có xu hướng giảm và giảm mạnh nhất trong năm 2016. Xuất khẩu gạo năm 2016 chỉ đạt 5 triệu tấn, giảm trên 20% về giá trị do không được lợi về giá so với năm 2015. Một nguyên nhân khiến xuất khẩu gạo sụt giảm là do nguồn cung trên thế giới hiện đang vượt xa so với cầu. Trong khi đó, những nước nhập khẩu gạo như Philippines, Indonesia hay Malaysia lại giảm tỉ lệ nhập khẩu từ 30-65% do chính sách lương thực. Những thị trường vốn là thị trường mới của gạo Việt như Mỹ, Singapore, Bờ Biển Ngà, Hồng Kông cũng đều giảm từ 19-33%.
Gạo của Việt Nam hiện vẫn chỉ ở mức trung bình trở xuống, sản phẩm gạo chất lượng cao chưa nhiều và gạo thương hiệu gần như không có. Đây chính là điểm yếu trong xuất khẩu và điều này làm ảnh hưởng đến giá trị khối lượng gạo xuất khẩu Việt Nam. Theo dự báo, năm 2017, xuất khẩu gạo của Việt Nam sẽ tăng nhưng ít có khả năng đạt được mức như những năm trước. Thương mại gạo được dự báo sẽ tăng lên do nhu cầu cao từ châu Á và Trung Đông. Ấn Độ dự báo sẽ là nước xuất khẩu gạo lớn nhất thế giới dù xuất khẩu gạo basmati chịu sự cạnh tranh gay gắt.
Thủy sản
Năm 2017, ngành thủy sản đặt mục tiêu kim ngạch xuất khẩu đạt 7,1 tỉ USD. Các chuyên gia nhận định, tôm sẽ tiếp tục là sản phẩm thế mạnh và còn nhiều dư địa để tăng trưởng trong năm 2017, nâng cao về sản lượng. Mặc dù cá tra Việt vướng phải 2 rào cản lớn nhưng trong năm 2017, giá trị xuất khẩu cá tra sang Mỹ vẫn tăng trưởng khá tốt. Đặc biệt, sản phẩm cá tra còn có thị trường lớn hơn là thị trường Trung Quốc. Trong năm vừa qua, Trung Quốc - Hồng Kông đã thay thế EU để trở thànhthị trường xuất khẩu lớn thứ 2. Bên cạnh đó, cá tra Việt Nam còn có các thị trường xuất khẩu như ASEAN, Mexico, Brazil và Colombia.
Ông Trương Đình Hòe, Tổng Thư ký VASEP, nhìn nhận, tôm xuất khẩu đang chịu áp lực cạnh tranh và giảm giá bán của nhiều nước. Trong khi đó, chi phí sản xuất tôm của Việt Nam quá cao, bởi đầu vào phụ thuộc các nguồn cung cấp từ nước ngoài (như con giống, thức ăn, thuốc thú y). Giá thành sản xuất tôm giống của Việt Nam cao gấp 2 lần so với Ấn Độ, còn chi phí thức ăn trong nuôi tôm cũng cao hơn các nước bình quân 40%. Thêm một bất lợi nữa là tỉ lệ nuôi tôm thành công của Việt Nam chỉ đạt 33-35%, do môi trường ô nhiễm, nhiều dịch bệnh, trong khi ở Indonesia, Ấn Độ... tỉ lệ nuôi thành công tới 70%. Tuy nhiên, yếu tố đang giúp đỡ cho ngành tôm là sự tác động tích cực từ hiệp định FTA đối với việc xuất khẩu sang Hàn Quốc, Nhật, EU, ASEAN...
Đối với cá tra, tình hình xuất khẩu thời gian tới sẽ cạnh tranh gay gắt. Trong đó, cá rô phi sẽ là đối thủ cạnh tranh trực tiếp, đồng thời các loài cá thịt trắng sẽ cạnh tranh không cân sức với cá tra của Việt Nam ở thị trường EU, Mỹ, Nga... Bên cạnh đó, Bộ Thương mại Mỹ vừa ra phán quyết cuối cùng mức thuế chống bán phá giá lần thứ 11 (POR11) đối với cá tra phi lê đông lạnh của Việt Nam vào thị trường Mỹ, với mức thuế bình quân 0,69 USD/kg, gây bất lợi cho doanh nghiệp Việt Nam. Cộng thêm thuế cao, cá tra còn gặp khó về “chương trình truy suất nguồn gốc của Mỹ” đưa ra những bất hợp lý và gây tốn kém cho doanh nghiệp xuất khẩu.
Thanh Hương / nhipcaudautu