Theo báo cáo tháng 11 của Bộ Nông nghiệp Mỹ (USDA), trong năm 2018, thương mại gạo toàn cầu sẽ tiếp tục tăng trưởng ở mức 1% và đạt 42,3 triệu tấn.
Theo thống kê mới nhất của Cục Xuất nhập khẩu (Bộ Công Thương), xuất khẩu gạo của Việt Nam trong 11 tháng năm 2017 đã thắng lớn khi cán mốc 2,49 tỷ USD, sản lượng đạt 5,52 triệu tấn, tăng 24,9% về trị giá và 24,1% về lượng so với cùng kỳ năm ngoái.
Cơ cấu gạo xuất khẩu cũng tiếp tục có sự chuyển dịch tích cực khi giảm mạnh ở phân khúc gạo cấp trung bình và cấp thấp; tăng mạnh ở dòng gạo cao cấp, có chất lượng và giá trị cao. Gạo Việt Nam đã xuất khẩu tới 132 thị trường trên thế giới, trong đó Trung Quốc tiếp tục là thị trường lớn nhất.
Theo dự báo, trong tháng cuối cùng của năm 2017, xuất khẩu gạo của nước ta sẽ đạt khoảng 400 - 450 nghìn tấn, qua đó đưa tổng khối lượng gạo xuất khẩu trong năm 2017 lên mức 5,9 - 6 triệu tấn gạo, tăng 1,1 - 1,2 triệu tấn gạo so với năm 2016.
Trong năm 2018, một số dự báo cho thấy thị trường gạo thế giới sẽ sôi động hơn. Theo báo cáo tháng 11 của Bộ Nông nghiệp Mỹ (USDA), trong năm 2018, thương mại gạo toàn cầu sẽ tiếp tục tăng trưởng ở mức 1% và đạt 42,3 triệu tấn. Nếu đúng như dự báo của USDA thì đây là lượng gạo giao dịch cao thứ ba trong lịch sử thương mại gạo thế giới, và 2018 là năm thứ hai liên tiếp mà giao dịch gạo toàn cầu có mức tăng trưởng dương.
Mới đây, Cơ quan Lương thực Quốc gia Philippines (NFA) đã đề xuất nhập khẩu 350.000 tấn gạo trước khi bước vào vụ thu hoạch đầu tiên của năm 2018. Mục tiêu của đề xuất này là làm tăng lượng gạo dự trữ của Chính phủ Philippines khi mà lượng dự trữ của NFA hiện còn rất ít, chỉ đủ dùng trong khoảng 6 ngày, tức là thấp hơn nhiều so với mức quy định (15 ngày sử dụng trong lúc bình thường và 30 ngày vào thời điểm giáp hạt).
Nếu được chấp thuận, 350 ngàn tấn nói trên sẽ giúp lượng gạo dự trữ trong kho của NFA đảm bảo được 11 ngày sử dụng.Cũng theo dự báo của USDA, 2 nước xuất khẩu gạo lớn nhất trong năm 2018 sẽ tiếp tục là Ấn Độ và Thái Lan. Riêng với Việt Nam, lượng gạo xuất khẩu năm 2018 có thể tăng thêm 400 nghìn tấn so năm 2017 để đạt mức 6 triệu tấn. Gạo xuất khẩu của Việt Nam sẽ tăng lên chủ yếu nhờ nhu cầu ở Đông Nam Á, nhất là tại Philippines.
Dù mới là đề xuất, nhưng thông tin nói trên của NFA, cộng với việc nước này đang triển khai nhập khẩu tư nhân hơn 805 nghìn tấn gạo theo quy chế MAV (quy chế tiếp cận thị trường tối thiểu) đang làm cho thị trường gạo thế giới, nhất là những nước trong khu vực, sôi động hơn lên trong những ngày cuối năm.
Nguồn Cục Xuất nhập khẩu