Thách thức chung của các ngân hàng năm 2020 sẽ đến từ “room tín dụng eo hẹp”, nhưng nhiều nhà băng tiếp tục có triển vọng tăng trưởng cao, nhất là các nhà băng đã đáp ứng tiêu chuẩn Basel II hoặc hệ số an toàn theo Thông tư 22.
Chất lượng tài sản được cải thiện
Hiện tại, có 18 ngân hàng trong nước đã áp dụng thành công tiêu chuẩn Basel II trước hạn. Tỷ lệ an toàn vốn (CAR) được cải thiện, đạt mức 12%.
Tỷ lệ nợ xấu nội bảng của toàn ngành ngân hàng năm 2019 vào khoảng 1,8%, nếu tính cả nợ xấu tiềm ẩn (nợ tại VAMC) thì tỷ lệ nợ xấu là hơn 3,3%.
Nhiều ngân hàng đã và đang duy trì chính sách trích lập dự phòng ở mức cao, đảm bảo phòng ngừa rủi ro trong trường hợp thị trường biến động.
Bên cạnh đó, để đáp ứng quy định về tỷ lệ vốn ngắn hạn cho vay trung và dài hạn tại Thông tư 22 số 22/2019/TT-NHNN của Ngân hàng Nhà nước, các ngân hàng đã chủ động giảm tỷ trọng cho vay vào các ngành rủi ro (bất động sản, xây dựng…), tăng cường huy động vốn dài hạn, nâng cao chất lượng tín dụng. Vì vậy, chất lượng tài sản của các ngân hàng đã và đang được cải thiện.
Hoạt động huy động vốn: Lãi suất dự báo giảm nhẹ
Lãi suất huy động nhiều khả năng sẽ có xu hướng giảm nhẹ từ 0,3 - 0,5%/năm do các nguyên nhân như để hỗ trợ tăng trưởng kinh tế, Ngân hàng Nhà nước áp dụng chính sách tiền tệ nới lỏng, với mục tiêu giảm lãi suất cho vay.
Trong khi đó, các ngân hàng đang trong giai đoạn tái cơ cấu, áp dụng tiêu chuẩn Basel II, nên tăng trưởng tín dụng sẽ theo hướng thận trọng hơn.
Tuy nhiên, dự báo lãi suất huy động các kỳ hạn dài nhiều khả năng sẽ tăng trở lại vào tháng 10 - 11/2020 do áp lực lạm phát có thể tăng vào thời điểm cuối năm, cũng như quy định mới về tỷ lệ vốn ngắn hạn cho vay trung và dài hạn (SML) bắt đầu được áp dụng vào cuối quý III/2020.
Nhu cầu sử dụng vốn ngắn hạn được dự báo sẽ giảm dần trong hoạt động sản xuất khi áp dụng tỷ lệ SML mới.
Trên thực tế, các ngân hàng sẽ điều tiết dòng vốn ngắn hạn sang các loại hình cho vay tiêu dùng cá nhân hoặc cho vay ngắn hạn (hỗ trợ dòng vốn lưu động) cho các doanh nghiệp.
Huy động tiền gửi không kỳ hạn sẽ tiếp tục gia tăng tại nhóm các ngân hàng thương mại cổ phần khi đưa ra nhiều chính sách cạnh tranh hấp dẫn để hút dòng tiền này.
Với việc tăng cường áp dụng các dịch vụ gia tăng trong hệ thống ngân hàng, cũng như sự phát triển của các kênh thanh toán không dùng tiền mặt - fintech (ví điện tử, ngân hàng số), người gửi tiền sẽ sử dụng nhiều hơn các dịch vụ.
Trong khi đó, với nhóm ngân hàng thương mại nhà nước, tỷ lệ tỷ lệ vốn không kỳ hạn trong tổng huy động dự kiến sẽ giảm, nhưng không đáng kể.
Hoạt động cho vay: Nâng cao chất lượng và hiệu quả
Hoạt động cho vay ngày càng được nâng cao về chất lượng và hiệu quả với nhiều lý do.
Trước hết, với việc các ngân hàng áp dụng Basel II và sự ra đời của Thông tư 22 nhằm siết chặt hơn chất lượng tài sản của hệ thống, dự báo tăng trưởng tín dụng toàn ngành sẽ ở mức thấp hơn các năm trước, dự kiến khoảng 12 - 13%.
Tuy nhiên, dòng vốn tín dụng vô hình trung sẽ hướng đến những ngành nghề ưu tiên và sản xuất.
Tăng trưởng tín dụng sẽ tập trung phần lớn vào các ngân hàng đã đáp ứng Basel II hoặc đáp ứng được hệ số an toàn theo Thông tư 22.
Với nhóm ngân hàng thương mại nhà nước, tỷ lệ tăng trưởng tín dụng sẽ cao và doanh thu từ phí gia tăng (ngoại trừ VietinBank do áp lực về thiếu vốn).
Dự báo, tỷ lệ cho vay ngắn hạn ở nhóm này sẽ tiếp tục được gia tăng trong danh mục tín dụng với lãi suất từ 6 - 8%/năm. Nhóm các ngân hàng này sẽ tập trung nguồn lực để gia tăng thu từ phí thông qua việc cấp tín dụng (hợp tác bán bảo hiểm - bancassurance, ví điện tử…).
Với nhóm ngân hàng thương mại cổ phần, có nhiều cơ hội gia tăng tín dụng nhờ trần hệ số huy động/cho vay (LDR) được tăng từ 80% lên 85% và nhóm này sẽ tối ưu hóa hiệu quả bằng việc phân bổ lại tài sản theo quy định của Basel II nhằm gia tăng lợi nhuận trong điều kiện khó nâng vốn.
Các ngân hàng thuộc nhóm này sẽ tập trung tăng trưởng tín dụng tiêu dùng (cá nhân) nhằm tối ưu hóa lợi nhuận. Ngân hàng Nhà nước dự kiến sẽ cấp hạn mức tăng trưởng tín dụng cao hơn so với bình quân ngành cho nhóm này khi tỷ lệ an toàn vốn được đảm bảo.
Với nhóm ngân hàng yếu kém, dự báo sẽ hụt hơi trong cuộc đua khi Ngân hàng Nhà nước tiếp tục yêu cầu giảm tăng trưởng tín dụng nếu như không tăng được vốn.
Các tổ chức tín dụng đã đáp ứng chuẩn Basel II có ưu thế hơn trong việc được cấp hạn mức tín dụng.
Những ngân hàng còn lại có nhu cầu tăng vốn lớn để đảm bảo các tỷ lệ an toàn. Trong đó, một số ngân hàng gặp khó khăn trong vấn đề tăng vốn sẽ bị ảnh hưởng ở tốc độ tăng trưởng tín dụng và thu nhập từ lãi trong năm 2020.
Lãi suất cho vay dự báo sẽ khó giảm ở các kỳ hạn dài, tức là các doanh nghiệp có nhu cầu mở rộng sản xuất, xây dựng cơ bản, cần huy động vốn trung và dài hạn sẽ duy trì ở mức hiện tại.
Nguyên nhân chủ yếu do nguồn vốn của các ngân hàng tương đối mỏng, trong khi nhiều ngân hàng đang muốn chuyển dịch cho vay từ khu vực sản xuất sang bán lẻ (để được hưởng lãi suất cao hơn). Do vậy, vốn dành cho khu vực sản xuất cơ bản vẫn hạn chế.
Lãi suất cho vay kỳ hạn dưới 12 tháng sẽ có sự điều chỉnh giảm, do tác động từ các quy định của Chính phủ, với mặt bằng lãi suất huy động thấp hơn từ tháng 12/2019.
Thách thức chung của các ngân hàng năm 2020 sẽ đến từ “room tín dụng eo hẹp”. Với những ngân hàng có các thị trường riêng, dự báo duy trì đà tăng trưởng tốt, thì luôn mong muốn được nới room tín dụng ngay từ giữa năm (kế hoạch tín dụng thường cao hơn room được giao ban đầu) và sẽ chủ động hướng đến các mảng dành cho đối tượng doanh nghiệp vừa và nhỏ và nhóm bán lẻ.
Dù đang trong quá trình tái cơ cấu, nhưng kết quả kinh doanh của các ngân hàng được dự báo duy trì ở mức ổn định, với hệ số thu nhập lãi cận biên (NIM) bình quân khoảng 3,2 - 3,4%.
Thu nhập ròng từ lãi (NII) đang được cải thiện nhờ việc cơ cấu các khoản vay, hướng đến nhóm bán lẻ, khách hàng doanh nghiệp vừa và nhỏ.
Ngoài thu nhập chính từ hoạt động thu lãi thì tỷ trọng thu nhập ngoài lãi với hiệu suất sinh lời cao đang được các ngân hàng chú trọng thực hiện.
Tăng trưởng thu nhập từ thu nhập ngoài lãi của ngân hàng đến từ dư địa của kênh bancassurance, thu phí dịch vụ ngân hàng và chiến lược đẩy mạnh ngân hàng bán lẻ, ngân hàng số.
Nhiều ngân hàng có thể sẽ hợp tác bancassurance độc quyền và ghi nhận khoản lợi nhuận bất thường lớn trong thời gian tới như VCB, ACB, TPB, VIB...
Các ngân hàng cũng có thể tập trung giảm tỷ lệ chi phí trên thu nhập (CIR) dựa trên cơ sở giảm lãi suất cho vay.
Việc giảm lãi suất cho vay sẽ không chỉ trên cơ sở giảm chi phí vốn, mà còn liên quan tới việc kiểm soát chi phí, trong đó có dự phòng rủi ro, nợ xấu và các chi phí khác.
Các ngân hàng cũng đang đẩy mạnh triển khai số hoá quy trình nghiệp vụ ngân hàng để tiết giảm chi phí đầu tư cho nhân sự, marketing.
Kết quả kinh doanh theo đó diễn biến có lợi với các ngân hàng đã đáp ứng các tỷ lệ an toàn hoạt động.
Với các ngân hàng đã đảm bảo được các tỷ lệ an toàn hoạt động của Ngân hàng Nhà nước, tốc độ tăng trưởng tín dụng cao sẽ là bàn đạp cho tăng trưởng, trong khi chất lượng tài sản tốt giúp giảm trích lập dự phòng rủi ro nhưng vẫn có thể duy trì tỷ lệ dự phòng bao nợ xấu (LLR) ở mức cao.
Vì vậy, các ngân hàng này có khả năng duy trì tốc độ tăng trưởng lợi nhuận.
Nhóm ngân hàng cần cải thiện các tỷ lệ an toàn sẽ gặp áp lực nhất định lên nguồn vốn.
Trong đó, các ngân hàng đang tái cơ cấu sẽ đưa ra lựa chọn hoặc tăng trưởng tín dụng thấp trong nhiều năm, hoặc đẩy mạnh quá trình xử lý nợ tồn đọng để tạo đà tăng cho những năm tiếp theo.
Tăng vốn là một trong những biện pháp giúp ngân hàng đáp ứng được các tỷ lệ an toàn, từ đó có động lực để xử lý nợ tồn đọng và đẩy mạnh tăng trưởng tín dụng.
Ðể tăng vốn đáp ứng Basel II, huy động vốn từ nhà đầu tư nước ngoài là một nguồn huy động hỗ trợ đáng kể việc tăng vốn và tái cấu trúc hoạt động của ngân hàng.
Bên cạnh đó, một kênh huy động vốn khác mà các ngân hàng có thể cân nhắc là phát hành trái phiếu tăng vốn, giúp gia tăng vốn tự có cấp 2.
Nhu cầu về phát hành trái phiếu tiếp tục gia tăng
Nhu cầu phát hành trái phiếu ngân hàng dự kiến tiếp tục gia tăng do việc áp dụng các quy định mới của Ngân hàng Nhà nước về đảm bảo các chỉ số an toàn vốn và thanh khoản, tận dụng được nguồn vốn thị trường 2 (thị trường liên ngân hàng) dồi dào, huy động với lãi suất thấp.
Nếu thanh khoản thị trường dồi dào thì các ngân hàng sẽ rất thuận lợi trong việc phát hành trái phiếu.
Một xu hướng mới trong việc phát hành trái phiếu ở nhóm các ngân hàng thương mại cổ phần là phát hành trái phiếu quốc tế, với kỳ hạn dài, thay thế kênh huy động từ thị trường trong nước. Tuy nhiên, chi phí vốn ở kênh này nhiều khả năng cao hơn so với huy động trong nước.
Do vậy, tỷ lệ huy động trái phiếu quốc tế được dự báo là không đáng kể, chủ yếu là một sản phẩm bước đầu để tiếp cận thị trường vốn thế giới và tạo ra một kênh huy động thay thế các kênh truyền thống khi thị trường khó khăn.
Theo Đỗ Minh (Tinnhanhchungkhoan.vn)
Nguồn:https://baodautu.vn/du-bao-toan-canh-buc-tranh-nganh-ngan-hang-nam-2020-d115812.html