Những căn phòng giam chật hẹp, tăm tối, những hình thức tra tấn tàn bạo đến cạn kiệt sức người, đặc biệt là khu biệt giam cùng chiếc máy chém man rợ đã đưa Nhà tù Hỏa Lò lọt vào top 5 điểm đến ghê rợn nhất Đông Nam Á.
Nhà tù Hỏa Lò nằm trên phố Hoả Lò, quận Hoàn Kiếm, Hà Nội (xưa kia thuộc làng Phụ Khánh, tổng Vĩnh Xương, huyện Thọ Xương). Nơi đây được thực dân Pháp xây dựng năm 1896, có tổng diện tích gần 13.000m² và là một trong những nhà tù lớn, kiên cố bậc nhất Đông Dương lúc bấy giờ.
Không chỉ là nơi giam giữ các chiến sĩ cách mạng, thực dân Pháp còn sử dụng nhà tù Hỏa Lò như điểm trung chuyển tù nhân đến các nhà tù khác ở Côn Đảo, Sơn La hay Buôn Ma Thuột…
Để đảm bảo tù nhân không có cơ hội vượt ngục, một bức tường bằng đá và cốt thép cao 3,5m, dày 0,5m đã được dựng bao quanh bốn phía. Bên trên cắm dày đặc những mảnh chai sắc nhọn, đồng thời có hàng dây thép gai nối với nguồn điện cao thế.
Các khu nhà giam biệt lập và rất kiên cố, tường gạch dày, cửa sắt với khóa to chắc chắn,… tất cả các nguyên liệu đều được chở từ Pháp sang. Mỗi phòng giam chỉ có một cửa sổ nhỏ nhưng cũng được lắp thêm dàn thép bảo vệ.
Theo thiết kế ban đầu, nhà tù chỉ cho phép giam khoảng 500 tù nhân. Nhưng có thời điểm số người bị nhốt lên đến hơn 2000 tù binh. Tất cả các trại giam bị quá tải, luôn trong tình trạng chật chội, bí bách. Tuy nhiên, khủng khiếp nhất vẫn phải kể đến ngục tối và xà lim giam giữ tử tù.
Cachot (ngục tối) được mệnh danh là “địa ngục của địa ngục”, sử dụng để giam những người vi phạm nội quy của nhà tù. Người tù bị nhốt biệt lập, bị cùm trong đêm, ăn, ngủ, vệ sinh tại chỗ.
Những người bị giam ở đây chỉ sau một thời gian ngắn là bị phù nề, mắt mờ, ghẻ lở do thiếu vệ sinh, ánh sáng và cả dưỡng khí. Đây cũng từng là nơi giam giữ đồng chí Trường Chinh – Nguyên Tổng Bí thư Đảng Cộng sản Việt Nam vào năm 1932.
Thực dân Pháp thực hiện nhiều chế độ vô cùng hà khắc nhằm giết dần, giết mòn những người con ưu tú của cách mạng Việt Nam. Gông cùm, xích sắt thít chặt đã khiến người tù chỉ còn da bọc xương. Cai ngục thường xuyên hắt nước lạnh vào các chiến sĩ khi trời rét, tay lăm lăm cây roi và “đánh đập người tù như tập thể dục”.
Hàng loạt những hình thức tra tấn khác như dìm đầu vào thùng nước, nhốt vào thùng phuy, đậy nắp rồi gõ búa cho đinh tai nhức óc hay ép người tù ngụp lặn xuống hố xí để bốc chất thải,… cũng được thực dân Pháp áp dụng triệt để.
“Hàng tuần, thức ăn của tù nhân thay đổi theo quy định. Chủ nhật được ăn một bữa thịt lợn, thường là lợn sề hoặc bạc nhạc. Ba bữa thịt trâu già quá lửa dai như quai guốc, còn lại là cá mè ranh, cá dầu để cả ruột luộc với tương, cá khô đã ép hết dầu còn bị mốc và có dòi”, trích hồi ký “Năm tháng không thể nào quên” của nữ tử tù tại Nhà tù Hỏa Lò giai đoạn 1939 – 1945.
Nhiều du khách khi đến đây rất ấn tượng với chiếc máy chém thời trung cổ. Chiếc máy được thiết kế bởi 2 cột trụ gỗ cao 4m với lưỡi dao được giữ ở trên cao bằng chốt. Phía dưới có một xà ngang khác và giá hẹp là nơi tử tội đặt đầu vào.
Cuối cùng, đặt dưới đất là hộc sắt để đựng đầu của tử tù. Thực dân Pháp đã dùng chiếc máy này để xử tử hình nhiều chiến sĩ yêu nước như Nguyễn Thái Học, Phó Đức Chính, Nguyễn Đức Cảnh,…
Du khách David đến từ Anh chia sẻ: “Tôi không biết rằng ở đất nước xinh đẹp của các bạn tồn tại một nơi đáng sợ và kinh khủng đến vậy. Bản thân tôi là một nhà báo, cũng quen vài người từng sinh sống ở Việt Nam nên đã nghe vài câu chuyện về sự tàn bạo của thực dân Pháp. Nhưng khi đến đây, nhìn những phòng giam, đọc các dòng chú thích, tôi không dám tin vào mắt mình. Và thực sự phải nhắc lại, tôi thấy quá kinh khủng”.
“Còn về chiếc máy chém, tôi mới thấy trên phim ảnh thôi, nhưng nhìn cận cảnh thì rất đáng sợ và kinh dị. Đây là nơi mà bất cứ du khách nào cũng nên ghé qua khi đến Việt Nam. Nhà tù Hỏa Lò sẽ cho bạn cái nhìn rộng và sâu hơn về tất cả mọi thứ mà bạn nên biết”, David cho biết.
Du khách Belly Lio nói với giọng run run: “Tôi không hiểu tại sao con người lại có thể đối xử với nhau như vậy. Trước khi bước vào đây, tôi đã cho rằng nơi này chỉ giam giữ tù nhân nam. Nhưng khi nhìn thấy căn phòng dành riêng cho phụ nữ và trẻ em, tôi cũng không biết phải diễn tả thế nào nữa. Giờ thì trong lòng tôi đang rất buồn. Hẳn họ đã phải trải qua quãng thời gian kinh khủng lắm”.
“Tôi có xem qua đoạn phim giới thiệu ở gần cửa ra vào và thấy vô cùng ấn tượng với người Việt Nam. Làm sao các bạn có thể đối xử nhân từ với các tù binh là phi công Mỹ sau khi đã chịu bao sự tàn nhẫn như thế. Nếu đặt tôi vào hoàn cảnh đó, chắc chắn tôi không bao giờ có thể làm được như vậy”, cô gái đến từ bang Ohio khẳng định.
Thậm chí, nhiều hướng dẫn viên còn cho biết, có du khách nước ngoài đã không kìm được nước mắt khi nghe những chuyện đã từng xảy ra ở chốn “địa ngục trần gian”.
Thực dân Pháp đã từng tự đắc cho rằng, nhà tù Hoả Lò đến “con kiến cũng chẳng lọt qua được”. Tuy nhiên đã có nhiều cuộc vượt ngục thành công bằng cách cưa song sắt hay chui qua đường cống ngầm…
Hàng năm, điểm du lịch này đón hàng ngàn lượt người đến tham quan, đa phần là người nước ngoài. Nhà tù Hỏa Lò mở cửa tất cả các ngày trong tuần, kể cả các dịp lễ Tết. Giá vé cho mỗi lần tham quan là 30.000 đồng/người.
Bài & ảnh: Hoàng Ngọc
Dân trí