Vụ điều năm nay, sản lượng điều của Việt Nam đạt gần 400.000 tấn, giảm khoảng 20% so với năm ngoái. Trong khi đó, công suất chế biến của hơn 300 DN chế biến, xuất khẩu hạt điều trên cả nước lên đến 1,3 triệu tấn. Vì vậy các DN chế biến, xuất khẩu điều phải nhập khẩu nguyên liệu từ các nước châu Phi và Campuchia vốn chứa nhiều rủi ro, nhất là tình trạng các DN đối tác hủy hợp đồng khi hạt điều thô tăng giá.
Việt Nam đang là nước sản xuất, nhập khẩu và xuất khẩu điều lớn nhất thế giới. Theo kế hoạch của Hiệp hội Điều Việt Nam, năm nay sản lượng điều xuất khẩu của nước ta sẽ đạt 350.000 tấn với kim ngạch hơn 2,5 tỷ USD. Vì vậy, việc đảm bảo nguồn nguyên liệu ổn định là yếu tố rất quan trọng để ngành điều phát triển bền vững.
Quy hoạch đến năm 2020, cả nước sẽ có 300.000 ha điều, tăng 5.000 ha so với thời điểm hiện tại. Tuy nhiên, để ngành điều phát triển bền vững, các DN cần có sự liên kết chặt chẽ hơn với người nông dân để có nguồn nguyên liệu tại chỗ ổn định. Các địa phương có thời tiết, đất đai phù hợp với cây điều như: Bình Phước, Đồng Nai, Gia Lai cần có quy hoạch cụ thể cho mỗi vùng trồng điều. Từ đó, kết hợp với DN để hỗ trợ nông dân chọn giống tốt, áp dụng kỹ thuật thâm canh nhằm nâng cao năng suất, chất lượng của cây điều.
“Mục tiêu trong thời gian tới là phải đưa năng suất điều lên khoảng 2 tấn/ha mới có thể đáp ứng được một phần nguyên liệu cho công nghiệp chế biến, đồng thời mới nâng cao được đời sống của bà con nông dân”, ông Nguyễn Như Hiến, Phó Trưởng phòng cây công nghiệp - cây ăn quả (Cục Trồng trọt) cho biết.
(Theo Báo Điện tử Chính phủ)