Dù có nhiều lợi thế về địa danh du lịch như HN, TPHCM mà không có chính sách, cơ chế sáng tạo như Đà Nẵng thì du lịch vẫn kém phát triển.
Ảnh minh họa. |
"Tôi nghĩ ĐN đang đi đúng hướng"
Đà Nẵng có thể được coi là một trong những bài học điển hình về sự thành công trong phát triển du lịch của Việt Nam thời gian qua. So với các tỉnh, thành lớn khác trong nước, du lịch Đà Nẵng tuy phát triển sau nhưng trong khoảng năm năm trở lại đây đã có được sự bứt phá khá mạnh mẽ. Sự phát triển của Đà Nẵng không chỉ tạo nên một điểm đến độc đáo cho khu vực miền Trung mà còn là động lực thúc đẩy sự phát triển của du lịch VN.
Đà Nẵng thường được chọn tiên phong trong các mô hình du lịch như: thành lập trung tâm hỗ trợ du lịch, cơ sở du lịch đạt chuẩn, đội chuyên trách trật tự du lịch…
Ngoài ra, công tác xúc tiến, quảng bá du lịch Đà Nẵng đến thị trường trong và ngoài nước cũng đã từng bước đi vào trọng tâm, trọng điểm và mang tính chuyên nghiệp ngày càng cao.
Như lễ hội pháo hoa Đà Nẵng là lễ hội duy nhất ở VN có lời cả tiền bạc lẫn thương hiệu. Biển Đà Nẵng an toàn và sạch đẹp nhất, có bãi tắm đêm, nhạc nhẹ. Đặc biệt lực lượng cứu hộ túc trực ngay mép biển chứ không ngồi trên chòi cao xa hàng trăm mét như nhiều nơi khác. Đà Nẵng cũng là thành phố đầu tiên của Asean và hình như cả Asia, miễn phí wifi. Lãnh đạo Đà Nẵng cũng tiên phong công khai email, số điện thoại của từng lãnh đạo để gần dân hơn.
Chính vì vậy, Đà Nẵng đã trở thành trung tâm kinh tế, đặc biệt là du lịch của miền Trung, thậm chí sầm uất hơn Huế, chỉ sau Sài Gòn. Và để làm được như ngày hôm nay, là nhờ con người, Đà Nẵng có những con người năng động, quyết đoán. Công đầu là của ông Nguyễn Bá Thanh – Nguyên Bí thư Thành ủy và cả tập thể lãnh đạo Đà Nẵng, đã có tầm nhìn và quyết đoán, mạnh mẽ.
Đặc biệt, họ phát triển theo sự đột phá, không chịu sự chi phối của cái cũ, biết giải quyết các vấn đề từ an ninh xã hội, xử lý ăn xin, bán hàng rong, người chạy xe ôm… Tôi nghĩ Đà Nẵng đang đi đúng hướng.
Về mặt lợi thế để phát triển du lịch, Đà Nẵng hoàn toàn không có nhiều lợi thế bằng các địa phương khác, lợi thế duy nhất là bờ biển nhưng mùa đông bãi biển ở địa phương cũng không thể sử dụng. Còn Hà Nội là thủ đô và cố đô hàng ngàn năm với nhiều di tích văn hóa, lịch sử; là trái tim trung tâm của cả nước. Đó là lợi thế mạnh nhất của thành phố này, họ chỉ thất thế bởi có mấy tháng mùa đông lạnh.
Sài Gòn là thành phố có nhiều lợi thế nhất, họ từng chiếm 7/10 số lượng khách du lịch của cả nước nhưng sau này con số này đã chựng lại vì nhiều lý do như an ninh xã hội, giao thông, sản phẩm nghèo nàn….
Tuy những lợi thế của Đà Nẵng chưa phải là mạnh mẽ, nhưng họ làm quy hoạch rất tốt, cây cầu nào được xây dựng cũng được đánh giá cao, độc đáo trở thành những điểm nhấn cho du lịch nhất là du lịch đường sông.
Còn HN, TPHCM tuy có nhiều lợi thế nhưng lại chưa tận dụng, phát huy được những lợi thế đó, dẫn đến việc du lịch vẫn còn quá nhiều lộn xộn, ảnh hưởng đến hình ảnh thành phố trong mắt du khách trong và ngoài nước.
Tầm nhìn và sự quyết đoán của lãnh đạo là vô cùng quan trọng
Trong bối cảnh khách du lịch cả nước sụt giảm hơn 11% thì Đà Nẵng vẫn tăng 24,9% về tổng lượng khách. Để làm được điều này, Đà Nẵng đã xây dựng lên một thương hiệu, một điểm đến an toàn và hấp dẫn, đảm bảo an ninh xã hội, không sợ các vấn nạn ăn xin đeo bám, bán hàng rong chèo kéo, chặt chém, trấn lột khách, đó là thành công lớn nhất của thành phố này.
Mọi vấn nạn manh nha đều được xử lý, rốt ráo, quyết liệt. Tôi thích phong cách của lãnh đạo Đà Nẵng, ngay từ thời anh Nguyễn Bá Thanh; gần gũi, thân thiện, đặc biết là biết lắng nghe cả những ý kiến phê phán.
Phong cách đó đã truyền cho người dân sự cởi mở, đều hiếu khách, có ý thức làm đẹp môi trường du lịch. Các bãi biển Đà Nẵng an toàn, du khách thích đi thuyền trên sông Hàn ngắm những cây cầu đẹp nhất Việt Nam, ngắm những hàng dừa được trồng dọc các trục đường ven biển.
Đặc biệt, mạng thông tin hiện nay vô cùng đáng sợ và nhạy cảm, những việc tốt cũng được tuyên truyền, những việc xấu cũng không thể nằm ngoài. Dạo này, Hà Nội bỗng dưng nổi tiếng. Không chỉ trong nước mà khắp thế giới, ít nhất là trong cộng đồng mạng của người Việt.
Không chỉ nổi tiếng nhờ chuyện lớn cấp thành phố và TW mà việc nhỏ của phường cũng dậy sóng dư luận. Cả thế giới biết việc phường Trung Liệt, quận Hoàng Mai tịch thu bình trà đá miễn phí trên đường Giải Phóng vào ngày 27/7. Tại sao Hà Nội, đất Tràng An thanh lịch lại làm thế? Sài Gòn và các địa phương khác đâu ai nỡ hành xử với người nghèo như vậy? Tất cả những sự việc này nếu lan truyền trên mạng thì hậu quả sẽ ảnh hưởng tồi tệ đến lượng khách du lịch.
Còn Sài Gòn đáng lẽ lượng khách phải tăng nhiều hơn nữa, vì có nhiều điều kiện thuận lợi, về mặt dịch vụ, khí hậu, nhưng cũng chưa làm được. Để thấy việc hình ảnh của các thành phố, sự thân thiện của người dân cũng góp phần tạo nên diện mạo du lịch bản địa.
Với Đà Nẵng, họ có chính sách cởi mởi hơn, thông thoáng hơn các tỉnh, thành khác, nên thu hút đầu tư nhiều hơn. Đất lành thì chim đậu. Tuy nhiên, riêng Bà Nà Hills chưa hẳn là thành công của ĐN, vì chỉ thu hút thị trường nội địa. Khách nước ngoài ít ai lên Bà Nà Hills; có lẽ vì sự ngột ngạt, chật chội và cả màu mè.
Thêm một việc, lãnh đạo Đà Nẵng đã làm rất hay, đó là trong ngày kỷ niệm giải phóng Đà Nẵng. Từ nhiều năm nay, thành phố chi hàng chục tỉ đồng cho từng tổ khu phố, ấp tổ chức “Ngày tắt bếp gia đình” để liên hoan, vui chơi tập thể. Một cách làm thiết thực, ý nghĩa, gắn kết cộng đồng với lãnh đạo.
Du lịch VN phải thay đổi toàn diện
Thật ra để giải quyết được vấn nạn du lịch ở VN không hề khó, từ chặt chém, giao thông, tệ nạn, nhưng với điều kiện lãnh đạo phải làm gương, có Bí thư thành ủy nào hạ mình đi gặp người chạy xe ôm, xích lô để trân trọng dặn dò và tặng quà cho họ như Đà Nẵng hay không.
Hiện nay, nhiều công ty có tour du lịch miền Bắc nhưng không ghé HN, tất cả chỉ là bay ra HN rồi đi Hà Giang, Điện Biên, Cao – Bắc – Lạng… rồi về thẳng Sài Gòn. Sài Gòn thì đỡ hơn, nhưng thời gian lưu trú ngắn, chỉ còn là điểm trung chuyển đi Phan Thiết, Nha Trang, Vũng Tàu, miền Tây, Đà Nẵng.
Mặc dù, là trung tâm phát triển kinh tế của cả khu vực Đông Nam Á, thế nhưng lượng khách tăng của Sài Gòn không đáng kể, doanh thu tăng không đáng bao nhiêu.
Chính vì thế, nếu tất cả các địa phương đều làm được như Đà Nẵng thì du lịch VN sẽ khác, không còn đứng đầu top cuối Đông Nam Á. Quan trọng là các địa phương có biết vận dụng một cách linh hoạt hay không, bởi dù có áp dụng mà không phù hợp thì cũng không thể có hiệu quả.
Ở đây, tôi vẫn tin rằng, tầm nhìn và sự quyết đoán của người lãnh đạo là vô cùng quan trọng. Du lịch là tổng hợp của rất nhiều mối quan hệ, đòi sự cộng hưởng của toàn bộ các ngành. Nếu làm tốt lượng khách tới VN sẽ tăng lên, không lo lắng về sự sụt giảm.
Du lịch VN phát triển là hoàn toàn trong tầm tay so với những gì chúng ta đã có, hoàn toàn có thể thay đổi thứ bậc, vị trí du lịch VN trên bảng xếp hạng du lịch các nước Đông Nam Á, quan trọng các lãnh đạo có muốn làm, có chịu làm, dám làm hay không.
Đơn giản, là vì VN có số lượng di sản thế giới nhiều hơn tổng số 3 nước đứng đầu Đông Nam Á hiện nay Malaysia, Singapore, Thái Lan, nhưng lượng khách du lịch tới VN chỉ bằng 1/8 số lượng đến với 3 nước. Có lẽ do tư duy con nhà giàu (tiềm năng, di sản), nên ỷ lại, còn họ nghèo nên phải chắt chiu tiết kiệm, trân trọng từ du khách.
Theo Báo Đất Việt