Theo Tổng cục Du lịch Việt Nam, lượng khách quốc tế đến Việt Nam trong 11 tháng năm 2017 ước đạt 11.645.798 lượt khách, tăng 27,8% so với cùng kỳ năm 2016. Mặc dù nhìn vào con số này, ngành du lịch Việt Nam đang có sự tăng trưởng về số lượng, nhưng theo nhận định của các chuyên gia, ngành du lịch đang tồn tại những mặt hạn chế.
Môi trường điểm đến cần được quản lý đúng mức và chuyên nghiệp, nhằm thúc đẩy phát triển du lịch. |
Trong đó, có những vấn đề tự thân những DN trong ngành chưa thể thay đổi được, nhưng ngược lại, có những vấn đề do cơ chế chính sách ràng buộc, khiến ngành du lịch Việt Nam trong nhiều năm qua vẫn “tụt hậu” so với một số nước trong khu vực như Thái Lan, Singapore, Malaysia... chứ chưa kể đến một số cường quốc của “ngành công nghiệp không khói” trên thế giới, mặc dù Việt Nam có nhiều lợi thế về cảnh đẹp thiên nhiên, văn hóa, con người, ẩm thực.
Bàn về vấn đề này, đại diện Công ty Du lịch Lửa Việt cho rằng, hiện nay môi trường điểm đến du lịch chưa được quản lý đúng mức và chuyên nghiệp, làm giảm đáng kể lượt du khách muốn quay lại Việt Nam. Nhiều DN hoạt động trong ngành du lịch đề nghị nên sử dụng Bộ chỉ số quản lý chất lượng điểm đến do khu vực tư nhân xây dựng, đánh giá dựa trên du khách thay vì chủ quan của nhà quản lý.
Việc minh bạch kết quả đánh giá định kỳ kèm bảng xếp hạng điểm đến theo đánh giá để làm căn cứ cho các địa phương điều chỉnh chiến lược, cách thức quản lý. Đồng thời nên thí điểm tại các điểm đến phát triển nóng về du khách và có nhiều tiềm năng khai thác du lịch như Hà Nội, TP. Hồ Chí Minh, Quảng Ninh, Huế, Hội An... để triển khai cho tốt sau đó mới mở rộng ra toàn quốc.
Ông Vũ Thế Bình, Phó chủ tịch Hiệp hội Du lịch Việt Nam cho biết, trong 3 quý đầu năm 2017, ngành du lịch Việt Nam đã có sự tăng trưởng đáng kể nhờ các chính sách và nỗ lực thu hút khách du lịch như miễn thị thực cho công dân 5 nước Tây Âu (Anh, Pháp, Tây Ban Nha, Đức và Ý) và đẩy mạnh cấp thị thực điện tử, tăng cường công tác quảng bá, xúc tiến du lịch...
Tuy nhiên, những kết quả và nỗ lực trên là chưa đủ để tạo nên sự phát triển bền vững cho ngành du lịch vì phát triển vẫn chỉ chú trọng số lượng mà chưa phải chất lượng du khách. Quá trình phát triển nóng về du khách chưa đi đôi với phát triển năng lực quản lý điểm đến và xây dựng các sản phẩm du lịch đặc thù.
Ông Bình cũng nhấn mạnh, khâu quảng bá du lịch quốc gia cũng có thể làm tốt hơn rất nhiều nếu có thể áp dụng các cơ chế linh hoạt và nhận được đầu tư thích đáng của nhà nước.
Ngoài ra, phải kể đến một rào cản của ngành du lịch Việt Nam bao năm chưa tháo gỡ được, đó là chính sách thị thực cho khách quốc tế đến Việt Nam còn chưa phù hợp và thiếu tính thực tiễn.
Cụ thể, thị thực của Việt Nam hiện chỉ áp dụng miễn thị thực cho công dân của 23 quốc gia trên thế giới nên không có sức cạnh tranh và hấp dẫn so với các quốc gia trong khu vực. Bên cạnh đó, Việt Nam chủ yếu áp dụng miễn thị thực với thời gian 15 ngày, ít hơn độ dài ngày trung bình khách quốc tế đến Việt Nam và ít hơn nhiều so với chính sách của các quốc gia láng giềng.
Không những vậy, quy định “mỗi lần nhập cảnh phải cách ngày xuất cảnh khỏi Việt Nam lần trước ít nhất là 30 ngày” càng hạn chế số lượng đáng kể khách quốc tế đến Việt Nam trong những tour du lịch kết hợp với các nước lân cận. Chương trình cấp thị thực điện tử chưa đáp ứng được kỳ vọng do việc tìm kiếm của du khách cũng như tốc độ truy cập website này khá chậm...
Nếu không nhanh chóng khắc phục những điểm yếu này ngành du lịch Việt sẽ mãi còn ì ạch phía sau chứ khó có thể tạo nên bước đột phá để đóng góp cho nền kinh tế đất nước.
Theo bảng xếp hạng chỉ số năng lực cạnh tranh ngành Du lịch và Lữ hành năm 2017 của WEF, khi đánh giá về Mức độ an ninh và an toàn, Việt Nam chỉ đứng ở trên trung bình (hạng 57). Đáng chú ý các chỉ tiêu về môi trường đứng ở thứ hạng thấp và rất thấp.
Bên cạnh đó, nhiều du khách nước ngoài sau khi đến du lịch của Việt Nam còn phản ánh về tình trạng thường bị gian lận khi mua hàng hóa và dịch vụ, cảm thấy phiền toái bởi người bán hàng rong.
Ngoài ra, một số vấn đề khác như thói quen xả rác bừa bãi của người dân, nhất là độ an toàn khi tham gia giao thông thấp... là các yếu tố tạo nên ấn tượng không tốt về Việt Nam, khiến cho khách quốc tế “một đi không trở lại”.
Theo Thời báo Ngân hàng