Đó là một trong những chỉ đạo trọng tâm của Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc trong Hội nghị toàn quốc về phát triển du lịch, hội nghị được các đại biểu đánh giá là thực sự mở rộng cửa cho phát triển du lịch Việt Nam.
Sáng 9/8, tại tỉnh Quảng Nam, Bộ Văn hóa - Thể thao - Du lịch tổ chức Hội nghị toàn quốc về phát triển du lịch. Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc chủ trì hội nghị với sự tham dự của Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam và Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ cùng lãnh đạo các Bộ, ngành, 63 tỉnh thành, các đơn vị, hiệp hội dịch vụ, du lịch, lữ hành…
Năm 2015, Việt Nam đón 7,84 triệu lượt khách quốc tế, 57 triệu lượt khách du lịch nội địa, đóng góp trực tiếp 6,6% GDP, tạo việc làm trực tiếp cho 750 nghìn lao động và 2,25 triệu việc làm liên quan đến du lịch. Bên cạnh những kết quả đã đạt được, ngành du lịch còn tồn đọng những hạn chế nội tại và hạn chế vĩ mô, liên ngành.
Hội nghị đã tập trung trao đổi về những yếu kém, thực trạng du lịch Việt Nam hiện tại cũng như các hướng khắc phục những yếu kém và đề xuất những giải pháp để thúc đẩy phát triển du lịch.
Nhiều đại biểu cho rằng, cần phải xem xét xây dựng lại chiến lược phát triển du lịch Việt Nam. Ông Nguyễn Thành Phong, Chủ tịch UBND TP Hồ Chí Minh nói: “Các chính sách, chiến lược phát triển du lịch Việt Nam còn nhiều bất cập, năng lực quản lý chưa theo kịp nhịp độ phát triển kinh tế xã hội. Bên cạnh đó phải có những chính sách ưu đãi cho các doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực du lịch”. Đại diện của tỉnh Lào Cai cũng cho rằng, nếu coi du lịch là ngành kinh tế mũi nhọn thì phải có chính sách đặc thù tương thích.
Tính liên kết lỏng lẻo trong thời gian qua cũng được nhiều đại biểu đề cập, ông Đinh Văn Thu - Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Nam đề nghị tăng tính liên kết giữa các địa phương. Đồng tình với ý kiến trên, Chủ tịch UBND TP. Hà Nội - Nguyễn Đức Chung mong muốn thời gian tới cần có những ký kết giữa Hà Nội và các địa phương cùng các công ty du lịch xây dựng các tour tuyến để khách du lịch lựa chọn có giá ổn định.
Nhiều đại diện các đơn vị doanh nghiệp cho rằng, công tác quảng bá xúc tiến du lịch Việt Nam thời gian qua chưa thực sự hiệu quả. Đại diện Công ty Viettravel nói: “Cần tổ chức 1 gian hàng quảng bá xúc tiến du lịch tập trung Việt Nam ở nước ngoài, không thể để tình trạng mạnh ai nấy làm”. Ông Đặng Việt Dũng - Phó Chủ tịch UBND TP. Đà Nẵng đề nghị phải xây dựng thị trường trọng điểm và xúc tiến có hiệu quả thị trường đó. Ngoài ra, nhiều doanh nghiệp mong muốn chính phủ sẽ mở rộng các thị trường miễn VISA, nới lỏng thủ tục cấp VISA để thu hút khách du lịch. Ở khía cạnh nguồn nhân lực, bà Đỗ Thị Tuyết Hạnh - Phó TGĐ Tập đoàn Sun Group cho rằng, nguồn nhân lực hiện tại chưa phù hợp và chưa đạt yêu cầu với thực tế phát triển du lịch.
Phát biểu chỉ đạo tại hội nghị, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc nhấn mạnh: “Du lịch Việt Nam phải đi đầu trong hội nhập quốc tế. Ai làm du lịch? Toàn dân làm du lịch, phát huy vai trò của doanh nghiệp. Doanh nghiệp và người dân là chủ thể, là động lực để phát triển du lịch”.
Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc phát biểu chỉ đạo hội nghị
Để thúc đẩy phát triển du lịch, Chính phủ đã cấp 200 tỷ đồng cho Bộ Công an tiến hành thực hiện dự án hộ chiếu điện tử, đảm bảo từ ngày 1/1/2017 sẽ đưa chương trình này vào hoạt động.
Đánh giá về du lịch Việt Nam trong thời gian qua, Thủ tướng nhấn mạnh: “Mặc dù chúng ta đã có nhiều tiến bộ nhưng phải nghiêm túc nhận thức rằng chúng ta còn nhiều yếu kém, bất cập, khiếm khuyết trong tổ chức. Phát triển đó chưa tương xứng với tiềm năng, nhiều tồn tại cần sớm khắc phục. Cần có sự đột phá trong phát triển du lịch, phát triển du lịch phải dựa trên nền tảng bền vững, có trọng tâm, trọng điểm; coi trọng nội địa để phục vụ nhân dân; đổi mới tư duy phát triển du lịch nhưng phải giữ được bản sắc văn hóa truyền thống của Việt Nam, chú trọng phát triển du lịch cộng đồng. Chính phủ sẽ xem xét dự án thành lập lực lượng cảnh sát du lịch; điều chỉnh mức lệ phí thị thực nhập cảnh; xúc tiến mở những đường bay trực tiếp từ các địa phương khách quốc tế trọng điểm đến Việt Nam với tinh thần “bầu trời mở cửa”.
Ngay tại hội nghị, Thủ tướng đã thông qua quyết định thành lập quỹ đầu tư phát triển du lịch, ngân sách nhà nước sẽ cấp khoảng 200-300 tỷ đồng vốn ban đầu. Siết chặt lại hoạt động xúc tiến quảng bá du lịch không để xảy ra dàn trải, trước mắt tập trung tốt cho APEC 2017 để quảng bá hình ảnh của Việt Nam; quản lý điểm đến và nâng cao chất lượng phục vụ du lịch; ban hành bộ quy tắc ứng xử trong lĩnh vực du lịch; tập trung đào tạo nguồn nhân lực phục vụ du lịch nhất là lực lượng đội ngũ hướng dẫn viên du lịch…”.
Mục tiêu của du lịch Việt Nam giai đoạn 2016-2020 là: thu hút 14-15 triệu lượt khách quốc tế mỗi năm; 70-75 triệu lượt khách nội địa mỗi năm; tăng thời gian lưu trú và khách quay lại điểm đã đến; đến năm 2020 ngành du lịch đóng góp 9-10% trong GDP; thu từ du lịch tăng từ 14-16%/năm; tạo 3,5 triệu việc làm... |
Vũ Lê / baocongthuong.com.vn