Theo các chuyên gia, thời điểm hiện tại là lúc du lịch và hàng không cần nhanh chóng chớp lấy cơ hội để phục hồi. Để làm được điều này, các rào cản về hạ tầng cần được tháo gỡ, các chính sách phát triển hàng không và du lịch, cũng như việc khôi phục lại hoạt động bay quốc tế cần thông thoáng hơn…
Việc dỡ bỏ hạn chế đi lại và khôi phục các chuyến bay đón khách quốc tế hứa hẹn sẽ làm du lịch Việt Nam hồi sinh.
Tại buổi tọa đàm “Hàng không Việt mở lại bay quốc tế: Động lực mới, cơ hội mới”, do Tổng cục Du lịch Việt Nam, Hiệp hội Doanh nghiệp hàng không, hãng bay Bamboo Airways tổ chức chiều 24/2, tại thành phố Quy Nhơn, tỉnh Bình Định, các chuyên gia đều đồng thuận khi cho rằng "Du lịch và hàng không cần nhanh chóng chớp lấy cơ hội để phục hồi".
Toàn cảnh toạ đàm “Hàng không Việt mở lại bay quốc tế: Động lực mới, cơ hội mới”
Theo đại diện Tổng cục Du lịch Việt Nam, ngày 15/3 tới sẽ là thời điểm mở cửa lại hoạt động du lịch trong điều kiện bình thường mới. Với việc dỡ bỏ toàn bộ các hạn chế đối với hoạt động bay quốc tế, ngành hàng không được đánh giá là đã “đi trước một bước”, giúp ngành du lịch không bị chậm chân trong cuộc cạnh tranh thu hút du khách quốc tế. Thậm chí, nhiều chuyên gia cho rằng, nếu chuẩn bị kỹ, Việt Nam còn có thể chiếm lĩnh thêm nhiều thị trường mới, khách hàng mới.
Ngay sau khi Cục Hàng không Việt Nam cho phép khôi phục mạng bay quốc tế như trước dịch, các hãng hàng không nội địa đã có kế hoạch khôi phục, tăng tần suất khai thác và khai trương các đường bay quốc tế mới từ tháng 2/2022, cho thấy sự chuẩn bị sẵn sàng, kỹ lưỡng của các doanh nghiệp để nhanh chóng khôi phục toàn mạng bay quốc tế đi/đến Việt Nam.
CẦN CHỚP CƠ HỘI ĐỂ PHỤC HỒI
Ông Hà Văn Siêu, Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Du lịch, cho biết: sau hơn 2 năm bị ảnh hưởng nặng nề bởi dịch Covid-19, du lịch Việt Nam đang có tín hiệu phục hồi đầy tích cực với từng bước triển khai vững chắc.
"Giờ là lúc du lịch và hàng không cần nhanh chóng chớp lấy cơ hội để phục hồi trong bối cảnh mới, đưa Việt Nam trở thành điểm đến uy tín và có vị thế cạnh tranh trên trường quốc tế".
Tổng cục Du lịch và các địa phương đã hết sức khẩn trương, có trách nhiệm trong triển khai hiệu quả các giải pháp phục hồi du lịch nội địa và quốc tế trong bối cảnh mới với tiêu chí “thích ứng linh hoạt, an toàn, kiểm soát hiệu quả dịch bệnh Covid-19”.
Ông Siêu cho biết, đối với thị trường quốc tế, Tổng cục Du lịch sẽ sớm công bố các nội dung, quy định đón khách du lịch quốc tế; phương án mở cửa trở lại hoạt động du lịch và hướng dẫn chi tiết để các địa phương, doanh nghiệp chủ động tổ chức thực hiện.
Cũng theo Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Du lịch, việc Chính phủ cho phép mở cửa lại hoàn toàn các chặng bay quốc tế là điều kiện thuận lợi để khách du lịch tin tưởng và có kế hoạch đi du lịch Việt Nam. Đây đồng thời là điều kiện tiên quyết để các hãng lữ hành bắt đầu quảng bá các chương trình du lịch Việt Nam tại các thị trường nguồn trọng điểm.
Để du lịch và hàng không đạt được những kết quả cao nhất trong quá trình phục hồi, ông Siêu cho rằng cần phát huy tối đa sức mạnh tổng hợp, liên minh bền vững, sẵn sàng đón làn sóng khách du lịch quốc tế quay trở lại và lan tỏa mạnh mẽ thông điệp “Live fully in Vietnam - Sống trọn vẹn tại Việt Nam”, mang lại những hoạt động du lịch - hàng không an toàn và trải nghiệm trọn vẹn tới du khách.
"Giờ là lúc du lịch và hàng không cần nhanh chóng chớp lấy cơ hội để phục hồi trong bối cảnh mới, đưa Việt Nam trở thành điểm đến uy tín và có vị thế cạnh tranh trên trường quốc tế”, ông Siêu nhấn mạnh.
THÔNG THOÁNG TRONG VIỆC KHÔI PHỤC HOẠT ĐỘNG BAY QUỐC TẾ
Để sớm khôi phục được hoạt động bay quốc tế như thời điểm trước dịch, TS Bùi Doãn Nề - Phó Chủ tịch Hiệp hội hàng không Việt Nam cho rằng, ngành hàng không Việt Nam còn phải vượt qua nhiều thử thách. Trước mắt, cần nối lại các chuyến bay quốc tế với các thị trường đã có đường bay trực tiếp đến Việt Nam trước khi xảy ra dịch Covid-19.
Mặt khác, các quy định tạo rào cản giữa các nước như xét nghiệm, cách ly,… cần phải tạo được sự đồng thuận và thống nhất.
Kế đến, cần tiếp tục đầu tư vào cơ sở hạ tầng để đón đầu sự phục hồi. Cùng với đó là các chính sách thu hút du lịch, hỗ trợ các hãng hàng không giá rẻ. Điều này các nước trong khu vực đã bắt đầu triển khai mạnh.
Ông Bùi Doãn Nề cũng cho rằng Việt Nam cần tận dụng tốt sự phục hồi, đồng thời tháo gỡ các rào cản để sớm lấy lại vị thế 1 trong 5 nước tăng trưởng hàng không nhanh nhất thế giới như trước đại dịch và dẫn đầu khu vực về tốc độ tăng trưởng.
Về phần mình, TS Lương Hoài Nam, Phó Chủ tịch Công ty Cổ phần Công nghệ Du lịch Gotadi, cho rằng Việt Nam cần rút kinh nghiệm thời gian thí điểm vừa qua.
"Điều kiện tiên quyết là phục hồi chính sách visa trước Covid-19 và mở rộng hơn nữa đối tượng miễn visa cho công dân trong khối EU, Australia, New Zealand… Với các quốc gia khác nếu không miễn visa được thì nên xem xét cấp visa dài hạn 5 năm, 10 năm… thì mới mong cạnh tranh được du lịch quốc tế".
“Từ tháng 3/2021, tôi đã có đề xuất nên thí điểm mở cửa du lịch với "hộ chiếu vaccine. Đến tháng 20/11, chúng ta mới quyết định thí điểm mở cửa du lịch Phú Quốc, nhưng trước đó, ngay từ đầu tháng 7/2021, Thái Lan đã bắt đầu thí điểm mở cửa, đến tháng 11 là họ mở cửa chính thức luôn. Trong khi đó, Campuchia không cần thí điểm, họ mở cửa luôn trong tháng 11, sang tháng 12, Lào mở cửa cho hơn 30 nước, trong đó có Việt Nam.
"Chúng ta đã chậm, quá thận trọng khi các điều kiện thí điểm mở cửa thì quá khó cho các hãng hàng không, cho các doanh nghiệp du lịch, cho du khách”, ông Nam nhấn mạnh.
Theo ông Nam, để rút kinh nghiệm, lần này Việt Nam cần cố gắng mở càng sớm càng tốt, mở càng rộng càng tốt, các điều kiện càng thoáng càng tốt. “Chúng ta hình dung trước thời Covid, cứ mỗi 2 tuần Việt Nam thu 1 tỷ USD doanh thu từ du khách quốc tế, đó là một con số cực lớn. Trong khi đó, 2 năm qua ngành du lịch quốc tế bị đóng băng, thiệt hại là rất lớn”, ông Nam nói.
Cũng theo ông Nam, điều kiện tiên quyết là phục hồi chính sách visa trước Covid-19 và mở rộng hơn nữa đối tượng miễn visa cho công dân trong khối EU, Australia, New Zealand… Với các quốc gia khác nếu không miễn visa được thì nên xem xét cấp visa dài hạn 5 năm, 10 năm… thì mới mong cạnh tranh được du lịch quốc tế.
Bên cạnh đó, ngành hàng không cần phải chuẩn bị điều kiện về hạ tầng. Câu chuyện quá tải hạ tầng sân bay sẽ nóng trở lại khi hoạt động bay trong nước và quốc tế được phục hồi. Việc này cũng cần phải được nghiêm túc nghiên cứu, tháo gỡ, bởi nếu không được khắc phục, đây sẽ là một rào cản rất lớn khi ngành du lịch phục hồi trở lại.
Ông Nguyễn Ngọc Trọng, Phó Tổng giám đốc Hãng hàng không Bamboo Airways, cho rằng nếu những nhà hoạch định chính sách thực hiện được các kiến nghị như các chuyên gia đã nêu ra ở đây thì chắc chắn tỷ trọng doanh thu du lịch sẽ phải ở mức 10%/ tổng GDP chứ không phải chỉ 6,7% như hiện nay.