Mới đây, tôi có dịp ngồi trò chuyện với anh Nguyễn Anh Dũng, một người đã từng du học và làm việc cả chục năm tại Pháp. Anh đã về nước và vẫn làm việc trong lĩnh vực du lịch nhưng ở một doanh nghiệp của Nhật có chi nhánh tại thành phố Hồ Chí Minh.
Qua nói chuyện với anh, dù chỉ mới xoay quanh đề tài Việt Nam mình miễn thị thực nhập cảnh 15 ngày cho công dân 5 nước Tây Âu đến Việt Nam gần đây liệu có giúp ích gì cho du lịch nước nhà? Vậy mà nó đã khiến cho tôi hơi giật mình, qua đó đã góp phần giúp tôi trả lời câu hỏi vì sao du lịch Việt Nam đang tụt hậu và thậm chí còn bị 2 nước Lào và Campuchia "qua mặt".
Chuyện là cách đây ít tháng, nhà nước đã ban hành quyết định miễn visa (thị thực nhập cảnh) đơn phương cho công dân 5 nước Tây Âu (Anh, Pháp, Đức, Tây Ban Nha, Ý) vào Việt Nam. Khi tôi bày tỏ về chuyện này, anh Dũng đã lắc đầu tỏ ý thất vọng rồi cho biết:
Chúng ta nên nhớ, khái niệm "miễn" này chỉ được gói gọn trong 15 ngày. Nếu đi quá là vẫn phải xin cấp. Trước đây, khi chưa có chính sách miễn thì visa được chúng ta cấp cho du khách Tây Âu là 1-3 tháng hoặc nhiều hơn nếu muốn. Do đó, nếu như chỉ miễn có 15 ngày thì đâu có hấp dẫn được khách du lịch đến từ châu Âu? Đặc điểm của đối tượng du khách trên là họ đi du lịch thường đi khoảng 2-3 tuần cho bõ tiền vé máy bay sang đây. Vì thế, tour của họ thường là xuyên Đông Dương, thậm chí còn thêm cả Thái Lan rồi mới về. Và, nếu đã miễn thì nên miễn 30 ngày hợp lý hơn...
Hành trình của khách du lịch Tây Âu thường là đi từ nước họ rồi sang Việt Nam (TP.Hồ Chí Minh hoặc Hà Nội), sau đó đi xuyên Việt rồi sang Lào. Khi sang Lào họ đi du lịch sinh thái hoặc du lịch văn hóa với 2 di sản thế giới là đền Wat Phou ở Pakse (tỉnh Champasak), rồi khu phố cổ ở Luang Prabang hoặc cánh đồng Chum (nơi đang được đề nghị là di sản thế giới). Sang Campuchia, du khách đi du lịch đa phần là 2 di sản thế giới, đó là Angkor Wat ở Siem Reap và đền Preah Vihear (giáp Thái Lan).
Tiếp theo, họ quay về Việt Nam để nghỉ tắm biển vài ba ngày như để thư giãn nhằm phục hồi sức khoẻ trước ngày về nước (thứ mà ở 2 nước kia không có hoặc không phải là thế mạnh). Một điểm rất đáng lưu ý và cũng là ưu thế của ta là ở chỗ khách quốc tế đến Việt Nam, theo điều tra gần nhất thì có đến 60% số du khách đến là để nghỉ dưỡng biển và với cơ sở vật chất được đầu tư gần đây của một số đại gia thực thụ, chúng ta đang rất có thế mạnh. Vậy mà sao ta không tranh thủ?
Lúc này, visa của họ đã hết hạn nên vẫn phải xin Việt Nam lần nữa nếu muốn nghỉ dưỡng biển. Như vậy, cái 15 ngày được "miễn" kia đâu có còn là ưu thế mới với hy vọng "cứu" du lịch Việt Nam ?
Thực tế, ở rất nhiều nước quanh ta mà không cần nói đâu xa, khi đã miễn visa, họ miễn ít nhất cũng 30 ngày trở lên như Thái Lan, Singapore... Còn chuyện cấp visa, nhiều nước tuy khắt khe nhưng họ đã cấp ít nhất cũng 30 ngày (Pháp), có những nước rất chặt chẽ trong chuyện nhập cảnh vậy mà nay họ cũng đã cấp đến 6 tháng (Anh) hoặc 1 năm (Mỹ)... thì đúng là họ đã rất thoáng, và chúng ta cần suy nghĩ.
Tôi không có con số về cái khoản bị thất thu do chuyện miễn visa cho du khách Tây Âu như vừa rồi là bao nhiêu, nhưng theo tôi, chúng ta đang làm nửa vời mà chưa hiệu quả. Một trong những cái yếu của cơ quan quản lý nhà nước về du lịch Việt Nam là ở chỗ chưa có quyền (hay biện pháp) phối hợp với doanh nghiệp du lịch điều tiết giá phòng, vé máy bay như nhiều nước quanh khu vực đã làm, cũng không có chính sách kích cầu trong mua sắm đối với du khách... cho nên trong lĩnh vực này, có vẻ như vẫn là cảnh mạnh ai nấy làm?
Khoảng chục năm trước, có lẽ ít ai nghĩ tới việc du lịch Lào và Campuchia lại có thể vượt trên chúng ta. Nhưng hiện nay thì họ đã "qua mặt" Việt Nam khá rõ ở một vài mặt. Có một điều cần biết: Xuất phát điểm của các bạn Lào, Campuchia trước đây đâu có hơn gì chúng ta.
Tôi rất tán đồng với ông Nguyễn Văn Mỹ, một doanh nhân trong lĩnh vực du lịch lữ hành ở thành phố Hồ Chí Minh khi ông đưa ra một phân tích rất đúng. Mấy mươi năm nay, các nước bạn đều nhờ Việt Nam đào tạo lớp cán bộ lãnh đạo cho họ. Rất nhiều trường đại học của chúng ta có lưu học sinh của bạn sang học.
Ngay cả Học viện Chính trị Hành chính Quốc gia Hồ Chí Minh lại càng thế. Vào cuối những năm 80 của thế kỷ trước, khi tôi học tại Trường Đảng cao cấp Nguyễn Ái Quốc, tôi đã chứng kiến có rất nhiều lớp học trong trường dành riêng cho các bạn Lào, Campuchia. Sau này, họ đều trở thành lãnh đạo trụ cột của đất nước họ. Ấy vậy mà bạn đã có những cách làm rất uyển chuyển, mới mẻ. Phải chăng họ đã đi trước chúng ta, không câu nệ chuyện sách vở mà họ được truyền thụ từ Việt Nam và cũng không chờ để "học"chúng ta rồi mới làm?
Quay trở lại câu chuyện du lịch bạn "qua mặt" chúng ta ra sao? Năm 2014, Lào (dân số có 7 triệu) đã đón 3,5 triệu lượt khách quốc tế, Campuchia (dân số chưa tới 15 triệu) đón 4,5 triệu lượt khách quốc tế. Trong khi đó, Việt Nam ta (dân số 91 triệu) đón 7,9 triệu lượt khách quốc tế (theo báo Thanh niên).
Một báo cáo của ngành du lịch vào tháng 9.2015 cũng cho thấy chúng ta đang có dấu hiệu tụt lùi rất đáng buồn: Việc sụt giảm khách du lịch quốc tế đến Việt Nam trong 8 tháng đầu năm 2015 (so với 8 tháng đầu 2014) là vấn đề cần lưu ý. Nếu tình hình này tiếp tục kéo dài, ngành du lịch VN sẽ rất khó vực dậy do các nước trong khu vực như Thái Lan, Singapore, Campuchia... đều tìm cách tung ra nhiều chiêu quảng bá cùng các sản phẩm du lịch hấp dẫn nhằm hút khách. Cụ thể, khách đến Thái Lan tăng 27,4%, Việt Nam giảm 7,5% và riêng Campuchia, tính sơ bộ 6 tháng đầu năm nay, du lịch của nước bạn đã tăng trưởng 4,6% .
Nếu chúng ta không thấy lo ngại để có chính sách tích cực giúp du lịch tăng tốc, nguy cơ tụt dốc là có cơ sở. Nó càng buồn hơn khi chúng ta luôn tự hào có những danh thắng độc nhất vô nhị như Vịnh Hạ Long, như hang Sơn Đoòng... mà sao lại đến nỗi này?
Anh Nguyễn Anh Dũng cho rằng, sự tụt hậu về du lịch của Việt Nam còn do nhiều nguyên nhân khác, dù nhiều khi ta cứ tưởng chẳng đến mức nào. Anh nêu ví dụ rồi nhận xét:
Việc quảng bá hình ảnh quốc gia, chúng ta quá kém và không biết tận dụng các cơ hội. Hàng năm, các hội chợ du lịch như WTM tại London hay ITB tại Berlin, chúng ta đều tham gia. Đây là dịp để các công ty lữ hành quốc tế tìm kiếm đối tác. Hội chợ là nơi có thể quảng bá và tìm kiếm khách hàng một cách nhanh nhất. Chính phủ các nước đều đầu tư, bỏ tiền thuê công ty thiết kế xây dựng hình ảnh, logo, slogan và gian hàng nhằm làm nổi bật nét đặc trưng về văn hóa và danh lam thắng cảnh của nước mình. Các công ty du lịch sẽ đóng góp chi phí và chia sẻ một góc nhỏ diện tích của gian hàng nhằm phục vụ tiếp khách và quảng bá dịch vụ của riêng công ty mình.
Trong khi đó Việt Nam vẫn cứ tình trạng nhỏ lẻ, cát cứ. Mỗi công ty tự làm gian hàng riêng nằm sát cạnh nhau trong khu dành cho Việt Nam. Do mỗi công ty tự làm nên kinh phí hạn hẹp và kết quả là gian hàng nghèo nàn. Cách thường thấy là đem theo vài hình ảnh của Việt Nam sang rồi dán lên tường, thế là xong. Ông cha ta có câu: "Một cây làm chẳng nên non, ba cây chụm lại nên hòn núi cao". Cái thiếu ở đây là không có ai đứng ra tập hợp các đơn vị lữ hành để tạo nên một hệ thống chuyên nghiệp đại diện cho ngành du lịch Việt Nam cùng chung một gian hàng.
Anh Dũng còn bảo: Tôi có 10 năm sống ở Pháp, lại làm về du lịch nên cũng hay để ý trên tivi xem có khi nào Việt Nam quảng bá du lịch không thì quả là khó thấy vô cùng. Tôi chưa bao giờ thấy có một lần quảng cáo về Việt Nam được phát trên các kênh truyền thông. Trong khi đó Thái Lan, Malaysia hay gần đây là Lào và Campuchia, họ đều đã làm.
Tất nhiên là tốn kém nhưng nếu không đầu tư, khách du lịch sẽ không biết đến Việt Nam. Và nếu họ không biết thì họ sẽ không đến vì họ còn có muôn vàn sự lựa chọn khác... Tôi từng nghe ngài đại sứ Tây Ban Nha tại Việt Nam chia sẻ:
Cách đây 30 năm, thời tôi còn trẻ, đi du lịch qua New York, tôi thật xúc động và tự hào khi nhìn thấy hình ảnh quảng cáo đất nước tôi trên màn hình quảng cáo lớn nhất tại Times Square. Tất nhiên là chiến dịch này tốn kém hàng triệu đô la Mỹ nhưng hiệu quả không thể đo lường vì hàng ngày, có hàng nghìn du khách từ khắp mọi nơi trên thế giới ghé thăm Times Square. Quảng cáo ở đây, chúng tôi đã nhắm trúng đối tượng khách hàng tiềm năng.
Còn một cách quảng cáo nữa không hề tốn kém. Các bạn có biết gần đây cặp vợ chồng tài tử điện ảnh nổi tiếng nhất thế giới là Brad Pitt và Angelina Jolie đến thăm Vịnh Hạ Long? Đây cũng không phải là lần đầu họ đến Việt Nam. Họ có 2 cậu con nuôi là người Việt Nam và Campuchia. Mỗi lần đến Campuchia, họ đều được tung hô và truyền thông nước họ rầm rộ đưa lên mặt báo. Còn ở Việt Nam thì không thấy các bạn làm? Các bạn nên biết rằng: các trang web, báo chí nước ngoài dõi theo rất sát bước chân của gia đình này. Chỉ cần báo chí khắp thế giới thông tin cặp đôi này đến Việt Nam với một tấm hình Vịnh Hạ Long, như vậy các bạn đã được thế giới quảng cáo không công đến không biết bao nhiêu khách du lịch tiềm năng...
Tại sao một đại sứ nước khác công cán ở Việt Nam lại nghĩ giùm cho Việt Nam tinh tế đến vậy?
Khâu quản lý hạ tầng du lịch của chúng ta lại cũng không bền vững. Anh Dũng nhận xét: Phát triển mà không xây dựng hệ thống cơ sở hạ tầng đi kèm chính là đang tự hại mình. Ví dụ như ở đảo Phú Quốc, đến nay tôi tìm hiểu thì biết vẫn chưa có nhà máy xử lý nước thải và rác thải. Nếu cứ tiếp tục khai thác như vậy mà không làm ngay, nó có nguy cơ sẽ là một "Hạ Long thứ 2" (khu Bãi Cháy, Quảng Ninh hiện rất ô nhiễm, ít người muốn tắm). Hy vọng sau lần cải tạo và xây dựng khu vui chơi giải trí của Tập đoàn Sun Group ở Bãi Cháy, cũng như Tập đoàn Tuần Châu xây dựng Cảng du thuyền quốc tế Tuần Châu, xoá bỏ hẳn bến tàu Bãi Cháy, chất lượng môi trường du lịch Quảng Ninh sẽ có một bộ mặt khác trước...
Và hệ thống đào tạo nhân lực cho ngành du lịch Việt Nam cũng đang rất yếu kém, không cung cấp được nguồn nhân lực đủ và có năng lực để phục vụ khách. Bởi thế, các tập đoàn mạnh, có hệ thống dịch vụ nghỉ dưỡng bài bản như Vingroup hay Sun Group, họ đều buộc phải đào tạo lại thì mới đáp ứng được nhu cầu tuyển dụng... Điều đó cho thấy Nhà nước cần sớm bắt tay với tư nhân để làm công tác đào tạo thì mới hy vọng có thể tốt và nhanh hơn được...
Tất cả phải chăng do "tư duy làm chính sách trong phòng máy lạnh"? Do các nhà quản lý, chuyên gia chúng ta đang bị chứng bệnh quan liêu? Đã tới lúc cần có một cuộc cách mạng thật rộng lớn, thật đồng bộ ở nhiều ngành , nhiều cấp hầu giúp cho cỗ xe du lịch có được sự bứt phá, tăng tốc trong năm 2016 này cũng như những năm sau. Nếu không vậy thì sẽ rất đáng buồn và khó khăn để có thể đuổi kịp những người anh em, người hàng xóm quanh ta .
Quốc Phong