Ngành du lịch vừa đưa ra dự báo năm 2016, du lịch Việt Nam có khả năng sẽ đạt được con số kỷ lục đón 10 triệu khách quốc tế.
Dự báo này dựa trên đà tăng trưởng khách du lịch quốc tế 3 tháng trở lại đây. Nếu vấn duy trì tốc độ tăng trưởng như 3 tháng qua thì tháng 12, Việt Nam cũng sẽ tiếp tục đón được lượng khách lớn tới Việt Nam. Dự báo, có thể đạt con số kỷ lục 1 triệu/ tháng. Nếu khả năng này thành hiện thực, năm 2016 sẽ đánh dấu mốc son con số khách thứ 10 triệu lần đầu tiên cho du lịch Việt Nam.
Riêng tháng 11, ước tính số khách quốc tế đến Việt Nam đạt 926.642 lượt khách, tăng 14,1% so với tháng 10/2016 và tăng 24,9% so với tháng 11/2015.
11 tháng đầu năm 2016, khách quốc tế đến đạt 9.004.039 lượt khách, tăng 25,4% so với cùng kỳ
Trong đó, lượng khách đến bằng phương tiện đường không đạt 768.221 lượt khách, chiếm 82,9% (tăng 43,3% so với tháng 11/2015); khách đến bằng phương tiện đường biển đạt 16.843 lượt khách, chiếm 1,8% (tăng 27,5% so với tháng 11/2015); khách đến bằng phương tiện đường bộ đạt 141.578 lượt khách, chiếm 15,3% (giảm 34,6% so với tháng 11/2015).
Trong tháng 11/2016, các thị trường khách có số lượng tuyệt đối cao và tăng trưởng so với tháng 11/2015: Trung Quốc đạt 251.671 lượt (tăng 43,1%); Hàn Quốc đạt 132.698 lượt (tăng 31,7%); Nhật Bản đạt 65.590 lượt (tăng 8,1%); Nga đạt 53.005 lượt (tăng 43%); Mỹ đạt 44.890 lượt (tăng 5,9%); Đài Loan đạt 41.851 lượt (tăng 13,3%); Malaysia đạt 39.381 lượt (tăng 30,5%)…
Tính chung 11 tháng đầu năm 2016, khách quốc tế đến đạt 9.004.039 lượt khách, tăng 25,4% so với cùng kỳ năm 2015, đây là lượng khách quốc tế cao nhất từ trước đến nay, tạo dấu ấn và đà tăng trưởng cho thời gian tiếp theo, vượt qua mục tiêu ban đầu đề ra cho cả năm 2016; khách du lịch nội địa đạt 57,7 triệu lượt (trong đó, khách lưu trú đạt 27,1 triệu lượt); tổng thu từ khách du lịch 11 tháng năm 2016 ước đạt 368.600 tỷ đồng, tăng 18,6% so với cùng kỳ năm 2015.
Trong đó, lượng khách đến bằng phương tiện đường không là 7.526.162 lượt người, tăng 32,2% so với cùng kỳ năm 2015; khách đến bằng phương tiện đường biển là 138.392 lượt người, giảm 11,4% so với cùng kỳ năm 2015; khách đến bằng phương tiện đường bộ là 1.313.262 lượt người, giảm 1,5 so với cùng kỳ năm 2015.
Tính chung trong 11 tháng đầu năm 2016, 10 thị trường khách có số lượng tuyệt đối cao và tốc độ tăng trưởng mạnh so với cùng kỳ năm 2015 là: Trung Quốc đạt 2.480.186 lượt (tăng 53,9%); Hàn Quốc đạt 1.389.718 lượt (tăng 39,2%); Nhật Bản đạt 676.991 lượt (tăng 10,5%); Mỹ đạt 506.197 lượt (tăng 13,4%); Đài Loan đạt 465.252 lượt (tăng 15,7%); Nga đạt 383.790 lượt (tăng 29,1%); Malaysia đạt 359.266 lượt (tăng 17%); Úc đạt 293.823 lượt (tăng 6,7%); Thái Lan đạt 239.341 lượt (tăng 29%); Anh đạt 235.557 lượt (tăng 20,8%).
Một số địa phương đặc biệt có sự tăng trưởng lớn về khách quốc tế như:Thành phố Hồ Chí Minh đón 501.801 lượt khách quốc tế (tăng 7,9% so với cùng kỳ), tổng thu từ du lịch đạt 9.180 tỷ đồng (tăng 6% so với cùng kỳ); Lào Cai đón 230.930 lượt khách, tổng thu từ du lịch đạt 550.832 tỷ đồng; Kiên Giang đón 368.934 lượt khách, tổng thu từ du lịch đạt 352 tỷ đồng; Thanh Hóa đón 210.000 lượt khách (tăng 18% so với cùng kỳ), tổng thu từ du lịch đạt 173 tỷ đồng (tăng 19,3% so với cùng kỳ); Bến Tre đón 95.905 lượt khách (tăng 14% so với cùng kỳ), tổng thu từ du lịch đạt 78,831 tỷ đồng (tăng 23% so với cùng kỳ);...
Ngoài ra, một số dự án tiêu biểu về cơ sở hạ tầng được dự báo sẽ góp thêm nguồn lực cho đà tăng trưởng du lịch Việt Nam trong tương lai như: Quảng Ngãi vừa đầu tư 200 tỷ đồng xây cảng du lịch dài 87 m, cầu dẫn 153 m cho phép neo đậu tàu có trọng tải 2.000 tấn hoặc tàu có trọng tải 400 ghế.Thanh Hóa vừa khai trương Tuyến du lịch cộng đồng bản Năng Cát, thác Ma Hao. Đồng Tháp cũng đã phê duyệt dự án xây dựng hạ tầng phát triển du lịch sinh thái bền vững vườn quốc gia Tràm Chim giai đoạn 2016 – 2020 với tổng mức đầu tư 90 tỷ đồng.
Hải Hà / baodautu