Tổ chức của ngành du lịch cực đáng thương. Từ khi thành lập đã 7 - 8 lần nhập vào - tách ra và liên tục 'thay mẹ, thay cha'. Bên cạnh đó, nhiều địa phương xác định du lịch nghỉ dưỡng là ngành mũi nhọn, lại cũng muốn mở cửa cho ngành công nghiệp nặng - vốn là ngành có nguy cơ gây ô nhiễm cao. Cái giá phải trả là du lịch của 4 tỉnh miền Trung không biết khi nào mới trở lại được như xưa...
Ảnh minh họa.
Gần một tiếng đồng hồ trò chuyện về đủ ngóc ngách của ngành du lịch, từ việc khách Trung Quốc chiếm số lượng quá lớn đến việc Việt Nam đang mang nguyên xi lợi thế tự nhiên đi làm du lịch, PGS.TS Phạm Trung Lương - nguyên Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu du lịch – trùng xuống khi nhắc đến những điểm nghẽn khiến ngành du lịch Việt Nam khó cất cánh.
Người ta hay đem du lịch Việt Nam để so sánh với Campuchia, hay đặt câu hỏi bao giờ du lịch Việt được như du lịch Thái, nhưng theo PGS. TS Lương, không ‘phá’ được 3 điểm nghẽn dưới đây, ngành du lịch Việt Nam 100 năm nữa cũng không thể phát triển đột phá.
3 nỗi đau của ngành du lịch
1. 7 – 8 lần nhập vào – tách ra và liên tục “thay mẹ, thay cha”
“Ngành du lịch từ khi thành lập tách ra - nhập vào đã 7 - 8 lần. Mỗi lần tách ra – nhập vào ấy, những người tâm huyết với ngành, những người có trình độ với ngành đã ra đi hết. Chưa kể những tổn thất vật chất của xã hội”, ông Lương ngậm ngùi.
- Sự ra đời của ngành du lịch Việt Nam được tính từ năm 1960, với sự thành lập Công ty du lịch Việt Nam trực thuộc Bộ Ngoại thương. Đến năm 1969, công ty này được chuyển từ Bộ Ngoại thương sang Phủ Thủ tướng quản lý.
- Năm 1978, Tổng cục Du lịch ra đời, trực thuộc Hội đồng Bộ trưởng. Tổng cục kiêm nhiệm phụ trách hoạt động kinh doanh du lịch. Cùng với đó, Công ty du lịch Việt Nam bị giải thể.
- Tồn tại độc lập được 12 năm, Du lịch cùng 3 lĩnh vực khác là Văn hóa, Thông tin, và Thể dục Thể thao sáp nhập chung vào 1 Bộ, Bộ Văn hóa - Thông tin - Thể thao – Du lịch ra đời. Cùng năm này, Tổng công ty Du lịch Việt Nam được tái thành lập, trên cơ sở bộ máy của Tổng cục Du lịch cũ.
- Chỉ 1 năm sau, năm 1991, Tổng cục Du lịch lại được “trao tay” sang Bộ Thương mại và Du lịch.
- Năm tiếp theo, ngành du lịch Việt Nam lại được tách ra, là cơ quan thuộc Chính phủ.
- Đứng riêng được 15 năm, ngành du lịch lại được sáp nhập vào Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch, và nằm trong Bộ này đến nay.
“Tổ chức của ngành du lịch rất đáng thương. Từ nhận thức của người đứng đầu, cho nên ngành du lịch đến bây giờ vẫn là phân ngành trong ngành dịch vụ. Nếu người ta cho đây là một ngành có đóng góp nhiều của cải, việc làm cho xã hội, tạo động lực để các ngành khác phát triển, thì phải cho nó là một ngành. Và đã là ngành phải là tổ chức riêng”, ông Lương nói.
Ông cho rằng: Nhận thức và tổ chức phải ổn định, và phải tương xứng với tầm vóc của ngành này thì ngành này mới phát triển được.
Nhận thức ở đây là từ nhận thức của người đứng đầu đến nhận thức của toàn xã hội.
Trong nhiều buổi chất vấn của Quốc hội, những câu hỏi xoáy về ngành du lịch luôn được đặt ra. Người đầu ngành luôn bị chất vấn: Vì sao khách du lịch đến Việt Nam một đi không trở lại? Khi nào du lịch Việt bằng được du lịch Thái?
Nhưng những người đầu ngành du lịch chẳng thể đưa ra câu trả lời hợp lý, vì theo ông Lương, họ không hiểu bản chất của ngành du lịch Việt Nam.
Ví như câu chuyện khách du lịch một đi không trở lại, việc khách du lịch có trở lại lần 2 hay không phụ thuộc vào mục đích đi du lịch. Nếu mục đích du lịch chỉ là đi tham quan thì không ai quay lại lần 2.
“Giống như đã đến Hoàng thành Thăng Long tại Hà Nội thì không bao giờ bạn đến lần thứ 2 để tham quan, mà bạn sẽ dành cơ hội để có thể đi điểm khác. Việt Nam cũng vậy, nếu chỉ đi tham quan thì khi đã một lần đến Việt Nam tôi sẽ không quay lại, mà sẽ đến Lào, Campuchia… Tội gì khi có tiền lại đi tham quan lại những nơi đã biết rồi?”, ông Lương lý giải.
Đấy là 1 ví dụ rất nhỏ thôi để thấy rằng: Nhận thức của người đầu ngành về bản chất của ngành du lịch và về tất cả các cái của ngành du lịch phải rất hiểu, thì mới quản lý tốt được, mới tham mưu những chính sách tốt để du lịch phát triển.
Một điểm nghẽn rất lớn nữa là nhận thức của xã hội nói chung để người dân đồng hành cùng du lịch phát triển. Ngành du lịch vốn là một ngành rất mở, mà bản thân người dân không đồng hành thì không phát triển được.
2. Miền Trung loay hoay không biết chọn du lịch nghỉ dưỡng hay công nghiệp thép là mũi nhọn, và đã chọn cả 2
Ảnh minh họa. Nguồn: Internet.
Đầu tháng 9, một trong những địa phương cực tiềm năng trong ngành du lịch đã phải viết thư “cầu cứu” Thủ tướng Chính phủ, đề nghị hỗ trợ ngành du lịch tỉnh này sau sự cố môi trường biển tại 4 tỉnh miền Trung khiến cá chết hàng loạt.
Quảng Bình – tỉnh liên tục được có tên trên truyền hình Mỹ nhờ hang Sơn Đoòng và còn được chọn để quay một số cảnh trong bộ phim bom tấn Hollywood “Kong: Skull Island”, nay có tới 50% nhân viên lành nghề tại các cơ sở lưu trú, nhà hàng, cơ sở kinh doanh du lịch dịch vụ… phải buộc nghỉ việc, nhiều khách sạn 3 sao trở lên, nhiều nhà hàng đang triển khai phải dừng thi công, nhiều doanh nghiệp kinh doanh dịch vụ du lịch phải đóng cửa, ngừng hoạt động và phải trả lãi vay hàng tháng cho ngân hàng rất lớn…
Ước thiệt hại của riêng ngành du lịch Quảng Bình là trên hàng chục nghìn tỷ đồng.
Không riêng gì Quảng Bình, 3 địa phương còn lại là Hà Tĩnh, Thừa Thiên Huế, Quảng Trị cũng bị ảnh hưởng không nhỏ tới ngành du lịch.
Riêng Hà Tĩnh, bãi biển Thiên Cầm còn có thể đón khách du lịch khi cách đó không xa là ống xả thải của nhà máy thép Đài Loan?
Hay như Ninh Thuận, hiện đã có Mũi Né được coi như thủ phủ du lịch nghỉ dưỡng, nếu có thêm một nhà máy thép Cà Ná thì ngành du lịch tỉnh này sẽ đi về đâu?
Câu chuyện đau lòng này một lần nữa cảnh báo các địa phương nên chọn ngành nào là mũi nhọn, chứ không thể “mũi nào cũng nhọn” như quả mít, nhất là ngành du lịch nghỉ dưỡng – vốn là ngành coi trọng chất lượng môi trường – và ngành công nghiệp nặng là ngành có nguy cơ gây ô nhiễm cao.
“Những điểm đến, địa bàn rất quan trọng đã xác định du lịch là ngành mũi nhọn, mà anh lại cho ngành khác phát triển vào, ngành ấy lại là ngành công nghiệp nặng thì phát triển quá lung tung. Giờ du lịch miền Trung còn rất lâu nữa mới phát triển được như cũ”, ông Lương nói.
“Đứng về góc độ vĩ mô, để phát triển, các ngành cần có sự kết nối với nhau mà Thủ tướng phải đứng ra để kết nối. Trong nhiều trường hợp phải yêu cầu ngành nọ, ngành kia hỗ trợ du lịch trong trường hợp suy thoái chẳng hạn, như thế du lịch mới vượt qua được. Bản thân một ngành cứ loay hoay mãi thì không thể vượt qua”.
3. Chỉ một chính sách nhỏ cũng loay hoay cân lên đặt xuống
“Tôi còn nhớ đại biểu Quốc hội từng hỏi nguyên Bộ trưởng Bộ Văn hóa Thể thao và Du lịch Hoàng Tuấn Anh rằng: Khi nào du lịch Việt Nam bằng được du lịch Thái Lan? Nếu tôi là Bộ trưởng, tôi sẽ hỏi: Bao giờ chúng ta ra được những chính sách như Thái Lan cho ngành du lịch phát triển?”, ông Lương thẳng thắn.
“Chỉ riêng câu chuyện miễn visa để khuyến khích khách du lịch đến Việt Nam chúng ta vẫn tranh luận việc bỏ hay không. Đấy chỉ là một trong những ví dụ điển hình mà cứ như thế thì không phát triển được”.
Tính đến trước tháng 7/2015, Việt Nam mới chỉ miễn thị thực cho 16 nước. Trong khi nước láng giềng của Việt Nam là Lào miễn thị thực cho du khách từ 40 quốc gia, Philippines miễn thị thực cho 157 quốc gia.
Sau nhiều lần cân nhắc, nhân kỷ niệm 55 năm ngành du lịch, Việt Nam đã quyết định miễn thị thực cho du khách từ 6 quốc gia khác gồm Anh, Pháp, Đức, Tây Ban Nha, Italia và Belarus.
Chính sách miễn visa đã phần nào có tác dụng khi thống kê 9 tháng đầu năm 2016, du khách từ Anh tăng 23% so với cùng kỳ, Pháp tăng gần 14%, Đức tăng 18,6%...
Trong khi Việt Nam cân nhắc và dè dặt trong việc miễn thị thực thêm cho 6 quốc gia, thì đối thủ hút FDI của Việt Nam - Indonesia - mới đây đã mạnh tay miễn thị thực cho 79 quốc gia để phát triển du lịch, nâng tổng số quốc gia được miễn thị thực của nước này lên 169.
Nếu chẻ nhỏ ra, còn rất rất nhiều điều ngành du lịch cần phải xắn tay vào cuộc, từ nhân lực ngành du lịch, đầu tư vào dịch vụ du lịch đến thói chặt chém khách Tây, không có ý thức bảo vệ môi trường…
Nhưng theo ông Lương, 3 điểm nghẽn vĩ mô nói trên nếu không thể giải quyết, thì du lịch Việt Nam 100 năm tới cũng không thể phát triển đột phá.
Nguyên Bảo / Infonet