Quy định xe máy phải bật đèn ban ngày hiện mới đang được đưa vào dự thảo sửa đổi Luật Giao thông đường bộ, song thực tế từ giữa năm 2019 đến nay các hãng xe máy đã sản xuất và đưa ra thị trường loại xe có đèn sẽ tự sáng khi xe chạy.
Việc bật đèn xe máy ban ngày vẫn còn nhiều tranh luận - Ảnh: Anh Quân
Theo ghi nhận của TBKTSG Online tại các cửa hàng bán xe máy của hãng Honda trên địa bàn TPHCM, một số mẫu xe sản xuất năm 2019 đều có hệ thống đèn chiếu sáng phía trước tự động.
Tại cửa hàng xe máy của hãng Honda trên đường Võ Văn Ngân, quận Thủ Đức, một nhân viên bán xe ở đây cho biết hiện nay một số dòng xe máy được sản xuất vào năm 2019 như Wave RSX FI 110; Lead; Airbalde; Winner X đều sử dụng đèn led tự bật sáng khi xe chạy. Do xe không thiết kế công tắc tắt mở đèn nên khi xe chạy là đèn sáng dù là ban ngày hay ban đêm.
Nhân viên này cũng giới thiệu khác với các loại xe trước đây, các xe sản xuất năm 2019 đều sử dụng loại đèn led nên sẽ tiết kiệm điện và không gây hại đến môi trường. Khi xe chạy sẽ tạo ra dòng điện để đèn sáng nên sẽ không còn dùng bình như trước.
Ngoài hãng Honda thì Yamaha cũng có một số dòng xe như Yamaha MX King đèn cũng tự động sáng khi di chuyển và không có công tắc đèn.
Như vậy, khi dự thảo về việc bắt buộc phải bật đèn xe máy vào ban ngày còn đang tranh cãi thì thực tế ngoài thị trường các loại xe này đã được đưa vào sử dụng.
Sau khi đưa ra lấy ý kiến và nhận được nhiều ý kiến trái chiều từ dư luận, Bộ GTVT, cho biết Việt Nam tham gia Công ước Viên 1968 năm 2004. Tất cả các nước tham gia công ước đều phải tuân thủ các quy định chung.
Theo Công ước Viên, quy định xe máy khi lưu thông vào ban ngày bắt buộc phải bật đèn chiếu sáng ban ngày DRL (Daytime Running Light), mục đích của loại đèn này nhằm tăng khả năng nhận biết các phương tiện khi tham gia lưu thông trên đường.
Hiện nay ở khu vực Đông Nam Á các nước đều áp dụng quy định xe máy phải bật đèn ban ngày (chỉ trừ 3 nước là Việt Nam, Campuchia và Myanmar không bắt buộc xe máy phải bật đèn ban ngày).
Trước nhiều ý kiến cho rằng Việt Nam có khí hậu nóng nên không phù hợp cho việc bật đèn ban ngày. Tuy nhiên, Bộ GTVT cho rằng đèn cos không quá nóng, không tiêu hao nhiều nhiên liệu, nhiều nước xứ nóng như Việt Nam cũng đang áp dụng quy định này.
Hiện nay luật giao thông đường bộ của Việt Nam không quy định xử phạt khi bật đèn xe vào ban ngày. Tuy nhiên, nếu bật đèn chiếu xa (đèn pha) vào ban ngày thì sẽ bị phạt từ 100.000-200.000 đồng (Nghị định 100/2019 về xử phạt vi phạm giao thông).
Đây không phải lần đầu tiên đề xuất bật đèn xe cả ban ngày với xe máy được cơ quan quản lý về giao thông đưa ra. Trước đó, năm 2005, Ủy ban An toàn giao thông quốc gia từng đưa ra đề xuất này với kỳ vọng việc xe máy bật đèn khi lưu thông ban ngày sẽ giảm số lượng tai nạn giao thông và người chết mỗi năm.
Tại khoản 3 điều 27 dự thảo Luật Giao thông đường bộ (sửa đổi) đang được lấy ý kiến, quy định "trong suốt cả ngày, xe mô tô, xe máy, xe đạp điện, xe máy điện khi tham gia giao thông phải bật sáng đèn nhận diện được trang bị theo thiết kế của nhà sản xuất hoặc phải bật sáng ít nhất một đèn chiếu sáng gần phía trước và một đèn đỏ phía sau". Theo điều 27 của dự thảo luật này, các phương tiện tham gia giao thông vào ban đêm (từ 19 giờ ngày hôm trước đến 5 giờ ngày hôm sau) hoặc khi trời tối, khi có sương mù, thời tiết xấu bị hạn chế tầm nhìn phải bật sáng đèn chiếu xa hoặc chiếu gần, đèn sương mù (nếu có), đèn chiếu hậu, đèn định vị. Phương tiện phải tắt đèn chiếu xa và bật đèn chiếu gần (tắt đèn pha) khi lưu thông qua các khu vực dân cư có hệ thống chiếu sáng, khi xe xin vượt chuẩn bị vượt, để không chói mắt người điều khiển phương tiện theo chiều ngược lại. Hiện nay dự thảo đang được Bộ Giao thông Vận tải lấy ý kiến người dân trước khi ban hành chính thức. Cơ quan này cũng cho biết hiện có 7/10 nước tại Đông Nam Á như Thái Lan, Indonesia, Malaysia... đã quy định xe bật đèn chiếu sáng phía trước khi lưu thông. |