Dự trữ ngoại hối nhà nước của Việt Nam đã tăng lên tới 40 tỉ đô la Mỹ, là mức cao kỷ lục từ trước đến nay, một nguồn tin có thầm quyền từ Ngân hàng Nhà nước (NHNN) tiết lộ hôm 24-3.
Dự trữ ngoại hối đạt mức 40 tỉ đô la Mỹ. Ảnh TL
Theo quan chức này, dự trữ ngoại hối tăng cao kỷ lục là kết quả của nhiều chính sách vĩ mô, trong đó đáng kể nhất là chính sách tiền tệ.
“Bằng nhiều giải pháp, cán cân thanh toán bắt đầu thặng dư cao từ năm 2012 và nối tiếp đến năm 2015. Nhờ đó, NHNN đã mua được lượng lớn ngoại tệ; dự trữ ngoại hối nhà nước đã đạt mức kỷ lục, đạt mức trên 35 tỉ đô la Mỹ trong năm 2015”, nguồn tin trên cho biết.
Ông bổ sung thêm: “Nếu tính cả các khoản khác như vàng, ngoại tệ của kho bạc nhà nước và tổ chức tín dụng gửi tại NHNN, quy mô dự trữ ngoại tệ đạt mức khoảng 40 tỉ đô la Mỹ”.
Trước đây, dự trữ ngoại tệ thâm hụt do nhập siêu và suy giảm lòng tin vào tiền đồng từng gây ra tâm lý lo lắng. Đến năm 2010 quy mô dự trữ ngoại hối nhà nước chỉ còn khoảng 9 tỉ đô la Mỹ.
Tại Hội nghị giữa Thủ tướng với doanh nghiệp ngày 28-4-2014, Thống đốc Nguyễn Văn Bình đã công bố số liệu dự trữ ngoại hối nhà nước đến tháng 4-2014 đạt trên 35 tỷ đô la.
Ngày 28-7-2015 Thống đốc Nguyễn Văn Bình công bố trong cuộc trao đổi với TBKTSG Online cho biết dự trữ ngoại hối là là 37 tỉ đô la Mỹ.
Nguyên Thống đốc Cao Sỹ Kiêm bình luận, dự trữ ngoại hối gia tăng bởi hàng loạt các giải pháp điều hành chính sách tiền tệ, tỷ giá và quản lý ngoại hối góp phần ổn định kinh tế vĩ mô, nâng cao giá trị đồng Việt Nam, hạn chế tình trạng đô la hóa và vàng hóa trong nền kinh tế, thanh khoản ngoại tệ toàn hệ thống từng bước cải thiện, lòng tin vào giá trị của đồng Việt Nam được củng cố, tình trạng đô la hóa giảm mạnh và các tổ chức tín dụng có xu hướng mua ròng ngoại tệ từ khách hàng và bán lại cho NHNN.
Bên cạnh đó, điểm nổi bật là mặc dù đã mua vào một lượng ngoại tệ khá lớn để bổ sung dự trữ ngoại hối, nhưng NHNN đã kịp thời sử dụng các biện pháp trung hòa để không gây áp lực lên lạm phát.
Đây là cách điều hành khác với năm 2008, khi quy mô dự trữ ngoại hối tăng là một trong những nguyên nhân làm tăng áp lực lạm phát do tăng cung tiền.
Theo quan chức của NHNN, quy mô dự trữ ngoại hối tăng lên đã góp phần nâng cao vị thế của Việt Nam trên thị trường quốc tế, thể hiện qua mức lãi suất phát hành trái phiếu trên thị trường quốc tế đã giảm mạnh từ 7,2% xuống chỉ còn 4,8% trong năm 2015, góp phần giảm chi phí vay nợ nước ngoài của Chính phủ.
Quy mô dự trữ ngoại hối tăng cũng sẽ làm tăng lòng tin của các nhà đầu tư vào điều hành vĩ mô của Việt Nam, nâng cao hiệu lực điều hành chính sách tiền tệ, đồng thời đảm bảo các nhiệm vụ an ninh, quốc phòng, hỗ trợ ngân sách nhà nước thực hiện các nhiệm vụ đột xuất, cấp bách đảm bảo sự an toàn của hệ thống kinh tế.