“Tôi vừa nhận tin từ doanh nghiệp. Họ tiếp tục điều chỉnh giá thức ăn chăn nuôi lên thêm 400 đồng/kg. Điều này đồng nghĩa, với đàn lợn đang nuôi, mỗi ngày tôi mất thêm 10 triệu đồng. Khoản lỗ theo đó ngày một nhiều hơn”.
Thức ăn chăn nuôi 11 lần tăng giá liên tiếp
Đó là chia sẻ của ông Nguyễn Công Bắc, chủ trang trại chăn nuôi lợn quy mô lớn ở Sơn La, sau khi hay tin giá thức ăn chăn nuôi tăng từ ngày 1/4.
Ông Bắc tâm sự, ông đã chăn nuôi lợn nhiều năm nay nhưng chưa bao giờ bị dồn vào thế khó như hiện tại. Giá thức ăn chăn nuôi tính đến nay đã tăng 11 lần liên tiếp. Còn tính từ cuối tháng 2 đến đầu tháng 4 này, giá cám 3 lần điều chỉnh tăng. Theo đó, cứ khoảng nửa tháng doanh nghiệp cung cấp thức ăn chăn nuôi (TĂCN) báo tăng giá một lần.
Cộng dồn mức tăng dịp này đã lên tới hơn 1.000 đồng/kg. Trung bình một con lợn ăn hết 1,7-1,8 kg cám/ngày, tức cả trang trại lợn của ông tiêu thụ hết 20-25 tấn cám/ngày. Nếu chỉ tính phần giá tăng dịp này thì một tháng ông mất thêm 600-750 triệu đồng. Giá thành chăn nuôi lợn như vậy tăng lên đáng kể.
Giá thức ăn chăn nuôi được điều chỉnh tăng lần thứ 11
Nhưng buồn thay, giá lợn không những theo chiều hướng giảm mà còn có phần ế ẩm khó bán. “Cách đây một tuần, tôi xuất bán lợn hơi với giá 53.000 đồng/kg đã phải chịu lỗ. Nay giá lợn giảm còn 50.000-51.000 đồng/kg, tôi lỗ 5.000 đồng/kg lợn hơi khi xuất chuồng”, ông Bắc buồn rầu nói.
Tính toán của ông Bắc, giá thịt lợn hơi giảm, giá thành lại xu hướng tăng cao, nên cứ xuất bán 1 con lợn ông chịu lỗ khoảng 600.000 đồng. Đây mức lỗ khi trang trại của ông tự túc được con giống. Còn những hộ chăn nuôi phải mua cả con giống lợn thì dịp này gánh lỗ 1 triệu đồng/con lợn khi xuất chuồng.
Tại huyện Thống Nhất (Đồng Nai), ông Nguyễn Văn Tùng cảm thấy kiệt sức vì càng nuôi nhiều càng lỗ nặng.
“Mỗi tháng tôi xuất chuồng trên dưới 600 con lợn thịt thương phẩm. Với giá cám tăng như hiện nay, tôi chịu lỗ gần 500 triệu đồng”, ông than thở.
Ghi nhận của PV. VietNamNet, những ngày cuối tháng 3 vừa qua, nhiều doanh nghiệp tiếp tục thông báo giá TĂCN sẽ điều chỉnh tăng và bắt đầu có hiệu lực từ ngày 1/4.
Cụ thể, Japfa Comfeed Việt Nam khu vực Miền Nam thông báo tăng giá tất cả các sản phẩm TĂCN thêm 400 đồng/kg. Cj Vina Agri và Công ty CP MNS Feed (hệ thống Proconco và Anco) cũng điều chỉnh giá tăng từ 300-400 đồng/kg tuỳ loại.
Tương tự, GreenFeed Việt Nam thông báo tăng giá với tất cả các sản phẩm thức ăn cho gia súc, gia cầm và bò, mức tăng từ 300-400 đồng/kg. Việc tăng giá áp dụng cho khách hàng thuộc BU Long An... Công ty TNHH TĂCN Việt Trung cũng thông báo điều chỉnh tăng giá các sản phẩm thức ăn đậm đặc thêm 500 đồng/kg, các sản phẩm thức ăn hỗn hợp tăng 400 đồng/kg.
C.P Việt Nam cũng thông báo, từ ngày 4/4 điều chỉnh giá bán các sản phẩm chăn nuôi cá với mức tăng 400 đồng/kg đối với nhiều nhãn thức ăn.
Nguyên nhân đẩy mặt hàng TĂCN tăng giá được các doanh nghiệp đưa ra là do nguyên liệu sản xuất thời gian qua tăng cao.
Đáng nói, dịp giữa tháng 3 vừa qua, các DN đã đồng loạt điều chỉnh giá TĂCN 300-400 đồng/kg tuỳ loại. Thậm chí có những sản phẩm được điều chỉnh tăng thêm 3.000-4.000 đồng/kg.
Còn nếu tính từ cuối năm 2020 đến nay, thì lần điều chỉnh giá ngay đầu tháng 4 này đã là đợt tăng giá thứ 11 liên tiếp.
Người chăn nuôi lợn đang dần đuối sức khi giá thắc ăn chăn nuôi tăng quá cao.
Càng nuôi càng lỗ
Ông Dương Tất Thắng - Cục trưởng Cục Chăn nuôi (Bộ NN-PTNT) cho biết, chi phí TĂCN chiếm 65-70% giá thành sản xuất lợn hơi. Từ năm 2021 đến nay, giá nguyên liệu TĂCN liên tục tăng, đẩy giá TĂCN thành phẩm tăng thêm 18-22%.
Thế nên, dù giá lợn giống đã hạ xuống khá hợp lý, từ 2,6 triệu giảm còn 1,2 triệu đồng/con nhưng việc tăng chi phí TĂCN khiến lợi nhuận người chăn nuôi lợn giảm mạnh, có những hộ và trang trại chăn nuôi thua lỗ.
Báo cáo của Cục Chăn nuôi cũng chỉ rõ, nguyên nhân của việc liên tiếp tăng giá bán là do nguyên liệu tăng mạnh do ảnh hưởng của dịch bệnh Covid-19 và mới đây là căng thẳng Nga -Ukraine làm thiếu hụt nguồn cung.
Theo đó, tháng 3 năm nay, giá ngô hạt ở mức 10.200 đồng/kg, tăng 29,3% so với cùng kỳ năm ngoái; khô dầu đậu tương 16.500 đồng/kg, tăng 33,4%; bã ngô 10.300 đồng/kg, tăng 23,1%, lúa mì 9.850 đồng/kg (tăng 49,5%). Còn so với cùng kỳ năm 2019, một số nguyên liệu giá tăng gần gấp đôi.
Giá chào hàng nguyên liệu nhập khẩu về Việt Nam giao hàng sau tháng 8 với ngô khoảng 11.000 đồng/kg, khô dầu đậu tương trên 17.000 đồng/kg.
Dự báo của Cục Chăn nuôi, mức cao sẽ duy trì và còn tăng đến hết năm 2022 do Việt Nam phụ thuộc rất lớn vào nguồn nguyên liệu sản xuất TĂCN nhập khẩu.
Theo thống kê, ngành chăn nuôi và nuôi trồng thuỷ sản cần trên 33 triệu tấn nguyên liệu thức ăn tinh để phục vụ sản xuất TĂCN công nghiệp trong năm 2021, con số này được dự báo tiếp tục tăng lên trong năm 2022. Song, nguồn cung nội địa chỉ được 13 triệu tấn, chiếm khoảng 40%. Khoảng 22,3 triệu tấn còn lại từ nguồn nhập khẩu, giá trị lên tới 9,07 tỷ USD.
Trước đà tăng giá phi mã của giá nguyên liệu sản xuất TĂCN nhập khẩu, rất nhiều giải pháp được đưa ra như giảm thuế nhập khẩu, giảm thuế thu nhập doanh nghiệp... Thậm chí, Thứ trưởng NN-PTNT Phùng Đức Tiếp còn kêu gọi các DN sản xuất TĂCN luôn có sẵn nguồn hàng nhập khẩu từ trước đó thì đừng vội tăng giá, phải chia sẻ gánh nặng này với người nông dân.
Cùng với đó khuyến nghị điều chỉnh cơ cấu vật nuôi theo hướng tăng chăn nuôi gia súc ăn cỏ, giảm chăn nuôi lợn, gia cầm nhằm tận dụng các loại phụ phẩm trồng trọt, ngô sinh khối, cỏ, giảm tiêu thụ ngô, khô dầu các loại nhập khẩu.