Với đặc trưng là tỉnh thuần nông, trong khuôn khổ thực hiện Cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam” (CVĐ), Sở Công Thương tỉnh Thái Bình luôn ưu tiên tổ chức các phiên chợ đưa hàng Việt về nông thôn. Sự thành công của các chương trình này đã giúp người dân tiếp cận nhanh chóng và dễ dàng với hàng Việt, từ đó ưu tiên sử dụng hàng sản xuất trong nước.
Phiên chợ đưa hàng Việt về nông thôn Quỳnh Phụ thu hút đông người tiêu dùng đến thăm quan, mua sắm
Hưởng ứng CVĐ, đầu tháng 6 vừa qua, Sở Công Thương tỉnh Thái Bình đã tổ chức phiên chợ đưa hàng Việt về nông thôn huyện Quỳnh Phụ. Chương trình có quy mô 30 gian hàng với sự tham gia của 21 doanh nghiệp (DN) trong tỉnh như Công ty CP Thủy sản Thương mại Diêm Điền, Công ty Dầu cá châu Á, Công ty TNHH Thương mại tổng hợp Đổng Thúy... Nhiều mặt hàng thiết yếu đã được mang đến phiên chợ như hàng điện tử, điện máy; hàng nông - lâm - thủy sản, lương thực, thực phẩm chế biến; hàng may mặc, thời trang; hàng tiêu dùng, hàng gia dụng, hóa mỹ phẩm... Chỉ sau 3 ngày diễn ra phiên chợ, các mặt hàng đã được tiêu thụ hết với doanh số lên đến vài trăm triệu đồng.
Thành công của phiên chợ đưa hàng Việt về nông thôn huyện Quỳnh Phụ cho thấy, người dân khu vực nông thôn tỉnh Thái Bình có nhu cầu rất lớn về các sản phẩm hàng Việt Nam. Do đó, đưa hàng Việt về nông thôn là một trong những hoạt động chính của CVĐ khi triển khai trên địa bàn tỉnh Thái Bình. Hiện, trung bình mỗi năm, Sở Công Thương tỉnh Thái Bình tổ chức từ 3 - 4 đợt đưa hàng Việt về nông thôn với doanh số đạt được rất khả quan.
Ông Phạm Văn Hợp - Giám đốc Trung tâm Xúc tiến thương mại Thái Bình - cho biết: Dù quy mô của chương trình còn nhỏ, thời gian ngắn (chỉ kéo dài 3 ngày), nhưng đã thu hút được rất đông người tiêu dùng tham gia. Con số doanh thu và mức độ quan tâm của người tiêu dùng cho thấy, nhận thức của người dân về ưu tiên sử dụng hàng của các DN trong nước ngày càng cao.
Không chỉ là các chuyến bán hàng đơn thuần phục vụ người tiêu dùng, các DN tham gia phiên chợ đã sử dụng hiệu quả các chuyến hàng để quảng bá cho sản phẩm của mình. Đơn cử như Công ty TNHH May Hưng Nhân đã giảm giá sản phẩm từ 40 - 50% để thu hút người dân đến mua sắm. Nhờ đó, chỉ tính riêng phiên chợ đưa hàng Việt về xã An Dục (huyện Quỳnh Phụ), công ty đã bán được hàng trăm sản phẩm, doanh thu đạt khoảng trên 30 triệu đồng. Công ty cũng không giấu tham vọng sẽ gửi hàng về đại lý tại các khu chợ hoặc xa hơn là xây dựng những đại lý phân phối ở sâu hơn các khu vực dân cư nông thôn.
Cũng tham gia phiên chợ với mục đích quảng bá sản phẩm, đại diện siêu thị điện máy HC có chi nhánh tại Thái Bình cho biết, mục đích chính của HC khi tham gia các chương trình đưa hàng Việt về nông thôn không chỉ là bán được nhiều sản phẩm trực tiếp tại địa phương - nơi tổ chức chương trình - mà chủ yếu nhằm quảng bá thương hiệu và giới thiệu với khách hàng khu vực nông thôn những điểm ưu việt khi mua sản phẩm như: Chế độ bảo hành, chế độ chăm sóc khách hàng, miễn phí vận chuyển sản phẩm, phân phối bán hàng trả góp… Song song với đó, HC cũng tích cực đưa đến hội chợ những sản phẩm chất lượng, phù hợp với thu nhập của người dân để giới thiệu sản phẩm. HC kỳ vọng, thời gian tới sẽ thu hút được số lượng lớn khách hàng khu vực nông thôn tìm đến siêu thị của mình.
Trong bối cảnh hàng Việt Nam đang phải cạnh tranh rất gay gắt với hàng nước ngoài và nông thôn không còn là “miền đất hứa” của riêng hàng Việt, thì những chuyến đưa hàng về nông thôn có ý nghĩa quan trọng. Trong kế hoạch triển khai CVĐ, đây là một trong những hoạt động rất thiết thực sẽ được Thái Bình thường xuyên tổ chức. |