Nằm ở phía Tây Bắc của Tổ quốc với hơn 265km đường biên giáp với Trung Quốc, Lai Châu có vị trí chiến lược quan trọng về bảo đảm quốc phòng an ninh và bảo vệ vững chắc chủ quyền biên giới quốc gia. Bên cạnh đó, Lai Châu có diện tích tự nhiên rộng lớn, khí hậu ôn hòa, hệ thống thảm thực vật phong phú, nguồn tài nguyên thiên nhiên đa dạng với nhiều loại khoáng sản quý hiếm có giá trị kinh tế cao, đồng thời có nguồn sinh thủy dồi dào… Đó là những tiềm năng nổi bật để Lai Châu có thể kết nối, đồng hành với nhà đầu tư trong phát triển kinh tế xã hội, đặc biệt là lĩnh vực nông - lâm nghiệp, thủy điện vừa và nhỏ, thương mại và du lịch…
Những nỗ lực thu hút đầu tư
Để khuyến khích, huy động nguồn vốn doanh nghiệp và nhân dân đầu tư vào địa bàn, ngay từ khi chia tách, thành lập (01/01/2004), tỉnh đã có chủ trương ban hành và áp dụng hệ thống cơ chế, chính sách thông thoáng để kêu gọi và sẵn sàng tạo mọi điều kiện cho các nhà đầu tư trong và ngoài nước lựa chọn các hình thức đầu tư phù hợp đến hợp tác và thực hiện dự án trên địa bàn tỉnh. Đặc biệt, tỉnh đã ban hành nhiều chính sách ưu đãi, hỗ trợ đầu tư và danh mục dự án kêu gọi thu hút đầu tư như: Quyết định số 02/2004/QĐ-UBND ngày 10/3/2004 về việc Ban hành Quy chế quản lý và chính sách ưu đãi đối với Khu Kinh tế cửa khẩu (KTCK) Ma Lù Thàng; QĐ12/2008 của UBND tỉnh ban hành chính sách ưu đãi khuyến khích đầu tư trên địa bàn tỉnh; Quyết định số 08/2013/QĐ-UBND ngày 03/6/2013 của UBND tỉnh về việc Ban hành quy định về chính sách ưu đãi, hỗ trợ đầu tư, trình tự, thủ tục thực hiện ưu đãi, hỗ trợ đầu tư trên địa bàn tỉnh Lai Châu; Quyết định 1003/QĐ-UBND ngày 03/8/2010 và 315/QĐ-UBND ngày 29/3/2012 về việc phê duyệt danh mục các dự án kêu gọi thu hút đầu tư trên địa bàn tỉnh Lai Châu; Các chính sách hỗ trợ các nhà đầu tư và doanh nghiệp tham gia trồng rừng; QĐ441 của UBND tỉnh về việc ban hành tạm thời chính sách hỗ trợ đầu tư và cơ chế quản lý vùng nguyên liệu chè tập trung trên địa bàn tỉnh…Tỉnh Lai Châu cũng thường xuyên rà soát, sửa đổi, bổ sung cơ chế, chính sách ưu đãi, hỗ trợ đầu tư cho phù hợp với tình hình thực tế ở từng thời điểm cụ thể của địa phương.
Ngoài các chính sách, chế độ ưu đãi được hưởng theo pháp luật, các doanh nghiệp, nhà đầu tư khi đầu tư vào Lai Châu còn được hưởng chính sách ưu đãi về thuế, đất đai, bảo lãnh tín dụng,…. Để giúp các doanh nghiệp tìm hiểu thông tin và có sự lựa chọn đầu tư phù hợp, tỉnh đã thành lập các trung tâm như: Trung tâm Tư vấn và Xúc tiến đầu tư, Trung tâm Khuyến công và xúc tiến thương mại, Trung tâm Thông tin và Xúc tiến du lịch để thực hiện công tác tư vấn, hỗ trợ cho nhà đầu tư trong quá trình tìm hiểu, lựa chọn, xây dựng phương án triển khai dự án.
Với các chính sách ưu đãi, hỗ trợ đầu tư của tỉnh cũng như của Trung ương, phù hợp với các quy hoạch đã được phê duyệt, trong những năm qua, công tác thu hút đầu tư của Lai Châu đã đạt được nhiều thành tựu đáng kể. Tính từ ngày 01/01/2004 đến nay, tỉnh đã cấp Giấy chứng nhận đầu tư cho 120 dự án (tập trung chủ yếu vào lĩnh vực công nghiệp – xây dựng và thương mại – dịch vụ) của các nhà đầu tư trong và ngoài nước với tổng số vốn đăng ký đạt trên 89 nghìn tỉ đồng. Trong đó có 5 dự án có vốn đầu tư nước ngoài với tổng vốn đầu tư trên 99 tỉ đồng. Riêng trong năm 2014, tỉnh Lai Châu đã cấp Giấy chứng nhận đầu tư cho 9 dự án với tổng vốn đăng ký trên 5.300 tỉ đồng. Cũng trong 11 năm qua, đã có 975 doanh nghiệp được cấp Giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp với tổng vốn đăng ký 10.011.953 tỉ đồng, trong đó, doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực Công nghiệp – xây dựng chiếm tới 72%. Năm 2014, có 85 doanh nghiệp cùng 21 Chi nhánh và Văn phòng đại diện được Giấy chứng nhận đăng ký hoạt động, đồng thời hỗ trợ thay đổi nội dung đăng ký kinh doanh cho 338 doanh nghiệp trên địa bàn.
Định hướng đầu tư có trọng điểm
Việc ban hành cơ chế, chính sách thu hút đầu tư kịp thời cùng với sự vào cuộc quyết liệt của toàn bộ hệ thống chính trị từ tỉnh đến cơ sở trong công cuộc cải cách thủ tục hành chính đã giúp cho môi trường đầu tư của địa phương được cải thiện theo hướng tích cực. Mức độ hài lòng của nhà đầu tư và doanh nghiệp đối với cơ quan hành chính nhà nước ngày càng được nâng lên. Đặc biệt là trách hiệm của đội ngũ công chức thực hiện công vụ được nâng cao, qua đó đã đẩy mạnh được hoạt động xúc tiến đầu tư, huy động được nhiều nguồn vốn vào địa bàn, góp phần tích cực vào sự nghiệp phát triển kinh tế - xã hội của địa phương.
Để phát huy tốt hơn nữa những thành quả đã đạt được, hướng đến nền kinh tế phát triển bền vững, ổn định, tỉnh Lai Châu xác định cần tập trung thu hút đầu tư vào những lĩnh vực trọng yếu, khai thác tối đa tiềm năng, thế mạnh của địa phương như nông - lâm nghiệp và du lịch - dịch vụ. Đối với lĩnh vực nông - lâm nghiệp, tỉnh sẽ tích cực kêu gọi đầu tư xây dựng và phát triển các vùng cây trồng tập trung có giá trị kinh tế cao, tạo nguồn nguyên liệu ổn định cho các cơ sở công nghiệp chế biến như: cao su, dược liệu, hoa, cây ăn quả… và phát triển vùng chè nguyên liệu gắn với chế biến chè chất lượng cao. Về lĩnh vực du lịch – dịch vụ, sẽ tập trung xây dựng khu du lịch đỉnh đèo Hoàng Liên Sơn, du lịch sinh thái trong khu vực lòng hồ của các thủy điện gắn với các đô thị như Nậm Tăm, Nậm Hàng, Cao nguyên Sìn Hồ, các khu du lịch Vàng Pó, Pú Đao…; khai thác có hiệu quả các điểm du lịch như động Tiên Sơn, động Pu Sam Cáp…. Liên kết với các địa phương trong vùng như Điện Biên, Sơn La, Lào Cai, Yên Bái... nhằm khai thác tối đa tiềm năng, lợi thế sẵn có về du lịch của vùng, chú trọng thu hút, quảng bá tới khách du lịch quốc tế thông qua các cửa khẩu và các hội chợ, hội nghị, diễn đàn xúc tiến đầu tư, du lịch và thương mại. Tiếp tục phát triển các trung tâm thương mại; đầu tư mới, nâng cấp các chợ trung tâm; đầu tư xây dựng đồng bộ Khu KTCK quốc gia Ma Lù Thàng, cửa khẩu phụ U Ma Tu Khoòng để tạo điều kiện thuận lợi cho hoạt động giao thương, trao đổi hàng hóa dịch vụ của nhân dân Việt Nam với nhân dân của tỉnh Vân Nam (Trung Quốc), nhằm đẩy mạnh hoạt động phát triển kinh tế - xã hội khu vực biên giới. Bên cạnh đó, để khai thác nguồn tài nguyên khác sản dồi dào như đá vôi, đất hiếm và khai thác tốt mạng lưới sông suối dày, độc dốc lớn, trước mắt, tỉnh sẽ ưu tiên thu hút đầu tư phát triển ngành công nghiệp khai khoáng, sản xuất vật liệu xây dựng và phát triển thủy điện vừa và nhỏ.
Với phương châm “Các doanh nghiệp đầu tư ở Lai Châu là công dân của Lai Châu, thành công của doanh nghiệp cũng chính là thành công của tỉnh”, lãnh đạo tỉnh cam kết luôn quyết liệt trong chỉ đạo, điều hành đồng thời linh hoạt vận dụng các chính sách Nhà nước phù hợp với thực tiễn của địa phương nhằm tạo điều kiện thuận lợi nhất cho nhà đầu tư. Tỉnh cũng như chính quyền các cấp, các ngành sẽ luôn sát cánh, hỗ trợ, tháo gỡ khó khăn cho các doanh nghiệp và các nhà đầu tư trong hoạt động sản xuất, đầu tư, kinh doanh, đưa Lai Châu trở thành điểm đến lý tưởng, hấp dẫn cho nhiều nhà đầu tư trong và ngoài nước. Bằng chính sách hỗ trợ đầu tư hợp lý, định hướng thu hút đầu tư rõ ràng, tin tưởng rằng, năm 2015 tỉnh Lai Châu sẽ có nhiều hoạt động trong công tác xúc tiến đầu tư cùng nhiều thành tựu mới với những điểm đột phá, góp phần tích cực vào công cuộc xóa đói, giảm nghèo, tạo việc làm cho nhân dân cũng như sự nghiệp phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh.
Nguyễn Công Biên
Phó Giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư tỉnh Lai Châu