Cuộc đua tăng lãi suất huy động vẫn chưa kết thúc. Phải chăng đây là động thái gây sức ép của các ngân hàng lên Ngân hàng nhà nước?
Lãi suất tăng do Thông tư 36?
Tuần qua, trên thị trường lại xuất hiện thêm một số ngân hàng điều chỉnh lãi suất huy động. Theo đó, biểu lãi suất huy động ở kỳ hạn dài trên thị trường đã lên tới 8,4%/năm, số ngân hàng áp dụng lãi suất trên 8%/năm không còn hiếm, đơn cử như Eximbank, OCB, Viet A Bank…
Thoạt nhìn, lãi suất huy động tăng mạnh như hiện nay là khá bất thường, bởi tín dụng hai tháng đầu năm giảm, trong khi huy động vốn lại tăng khá cao so với cùng kỳ. Cụ thể, tính đến ngày 20/2, tiền gửi khách hàng tăng 0,34% so với cuối năm 2015 (cùng kỳ chỉ tăng 0,05%), tín dụng tăng 0,39% (cùng kỳ tăng 0,96%).
Số ngân hàng áp dụng lãi suất huy động trên 8%/năm không còn hiếm. Ảnh: Đức Thanh
Thế nhưng, theo lãnh đạo nhiều ngân hàng, lãi suất huy động trên thị trường chủ yếu tăng ở kỳ hạn trên 6 tháng, là do ngân hàng cơ cấu lại kỳ hạn, khuyến khích người dân gửi tiền kỳ hạn dài. Nguyên nhân là 80-90% tiền gửi ngân hàng vẫn là kỳ hạn ngắn, trong khi tín dụng cho vay trung, dài hạn đang tăng nhanh.
Ông Nguyễn Hoàng Minh, Phó giám đốc Ngân hàng Nhà nước (NHNN) chi nhánh TP.HCM cho hay, năm 2015, tỷ lệ cho vay ngắn hạn và cho vay trung, dài hạn của các ngân hàng là 44% - 56% (vay trung, dài hạn chiếm 56%) trong khi năm trước đó, tỷ lệ này vẫn là 50:50.
Mặt khác, theo phân tích của nhiều chuyên gia, việc NHNN sắp sửa đổi Thông tư 36/2014/TT-NHNN (Thông tư 36) theo hướng giảm tỷ lệ sử dụng vốn huy động ngắn hạn cho vay trung, dài hạn từ 60% xuống 40% khiến các ngân hàng chạy đôn chạy đáo huy động vốn kỳ hạn dài để có nguồn tiếp tục cho vay trung, dài hạn. Đây là giải thích này có vẻ hợp lý. Trên thực tế, những ngân hàng chạy đua lãi suất thường là những ngân hàng nhỏ, vốn có tỷ lệ lấy vốn ngắn hạn cho vay trung dài hạn ở mức cao.
Trả lời câu hỏi của phóng viên Báo Đầu tư, ông Quách Hùng Hiệp, Phó tổng giám đốc Ngân hàng BIDV phủ nhận nhận định trên. Ông Hiệp cho rằng, việc sửa đổi Thông tư 36 không phải là nguyên nhân chính khiến lãi suất huy động tăng.
Mặc dù vậy, nhận định mới được Công ty Chứng khoán Bảo Việt (BVSC) đưa ra lại cho rằng, lãi suất huy động tăng là do tác động của Thông tư 36.
Không chỉ tăng lãi suất huy động kỳ hạn dài để đề phòng sửa đổi Thông tư 36, có ý kiến còn cho rằng, ngân hàng tăng lãi suất còn nhằm gây sức ép với NHNN trong việc sửa đổi thông tư này theo hướng giảm bớt bất lợi hơn cho các ngân hàng.
Không để lãi vay dâng cao lại
Dù mức lãi suất huy động 7,5 - 8%/năm chỉ được áp dụng với những kỳ hạn dài (2-3 năm) và cũng chỉ áp dụng đối với số ít khách VIP, nhưng biểu lãi suất mới liên tiêp được ngân hàng điều chỉnh đã gây cảm giác lo lắng cho những người đi vay, nhất là khối doanh nghiệp sản xuất, kinh doanh.
Theo quan sát của Báo Đầu tư, hiện lãi suất cho vay tiêu dùng, vay cá nhân đã có biểu hiện nhích lên. Trong khi đó, lãi suất cho vay với doanh nghiệp, nhất là lãi vay với 5 lĩnh vực ưu tiên vẫn được giữ nguyên. Dù vậy, với mặt bằng lãi suất đầu vào nhích lên, không loại trừ nguy cơ lãi vay trung, dài hạn cũng sẽ tăng trong những tháng tới.
Liên quan đến vấn đề này, ông Nguyễn Đình Tùng, Tổng giám đốc Ngân hàng OCB cho rằng, dù lãi suất huy động tăng, song thời gian qua các ngân hàng đã tiết giảm chi phí hoạt động tới 60% so với trước, chi phí dự phòng rủi ro giảm nhiều (do nợ xấu giảm), nên dù lãi suất huy động tăng, lãi suất cho vay vẫn chưa tăng.
“Các ngân hàng cạnh tranh rất cao để có thể cho doanh nghiệp vay. Vì vậy, các ngân hàng sẽ tập trung vào kiểm soát rủi ro và chi phí hoạt động để giữ ổn định lãi suất cho vay”, ông Tùng khẳng định.
Trong khi đó, ông Bùi Quốc Dũng, Vụ trưởng Vụ Chính sách tiền tệ, NHNN cũng cho rằng, áp lực đối với lãi suất trong năm 2016 là rất lớn. Dù vậy, mục tiêu ổn định mặt bằng lãi suất trung và dài hạn trong năm 2016 vẫn khả thi.
Cũng liên quan đến lãi suất, gần đây, Chính phủ phát hành trái phiếu (TPCP) không chỉ để bù đắp thâm hụt ngân sách hàng năm, mà còn để đảo nợ. Điều này đang tạo sức ép khiến lãi suất tăng. Dù vậy, ông Dũng khẳng định, dự thảo sửa đổi Thông tư 36 có một số quy định làm giảm áp lực lên lãi suất TPCP như: nới tỷ lệ tối đa nắm giữ TPCP đối với các chi nhánh ngân hàng nước ngoài từ 15% lên 35% hay NHNN có thể sẽ mua nhiều TPCP hơn để giảm áp lực lên lãi suất khi cần thiết.
Theo Thùy Liên / baodautu.vn