Thông tin giá trị thương hiệu Việt Nam chỉ được xếp hạng trên Campuchia trong khối ASEAN được công bố hôm qua khiến nhiều người ngỡ ngàng. Nhiều suy luận vội vã đã cho rằng thương hiệu Việt “mất giá”, chỉ hơn Campuchia có nghĩa không bằng nổi Lào!? Thực tế không phải vậy…
Trong bảng xếp hạng nội khối ASEAN, thứ hạng giá trị thương hiệu của Việt Nam không hề thay đổi trong 2 năm qua. Vị trí đó có thể nói là thứ 2 từ dưới lên (trong BXH), nhưng chính xác hơn, là thứ 6, từ trên xuống, trong tổng số 11 quốc gia ASEAN.
Vì sao vậy?
Nhận định giá trị thương hiệu Việt Nam chỉ xếp trên Campuchia được đưa ra do danh sách của Brand Finance chỉ xếp hạng 100 thương hiệu quốc gia có giá nhất.
Điều đó có nghĩa là rất nhiều nước có giá trị thương hiệu thấp hơn trong khối như Myanmar, Lào và Brunei không được đưa vào bảng xếp hạng.
Đại diện Brand Finance, ông Samir Dixit, Giám đốc vùng Châu Á Thái Bình Dương trong bài trình bày của mình về xếp hạng thương hiệu quốc gia các nước cũng nói rất rõ điều này.
Xét trên bình diện rộng hơn, năm 2014, thương hiệu quốc gia của Việt Nam được định giá 172 tỷ USD, xếp hạng 42/100 thương hiệu quốc gia.
Với thứ hạng này, Việt Nam được xếp trên rất nhiều quốc gia, bao gồm Colombia, Rumani, Bangladesh và thậm chí bỏ xa Israel – đất nước được mệnh danh là “quốc gia khởi nghiệp” vài bậc.
Một phần của bảng xếp hạng thương hiệu quốc gia (National Brand) 2014 của Brand Finance.
Tin buồn là trong năm 2015, với việc suy giảm giá trị thương hiệu 19%, chỉ còn 140 tỷ USD, chỉ nhỉnh hơn một chút so với giá trị thương hiệu của “quả táo cắn dở” Apple, thứ hạng của Việt Nam đã bị cả 4 nước nói trên vượt qua.
Một trong những yếu tố làm sụt giảm giá trị thương hiệu của Việt Nam là du lịch. Điểm số của Việt Nam trong lĩnh vực này đã tụt mất 2 điểm, kéo chỉ số sức mạnh thương hiệu của Việt Nam đi xuống.
Trong khi đó, những yếu tố gợi nhớ đến Việt Nam là những hình ảnh… “không đến nỗi tệ, nhưng chỉ liên quan đến ăn uống và du lịch”, như phở, áo dài, vịnh Hạ Long…
“Nhưng liệu chúng ta có thể tự hào về du lịch Việt Nam hay chưa? Câu trả lời có lẽ là chưa”, ông Samir lắc đầu.
Cách quảng bá hình ảnh Việt Nam hiện tại lại không mang tính đồng nhất, có rất nhiều “Việt Nam” trên Google.
“Không ai biết logo của Việt Nam đại diện cho cái gì. Đôi khi logo của các bạn là Vẻ đẹp tiềm ẩn, khi là Sự khác biệt Á Đông, khi là nụ cười thiếu nữ, lúc là bông sen, khi hình chữ S…”.
“Những logo này có thể rất mới, có thể rất lâu đời. Điều tôi muốn nói là Việt Nam có nhiều logo quá, khiến người ta lẫn lộn. Tôi không chê đẹp hay xấu, nhưng chúng ta không cần có nhiều thứ, mà cần gọt giũa và chỉ dùng một số hình ảnh đại diện. Điều này sẽ mang lại hình ảnh nhất quán hơn cho người nước ngoài khi nghĩ đến Việt Nam”, ông Samir khuyên nhủ.
(Còn nữa)
(Theo Trí Thức Trẻ)