Covid-19 bùng phát mạnh đã tạo ra “cơn khát” gạo ở nhiều quốc gia trên thế giới và đây là cơ hội rất lớn cho Việt Nam cũng như một số quốc gia sản xuất lúa gạo khác gia tăng xuất khẩu. Tuy nhiên, việc hạn chế quyền được bán gạo đã đẩy phần lớn doanh nghiệp gặp muôn vàn khó khăn.
Gạo đang được chuyển vô kho tại chợ đầu mối lương thực Bà Đắc (Tiền Giang). Ảnh: Thảo Nguyễn.
Yếu tố thể hiện rõ nhất nhu cầu gạo của các nước trên thế giới tăng cao trong bối cảnh dịch Covid-19 bùng phát, đó là khi Việt Nam “tuyên bố” tạm ngưng xuất khẩu gạo, nhiều đối tác nhập khẩu như: Philippines, Úc và Hồng Kông…, đã lên tiếng và khẳng định Việt Nam là đối tác cung cấp gạo rất quan trọng đối với họ.
Chẳng hạn, Bộ trưởng Bộ Tài chính của Philippines trong cuộc trao đổi với Bộ Công Thương đã khẳng định Việt Nam là nhà cung cấp gạo rất quan trọng đối với quốc gia này và cho rằng trong bối cảnh Philippines bị ảnh hưởng của Covid-19, thì bất kỳ sự gián đoạn nào trong chuỗi cung lương thực cũng có thể làm nước này rối loạn, thậm chí gây bất ổn xã hội.
Nhu cầu gia tăng từ các nước nhập khẩu vốn là cơ hội rất cho các doanh nghiệp xuất khẩu gạo Việt Nam. Thế nhưng, trên thực tế, ít nhất đến thời điểm này, cơ hội gia tăng xuất khẩu gạo đó đã bị mất vì thời gian tạm dừng khá dài, thậm chí khi có quyết định cho xuất khẩu 400.000 tấn trong tháng 4-2020, thì câu chuyện vẫn còn “rối như tơ vò”.
“Đứt gãy” chuỗi giá trị, doanh nghiệp bên bờ vực phá sản
Từ những bất cập trong việc tham mưu rồi ra quyết định điều hành xuất khẩu gạo như diễn biến trên thực tế trong thời gian qua đã tạo ra muôn vàn khó khăn cho doanh nghiệp.
Ông Nguyễn Quang Hòa, Giám đốc Công ty TNHH Dương Vũ, nhấn mạnh: “Nếu kéo dài cơ chế xuất khẩu như hiện nay, thì chuỗi ngành gạo sẽ sụp đổ hết. Bởi, việc xuất khẩu gạo này là công việc đòi hỏi có sự vận hành nhịp nhàng từ người sản xuất, đến chế biến, logistics và cả khách hàng”.
Là đơn vị liên kết tạo chuỗi giá trị sản xuất lúa nếp với người nông dân ở tỉnh Long An được khoảng 13 năm qua, ông Hòa cho rằng, nếp là phân khúc sản phẩm không nằm trong chiến lược an ninh lương thực quốc gia, mà chủ yếu được sản xuất để đáp ứng cho nhu cầu xuất khẩu.
“Chính vì vậy, việc bế tắc đầu ra như thời gian qua đã khiến chuỗi giá trị sản xuất của chúng tôi cũng gần như đứt gãy hoàn toàn”, ông cho biết.
Ông Hòa còn nói rằng người nông dân đang đứng trước tình thế “tiến thoái lưỡng nan”. Bởi, ruộng đang sản xuất lúa nếp nếu chuyển sang lúa thường, thì bị lẫn tạp, gạo không bán được, trong khi nếu tiếp tục duy trì thì không có đầu ra.
Chưa dừng lại ở đó, ông Hòa của Dương Vũ cho biết, có khoảng 400 công nhân của đơn vị này lẽ ra đang vận hành “trơn tru” chuỗi hoạt động sản xuất để tạo ra sản phẩm theo tiêu chuẩn của nhà nhập khẩu, thì hiện cũng gần như phải đình trệ. “Đây là những thiệt hại không phải tính bằng tiền, mà nó làm sụp đổ luôn cả chuỗi giá trị đã xây dựng 13 năm nay”, ông nhấn mạnh.
Trong khi đó, với 500 container, tương đương khoảng 12.500 tấn hàng đang tồn kho ngoài cảng, ông Hòa cho biết, doanh nghiệp đang gánh một khoản chi phí phát sinh rất lớn, lên đến 350 triệu đồng/ngày. “Tất cả sản phẩm đã được đóng container, kẹp chì và đã làm xong thủ tục khử trùng, kiểm dịch thực vật, nhưng do quyết định dừng đột ngột khiến chúng tôi không kịp trở tay”, ông cho biết.
Là một trong những doanh nghiệp kinh doanh gạo hàng đầu của Việt Nam, ông Phạm Thái Bình, Giám đốc Công ty cổ phần nông nghiệp công nghệ cao Trung An (Cần Thơ) liên tục từ ngày 13 đến 16-4 đã có ba văn bản “kêu cứu” đến Thủ tướng Chính phủ và các Bộ, ngành liên quan về những bất cập xung quanh điều hành xuất khẩu gạo.
Theo ông Bình, từ sau khi có quyết định dừng xuất khẩu gạo đột ngột đã khiến khoảng 300.000 tấn gạo của cộng đồng doanh nghiệp phải chịu “mắc kẹt” tại các cảng. Mỗi ngày nằm chờ, doanh nghiệp phải chịu mất thêm khoảng 50 tỉ đồng. “Trước đó, từ ngày 24-3-2020 đến ngày 11-4-2020, ngành gạo bị thiệt hại khoảng 600 tỉ đồng do việc dừng xuất khẩu”, ông Bình cho biết và nói rằng đó là chưa kể chất lượng hàng hóa bị xuống cấp.
Mới đây, theo ông Bình, một đối tác của đơn vị này đã quyết định yêu cầu Trung An hoàn trả khoản tiền mà họ đặt cọc cho các lô hàng nhập khẩu gạo được ký kết trước đó. Lý do là việc dừng xuất khẩu gạo của Việt Nam khiến Trung An không thể giao hàng đúng tiến độ cho đối tác.
Phải “xả van” xuất khẩu gạo
Trước những khó khăn nêu trên, ông Bình kiến nghị Chính phủ có chỉ đạo cho thông quan xuất khẩu ngay khoảng 300.000 tấn gạo đã bị tồn đọng tại các cảng từ ngày 24-3-2020 đến nay. “Số gạo này phải được áp dụng thông quan trong hạn ngạch xuất khẩu 400.000 tấn gạo trong tháng 4-2020”, ông kiến nghị.
Ông Hòa của Dương Vũ đề nghị, trong khi chờ các bộ ngành báo cáo Chính phủ phương án điều hành xuất khẩu gạo tháng 5-2020, thì phải cho xuất khẩu ngay, không giới hạn loại gạo nếp và các loại gạo đặc sản vì đây là chủng loại gạo không ảnh hưởng đến an ninh lương thực quốc gia.
Thực tế, ông Huỳnh Quang Hải, Thứ trưởng Bộ Tài chính trong văn bản gửi Bộ Công Thương (lần hai) cũng yêu cầu cho phép xuất khẩu gạo nếp, gạo đồ, gạo đặc sản.
“Rõ ràng, trong công văn của Bộ Tài chính cũng như của UBND tỉnh An Giang, Long An cũng khẳng định phân khúc này (gạo nếp, gạo đặc sản) 100% dành cho xuất khẩu”, ông Hòa của Dương Vũ nhấn mạnh và nói rằng trước đó doanh nghiệp cũng được khuyến khích sản xuất để xuất khẩu.
Ông Nguyễn Thành Mười, Tổng giám đốc Công ty cổ phần Tân Đồng Tiến, đề nghị “xả van” cho xuất khẩu gạo tự do trở lại, nhất là với mặt hàng gạo nếp, japonica và các loại gạo hữu cơ gạo, đặc sản. “Trước mắt phải cho xuất khẩu gạo nếp, bước sang tháng 5 cho xuất khẩu gạo thơm và khi vụ hè thu bước vào thu hoạch, thì phải giải quyết luôn gạo trắng”, ông đề nghị.
Theo một nguồn tin là doanh nghiệp cho TBKTSG Online biết, Pakistan và Ấn Độ đang lên kế hoạch tái khởi động xuất khẩu gạo trở lại sau một thời gian tạm dừng do lo ngại Covid-19. “Nếu chúng ta không khởi động cho xuất khẩu tự do trở lại từ tháng 5-2020, thì khi vụ hè thu bước vào thu hoạch rộ chắc chắn ngành lúa gạo Việt Nam sẽ gặp nhiều khó khăn”, vị này cho biết và nói rằng vấn đề doanh nghiệp gạo cần nhất hiện nay là tạo thuận lợi trong cơ chế điều hàng xuất khẩu.