Ngân hàng Nhà nước chính thức lên tiếng về những ý kiến trái chiều trong một số nội dung sửa đổi của Thông tư 36 với thông điệp: Hãy trân trọng những thành quả tái cơ cấu, xử lý nợ xấu...
Không ít ngân hàng khó khăn, thua lỗ, thậm chí lâm vào tình trạng phá sản vì cho vay bất động sản
“Hệ thống các tổ chức tín dụng vừa trải qua thời kỳ tái cơ cấu, xử lý nợ xấu đau đớn, vết thương còn chưa lành, tổn thất chưa khắc phục xong mà một trong những nguyên nhân chính là rủi ro bất động sản. Xin đừng sớm quên”, NHNN nhắc nhở.
Chúng ta đã có bài học đắt giá mới đây còn nguyên giá trị về tập trung cho vay động sản trong giai đoạn 2006-2010 để rồi tự đẩy ngân hàng vào trạng thái rủi ro quá mức cùng với thị trường và nhà đầu tư. Trong đó không ít ngân hàng khó khăn, thua lỗ, thậm chí lâm vào tình trạng phá sản vì cho vay bất động sản.
“Liệu chúng ta có muốn lịch sử lặp lại? Liệu chúng ta có tiếp tục đặt sự tồn vong, tiền đồ của hệ thống ngân hàng và đặt cược tiền gửi của nhân dân vào rủi ro của thị trường bất động sản?”, NHNN cảnh báo.
Thị trường đang phản ứng khá gay gắt với hai nội dung sửa đổi của Thông tư 36, đó là giảm tỷ lệ sử dụng vốn ngắn hạn cho vay trung dài hạn từ 60% xuống 40% và điều chỉnh hệ số rủi ro các khoản vay kinh doanh bất động sản từ 150% lên 250%.
Hơn 478.000 tỷ đồng đổ vào bất động sản
NHNN cho biết, đến cuối năm 2015, dư nợ cho vay đầu tư, kinh doanh bất động sản đạt 393.000 tỷ đồng, tăng gần 26% so với cuối năm 2014. Nếu tính cả đầu tư trái phiếu doanh nghiệp cho lĩnh vực bất động sản thì tổng dư nợ của các TCTD cho lĩnh vực bất động sản là 478.000 tỷ đồng, chiếm 10,3% tổng dư nợ và chiếm 22,2% tổng dư nợ trung, dài hạn.
Bên cạnh đó, vốn tín dụng, đầu tư của hệ thống ngân hàng cho phát triển cơ sở hạ tầng cũng tăng mạnh. Trong đó, hầu hết các khoản tín dụng cho lĩnh vực bất động sản có kỳ hạn trung, dài hạn.
Cơ quan này cũng khẳng định dư nợ tín dụng của hệ thống ngân hàng dành cho lĩnh vực bất động sản chưa từng giảm, kể cả giai đoạn khó khăn nhất, thị trường bất động sản đóng băng.
Cụ thể, năm 2012 dư nợ cho vay đầu tư, kinh doanh bất động sản tăng 14%; năm 2013 tăng 15,4%; năm 2014 tăng 19,3% và năm 2015 là 26%.
“Cấu trúc tín dụng hiện nay cho thấy ngân hàng đang tài trợ vốn cho cả bên cung và bên cầu về bất động sản, điều này cho thấy tín dụng ngân hàng cho bất động sản chịu rủi ro cả từ 2 phía của thị trường bất động sản”, NHNN phân tích.
Theo cơ quan này, khi thị trường bất động sản phục hồi, cần thu hút các nguồn vốn khác trong xã hội để thay thế, giảm bớt sự phụ thuộc vào vốn vay ngân hàng và giảm thiểu rủi ro cho cả phía ngân hàng cũng như nhà đầu tư.
Ví như thu hút vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) vào lĩnh vực bất động sản đạt khá trong 2 năm gần đây và tiếp tục tăng. Cụ thể năm 2014, FDI đổ vào bất động sản khoảng 2,55 tỷ USD, năm 2015 gần 2,4 tỷ USD.
NHNN cho rằng việc đẩy mạnh cho vay bất động sản đã làm cho những rủi ro mới trong hệ thống ngân hàng có chiều hướng gia tăng trong hoạt động tín dụng ngân hàng trong năm 2015.
Cụ thể, tín dụng trung, dài hạn tăng rất nhanh (29%) và chiếm tỷ trọng gần 50% tổng dư nợ tín dụng (theo chiều hướng tăng liên tục, năm 2013: +43,1%; năm 2014: +45,4%) làm gia tăng rủi ro mất cân đối kỳ hạn nguồn vốn và sử dụng vốn.
“Việc gia tăng đầu tư tín dụng trung, dài hạn có thể tạo áp lực lên huy động vốn trung, dài hạn cũng như mặt bằng lãi suất trên thị trường”, NHNN phân tích.
NHNN cho biết, Quỹ tiền tệ quốc tế (IMF) cũng vừa mới cảnh báo Việt Nam về việc tập trung tín dụng cho lĩnh vực bất động sản và lĩnh vực đầu tư phát triển cơ sở hạ tầng.
Vốn cho vay của các TCTD là vốn huy động từ tiền gửi của nhân dân và phải được phân bổ, sử dụng một cách an toàn, hiệu quả nhất chứ không phải dành riêng hay dồn vốn cho bất động sản.
“Trách nhiệm của ngành ngân hàng là phải bảo đảm an toàn hoạt động ngân hàng và an toàn tiền gửi của nhân dân. Theo đó, ngân hàng không thể tự đặt mình vào trạng thái rủi ro quá mức do tập trung đầu tư vốn cho một hoặc một số ít lĩnh vực rủi ro”, NHNN nhấn mạnh.
NHNN cũng thừa nhận đã từ lâu hoạt động ngân hàng đã gắn với thị trường bất động sản. “Để ngân hàng bớt phụ thuộc vào nó không dễ gì và phải làm từng bước nhưng không phải không làm được. Vì vậy, nhất định phải làm vì sự phát triển an toàn, bền vững của hệ thống ngân hàng và thị trường bất động sản”, NHNN nhấn mạnh.
Còn khoảng 540.000 tỷ đồng mới đổ vào bất động sản
NHNN phân tích, giả định mọi yếu tố khác không thay đổi, với quy mô và cơ cấu nguồn vốn tại thời điểm cuối năm 2015, tỷ lệ nguồn vốn ngắn hạn sử dụng cho vay trung dài hạn bình quân của hệ thống các TCTD là 31% (đang có chiều hướng tăng nhanh) thì các TCTD vẫn còn có khả năng cấp tín dụng trung, dài thêm cho nền kinh tế, bao gồm cả lĩnh vực bất động sản với số tiền lên đến khoảng 540.000 tỷ đồng mới tới giới hạn tỷ lệ này 40% theo quy định của dự thảo Thông tư sửa đổi Thông tư 36.
Điều chỉnh hệ số rủi ro các khoản cho vay kinh doanh bất động sản từ 150% lên 250% ảnh hưởng trực tiếp không đáng kể đến tỷ lệ an toàn vốn, theo đó tỷ lệ an toàn vốn bình quân của toàn hệ thống các TCTD giảm từ 13% xuống 12,1%.
Với tỷ lệ an toàn vốn bình quân toàn hệ thống đến cuối năm 2015 là 13% thì các TCTD vẫn còn có thể cho vay kinh doanh bất động sản với số vốn bổ sung lên đến khoảng 650.000 tỷ đồng mới tới giới hạn tỷ lệ an toàn vốn 9%.
“Như vậy, việc điều chỉnh quy định tại Thông tư 36 ảnh hưởng không đáng kể đến dòng vốn tín dụng vào thị trường bất động sản. Vấn đề là người đầu tư, kinh doanh bất động sản có đáp ứng được các chuẩn mực an toàn, điều kiện vay vốn để các TCTD rót vốn đầu tư không”, NHNN nhấn mạnh.
Theo NHNN, quy định mới về tỷ lệ nguồn vốn ngắn hạn sử dụng cho vay trung, dài hạn và điều chỉnh tăng hệ số rủi ro đối với các khoản cho vay bất động sản sẽ tạo động lực cho NHTM cấp tín dụng trung, dài hạn một cách thận trọng hơn và sàng lọc, lựa chọn cho vay đối với những khách hàng có rủi ro thấp, hiệu quả hoạt động tốt hơn.
Dự thảo sửa đổi, bổ sung một số điều của Thông tư 36 vẫn đang trong quá trình nghiên cứu, thảo luận, đánh giá tác động và lấy ý kiến tham gia rộng rãi của các đối tượng liên quan trong xã hội.
Chắc chắn rằng, NHNN sẽ xem xét một cách thận trọng đến nội dung thời điểm hiệu lực và lộ trình thực hiện của một số quy định mới tại dự thảo Thông tư nhằm giảm thiểu các rủi ro, tác động tiêu cực đến hoạt động của hệ thống ngân hàng, thị trường bất động sản và các bên có liên quan.
Trần Giang / BizLIVE