Tiêu tiền trước trả tiền sau, thậm chí rút tiền sử dụng cho việc khác, sau thời gian từ 1 tháng hoặc hơn (tùy từng ngân hàng) nếu người dùng chưa thanh toán sẽ phải tính lãi,… đó là những tiện ích mà thẻ tín dụng mang lại.
Cũng chính vì những tiện ích này mà nhiều người làm luôn vài thẻ tín dụng từ các ngân hàng khác nhau và coi như vật bất ly thân, song cũng có không ít phiền muộn từ thẻ tín dụng đem lại.
Thẻ tín dụng rất tiện ích nhưng cũng có thể biến bạn thành “con nợ”
Tiện ích không thể phủ nhận
Với sự phát triển của thương mại điện thử và thanh toán online như ngày nay, cái lợi dễ thấy nhất của thẻ tín dụng là mọi người có thể dùng để mua hàng trực tuyến và quẹt thẻ thanh toán khi không muốn mang theo tiền mặt hoặc hết tiền mặt.
Chị Đặng Thu Hà – một nhân viên của công ty du lịch (Hoàn Kiếm, Hà Nội) cho biết, do công việc thường xuyên phải di chuyển nên việc dùng thẻ tín dụng để thanh toán đã trở thành thói quen từ lâu của chị.
“Mua sắm hoặc chi tiêu hàng ngày như đi siêu thị, cà phê, nhà hàng,… tôi đều dùng thẻ quẹt. Mùng 5 hàng tháng là ngày nhận lương, việc đầu tiên tôi dành để thanh toán thẻ tín dụng. Sử dụng thẻ trong tầm kiểm soát, nên tôi thấy rất hài lòng” – chị Hà nói.
Khác với chị Hà, anh Hoàng Đức Sơn (Mỹ Đình, Hà Nội) là người chuyên kinh doanh ô tô đã qua sử dụng, nên có nhiều lúc tiền mặt đối với anh trở nên rất cần thiết.
Anh Sơn cho biết, anh luôn để một khoản tiền mặt nhất định phòng khi gặp khách bán xe có thể dùng luôn. Tuy nhiên, có những lúc cần tiền gấp anh Sơn đã sử dụng giải pháp rút tiền từ thẻ tín dụng.
“Tôi sử dụng 3 thẻ tín dụng. Vì thường xuyên giao dịch, gửi ngân hàng cũng như chứng minh thu nhập tốt nên mức tiền trong thẻ tín dụng của tôi ở ngưỡng 50 triệu đồng, 100 triệu đồng, và nhiều nhất là một ngân hàng nước ngoài, với mức 130 triệu đồng. Trong một số tình huống, thẻ tín dụng đã giúp ích cho tôi rất nhiều” – anh Sơn cho biết.
Theo chia sẻ của anh Sơn, gần đây nhất (hôm đó là ngày chủ nhật), gặp một xe hợp lý cần “ôm hàng” trong khi tiền mặt không kịp huy động, nên anh buộc phải nhờ dịch vụ rút tiền từ thẻ tín dụng.
“Hôm đó mình rút 20 triệu đồng để kịp thời đặt cọc cho khách, nhưng có nhiều hôm “nhỡ”, cần tiền thực sự mình đã rút qua dịch vụ tới cả trăm triệu” – anh Sơn nói thêm.
Được biết, do lãi suất rút tiền mặt trên thẻ tín dụng thấp hơn vay ngân hàng, lại nhanh và tiện dụng nên ngoài việc dùng mua sắm, nhiều người đã rút tiền mặt để chi tiêu.
Cạm bẫy "nợ nần chồng chất"
Tuy nhiên, việc tiêu tiền trong thẻ tín dụng nếu không kiểm soát tốt sẽ để lại khá nhiều rắc rối bởi khi sử dụng thẻ bất cứ lúc nào khách hàng không để ý là biến thành con nợ với lãi suất phạt vừa cao vừa vô lý.
"Vì lương thấp nên nhiều lúc tiêu quá đà tôi phải xoay như chong chóng để đi trả nợ, nếu không muốn thành nợ quá hạn và bị đánh lãi suất cao ngất ngưởng” – chị Hà cho biết.
Bên cạnh đó, theo chị Hà những khoản phí lặt vặt cộng lại cũng thành một số tiền lớn đối với một người có thu nhập trung bình. Phí duy trì thẻ hàng năm 300.000 đồng; phí chậm nộp 4% mỗi lần chậm nộp tiền tại ngân hàng; phí cấp lại thẻ, phí cấp bản sao kê 100.000 đến 200.000 đồng. Nhiều khi thiếu tiền mặt, chị Hà phải chạy ra ATM để rút và bị đánh phí 4% trên số tiền rút ra. Còn nếu chậm nộp tiền hoặc vượt hạn mức, chị sẽ bị đánh lãi suất cao hơn 30% một năm.
Tương tự, chị Phạm Lan (Thanh Xuân) phàn nàn, ngân hàng cấp hạn mức thẻ tín dụng cho chị 60 triệu đồng, nhưng khi thanh toán thì hệ thống vẫn chấp nhận thanh toán vượt hạn mức. Đến tháng chị thanh toán hóa đơn lại thấy phát sinh thêm phí vượt hạn mức. “Như vậy thì khác gì ngân hàng lừa khách hàng”, chị Lan nói.
Cũng chiêu trò này, theo chị Lan có tháng tiêu xài vừa đúng hạn mức được cấp, tuy nhiên, tháng đó ngân hàng cộng phí thường niên lên thành ra cả số tiền lại bị vượt hạn mức rồi bị tính lãi suất phạt, lãi suất vay tổng cộng lên tới 30 - 40%/năm. “Thẻ tín dụng là con heo vàng của ngân hàng nhưng là một con dao hai lưỡi đối với khách hàng”, chị Lan cảnh báo.
Trước thực trạng trên, chuyên gia tài chính - ngân hàng Nguyễn Trí Hiếu khuyên khi người tiêu dùng sử dụng thẻ tín dụng, họ phải cân nhắc để số nợ thẻ không vượt quá 50% thu nhập hàng tháng, nếu không dễ dẫn đến tình trạng phá sản, nợ xấu.
Theo Quỳnh Chi (Dân Việt)