Mới đây, hãng bay Bamboo Airways đã đã được nhà đầu tư rót thêm 3.000 tỉ đồng để tăng vốn điều lệ lên 7.000 tỉ đồng. Với số vốn điều lệ được bổ sung này, Bamboo Airways đã vượt qua Vietjet Air, trở thành hãng hàng không có vốn điều lệ lớn thứ 2 ở Việt Nam chỉ sau Hãng hàng không Quốc gia.
Bamboo Airways được rót thêm 3.000 tỉ đồng để nâng vốn điều lệ lên 7.000 tỉ đồng.
Hãng hàng không Tre Việt (Bamboo Airways) mới đây đã công bố thông tin tăng vốn điều lệ từ 4.050 tỉ đồng lên 7.000 tỉ đồng. Đợt tăng vốn hoàn tất vào ngày 17-4 vừa qua, trước khi các hãng hàng không đưa ra báo cáo kết quả kinh doanh quí 1 sụt giảm sâu vì Covid-19.
Trước đợt tăng vốn này, Tập đoàn mẹ FLC nắm giữ 51% số cổ phần của Bamboo Airways, phần lớn số cổ phần còn lại thuộc sở hữu của ông Trịnh Văn Quyết, Chủ tịch Tập đoàn FLC.
Được biết, Bamboo Airways thành lập từ năm 2017 với số vốn 300 tỉ đồng do FLC sở hữu 100%. Trong ba năm qua Bamboo Airways đã tăng vốn nhiều lần với việc góp thêm vốn của ông Trinh Văn Quyết, dẫn đến tỉ lệ sở hữu của FLC giảm còn 51%.
Với số vốn điều lệ 7.000 tỉ đồng, Bamboo Airways vượt qua mức vốn điều lệ của Vietjet Air là hơn 5.400 tỉ đồng cuối năm 2019. Hãng hàng không Quốc gia Vietnam Airlines hiện có quy mô vốn hơn 14.000 tỉ đồng.
Lần tăng vốn này của Bamboo Airways được đặt trong bối cảnh u ám nhất của ngành hàng không Việt Nam với nhu cầu đi lại sụt giảm, ngừng bay một thời gian dài do tác động của dịch Covid-19. Mới đây, các hãng hàng không nội địa đã công bố báo cáo tài chính quí 1 với những mức lỗ kỷ lục kể từ khi niêm yết.
Vietnam Airlines là đơn vị dẫn đầu về mức lỗ thuần từ hoạt động kinh doanh với hơn 2.700 tỉ đồng. Đây là mức lỗ kỷ lục trong lịch sử của Vietnam Airlines và nhiều hơn lợi nhuận ròng 2.500 tỉ của cả năm 2019. Với mức lỗ lớn, dòng tiền kinh doanh của Vietnam Airlines âm 3.800 tỉ đồng khi doanh nghiệp phải tăng chi tiền mặt cho các khoản phải trả. Quí 1-2019, chỉ tiêu này trên báo cáo lưu chuyển tiền tệ của doanh nghiệp là 3.000 tỉ đồng. Dù đã bổ sung dòng tiền tài chính từ đi vay, lưu chuyển tiền thuần trong kỳ của doanh nghiệp vẫn âm 500 tỉ đồng.
Vietjet Air cũng ghi nhận quí đầu tiên bị lỗ kể từ khi niêm yết với mức lỗ 989 tỉ đồng và lượng tiền mặt duy trì ở mức 2.452 tỉ đồng. Trong khi đó, tập đoàn FLC (công ty mẹ của Bamboo Airways) cũng đã ghi nhận mức lỗ kỷ lục với gần 1.900 tỉ đồng và lượng tiền mặt còn gần 50 tỉ đồng.
Trong 3 tháng qua, việc phải tiếp tục duy trì hoạt động trong khi gần như không có doanh thu khiến các hãng hàng không nội địa đối mặt với bài toán dòng tiền bị thâm hụt nghiêm trọng. Do đó, ngoài việc tung ra nhiều gói kích cầu để nhanh chóng có nguồn thu trong ngắn hạn thì các hãng hàng không cũng đang trông chờ vào các gói hỗ trợ của chính phủ để ổn định trở lại.
Trước tình hình đó, để gỡ khó cho các hãng hàng không, mới đây, Bộ Giao thông - Vận tải đã có kiến nghị một số phương án hỗ trợ tài chính cho doanh nghiệp hàng không. Trong đó bao gồm các chính sách miễn giảm thuế, các gói hỗ trợ tín dụng, lãi suất ngân hàng, giảm các chi phí mặt đất…