Là một đế chế viễn thông hùng mạnh, chiếm hơn 50% thị phần viễn thông nhưng Viettel đang ngày càng chật vật trong lĩnh vực bán lẻ di động.
Theo số liệu thống kê của GFK. Trong 6 tháng đầu năm, các chuỗi bán lẻ di động hàng đầu như Thế Giới Di động, FPT Shop, Viễn Thông A, Vinpro đều tích cực mở rộng.
Trong khi đó, riêng Viettel Store không những không tăng trưởng mà trong quý 2 vừa qua đã phải giảm 3 cửa hàng, xuống chỉ còn 288.
Điều này cũng đẩy Viettel Store, từ vị trí thứ 2 về số cửa hàng, xuống vị trí thứ 3, bị FPT Shop vượt mặt.
Nếu xét về tốc độ tăng trưởng, sau 6 tháng Viettel Store tăng trưởng 4%, thấp hơn nhiều so với 4 ông lớn còn lại trong top 5: Thế giới di động 47%; FPT Shop 24%; Viễn Thông A 20% và Vinpro 59%.
Số liệu cửa hàng của các nhà bán lẻ. Nguồn: GFK
Cũng theo thống kê của GFK, trong số 34 chuỗi bán lẻ điện thoại di động, ngoài Viettel Store (giảm từ 291 cửa hàng xuống còn 288 cửa hàng) chỉ có 4 cái tên đóng cửa bớt cửa hàng, đều là các chuỗi trung bình - nhỏ, gồm Nhật Cường Mobile (14 còn 12), Anh Chương Mobile (6 còn 5), Siêu thị VP (5 còn 4) và Vĩnh Quang Mobile (3 còn 2).
Việc cắt giảm cửa hàng của Viettel Store diễn ra trong bối cảnh thị trường đang dần bão hoà, các vị trí đắc địa để mở cửa hàng bán lẻ đều đã bị chiếm lĩnh. Lãnh đạo Thế giới Di động cho biết, thị trường hiện nay đã đến thời "hết nạc, vạc đến xương".
Thế giới Di động đang vươn ra các tỉnh lẻ, vùng lân cận để chiếm nốt lượng khách hàng tại các khu vực thu nhập thấp, sau khi đã gần như lấp đầy các tuyến đường chính, thậm chí có phố mở 2-3 cửa hàng.
Nguồn: Tổng hợp
Không chỉ Viettel Store mà cả Tập đoàn Viettel đều đang đứng trước bài toán thay đổi. Hồi đầu năm, CEO Viettel ông Nguyễn Mạnh Hùng đã đặt câu hỏi cho toàn bộ nhân viên Viettel "tồn tại, hay không tồn tại", và đặt vấn đề tái tạo ra một Viettel mới, Viettel 2.0.
Ông Nguyễn Mạnh Hùng cho rằng, Viettel cần lấy lại tinh thần khởi nghiệp như những năm 2000, đó là tinh thần quên mình.
Minh Quân
Theo Trí Thức Trẻ