Việt Nam là một trong số ít các thị trường có tiềm năng tăng trưởng cao còn sót lại, khiến nhiều hãng bia lớn trên thế giới “thèm thuồng” và muốn gia tăng thị phần.
Một quán bia vỉa hè tại Phố cổ Hà Nội. Ảnh: Maika Elan/Bloomberg. |
Thị trường béo bở cho các hãng bia ngoại
Bloomberg dẫn một báo cáo của hãng nghiên cứu thị trường Euromonitor khẳng định Việt Nam, nơi văn hóa uống bia đang rất phổ biến trong đời thường và làm ăn, sẽ trở thành “chiến trường” tiếp theo của các hãng bia.
“Không còn nhiều thị trường mà có tiềm năng tăng trưởng như Việt Nam”, John Ditty, Giám đốc điều hành bộ phận tư vấn M&A của KPMG Việt Nam nói.
Việc Chính phủ chuẩn bị thoái vốn mạnh tại Sabeco và Habeco, hai công ty sản xuất bia lớn nhất của Việt Nam, sẽ mở cửa rộng cho các đối thủ ngoại, theo Euromonitor.
Tại buổi họp báo thường kỳ của Bộ Công Thương mới đây, ông Bùi Trường Thắng, Phó vụ trưởng Vụ Công nghiệp nhẹ cho biết, dự kiến trong tháng 7 này Tổng CTCP Bia rượu nước giải khát Sài Gòn (Sabeco) và Tổng CTCP Bia rượu nước giải khát Hà Nội (Habeco) sẽ trình phương án thoái vốn lên Bộ và việc bán đấu giá dự kiến diễn ra vào cuối năm.
Việc thoái vốn sẽ là cơ hội cho các hãng bia quốc tế mở rộng hoạt động, nhất là những hãng chưa hiện diện ở thị trường Việt Nam, được đánh giá có quy mô khoảng 6,5 tỷ USD, Ditty nhận xét.
Theo Euromonitor, chính tầng lớp trung lưu tăng nhanh và dân số trẻ là động lực giúp tiêu thụ bia tăng 300% kể từ năm 2002. Hãng này dự báo lượng tiêu thụ bia bình quân đầu người sẽ đạt 40,6 lít trong năm nay, giúp Việt Nam vững ngôi tiêu thụ bia nhiều nhất Đông Nam Á.
Nguồn: Bloomberg |
“Thị trường cần để mắt tới”
“Việt Nam sẽ là thị trường cần để mắt tới”, Euromonitor viết trong báo cáo về thị trường bia tại khu vực châu Á – Thái Bình Dương.
Theo Euromonitor, nhờ văn hóa ẩm thực đường phố phổ biến và tốc độ đô thị hóa nhanh chóng, Việt Nam được dự báo là thị trường có lượng tiêu thụ bia mạnh nhất trong giai đoạn 2016-2021.
Trong bối cảnh cạnh tranh giữa các hãng bia ngày càng gay gắt, các chương trình khuyến mại “khủng” và sự ra mắt của các sản phẩm mới sẽ càng làm tăng nhu cầu tiêu thụ bia. Sự tranh giành thị phần quyết liệt ở Việt Nam giữa hãng Heineken của Hà Lan và Carlsberg của Đan Mạch khiến doanh số bán bia tăng nhanh chóng, báo cáo viết.
Thị phần của các hãng bia tại Việt Nam tính đến năm 2016. |
Heineken, Anheuser-Busch InBev, Asahi Group Holdings và Kirin Holdings của Nhật là một trong số các công ty nước ngoài đã đăng ký mua cổ phần tại Sabeco, nguyên Tổng giám đốc hãng bia Sài Gòn Lê Hồng Xanh cho biết.
Naomi Sasaki, người phát ngôn của Kirin Holdings cho biết châu Á và châu Đại Dương là hai thị trường trọng tâm của hãng này. “Chúng tôi đang quan tâm đầu tư vào Việt Nam do triển vọng tăng trưởng của thị trường này”.
Asahi Group vẫn quan tâm đến mua cổ phần tại Sabeco, người phát ngôn của hãng này cho biết. Đại diện của AB InBev cho biết hãng bia này cam kết làm ăn lâu dài tại thị trường Việt Nam. Trong khi đó, hãng Heineken từ chối bình luận.
Bộ Công thương hiện nắm 89,59% cổ phần tại Sabeco và 82% cổ phần tại Habeco.
Kể từ khi sau buổi họp báo thường kỳ của Bộ Công thương cách đây 1 tuần, cổ phiếu của Sabeco (SAB) đã tăng 11% trong khi cổ phiếu của Habeco đã tăng 13%.
Đóng cửa phiên giao dịch ngày 21/7, giá trị vốn hóa của Sabeco ở mức 150 nghìn tỷ đồng, trở thành công ty lớn thứ hai trên sàn HoSE. Trong khi đó, cổ phiếu của Habeco giảm mạnh khiến giá trị vốn hóa của công ty này giảm còn 20,26 nghìn tỷ đồng.
Carlsberg, hiện sở hữu 17,51% tại Habeco, khẳng định vẫn giữ quyền ưu tiên mua lại cổ phiếu của hãng bia này khi Chính phủ thoái vốn. Tuy vậy, hãng bia Đan Mạch và Bộ Công thương vẫn chưa đạt thống nhất về việc bán vốn.
Chủ tịch kiêm CEO của Carlsberg Cees’t Hart nói với các cổ đông hồi tháng 5/2017 sau các chuyến bay liên tục đến Việt Nam rằng hãng này vẫn theo đuổi việc mua cổ phần tại Habeco.
Số liệu của Euromonitor cho thấy thị phần tiêu thụ của Carlsberg tại Việt Nam đang giảm trong khi Heineken đang ngày càng bành trướng.
Trong năm 2016, số lượng bia do Heineken bán ra tại Việt Nam tăng 10%, chủ yếu nhờ vào thương hiệu bia Tiger, Chủ tịch Heineken Jean-Francois van Boxmeer cho biết tại đại hội đồng thường niên hồi tháng 4. Thị trường Việt Nam đóng góp phần lớn vào mức tăng trưởng 27% về lợi nhuận của hãng tại khu vực châu Á.
Cũng lạc quan về triển vọng tại Việt Nam, Mikio Masawaki, Tổng giám đốc Sapporo Việt Nam cho biết Việt Nam sẽ chiếm một nửa doanh số của hãng này ở nước ngoài trong vòng 1 thập kỷ tới.
Lượng bia tiêu thụ tại Việt Nam có thể vượt qua con số 6 tỷ lít/năm tại Nhật Bản trong vòng vài năm tới, Mikio Masawaki dự báo.
Rào cản đối với cuộc đua
Theo số liệu của Tổ chức Y tế Thế giới, tính đến năm 2010, 35% số đàn ông và 63% số phụ nữ ở Việt Nam không uống rượu trong đời. Trong khi đó, những đàn ông nào uống rượu thường có xu hướng uống nhiều và 8,7% bị nghiện rượu, so với 4,6% toàn khu vực Tây Thái Bình Dương.
Chính phủ Việt Nam đang hạn chế tiêu thụ rượu. Theo lộ trình, thuế tiêu thụ đặc biệt đối với bia sẽ lên tới 65% vào năm 2018.
Quốc hội đang xem xét các đề xuất cấm bán bia vào giờ ăn trưa và đêm muộn, đồng thời cân nhắc việc cấm bán rượu cho phụ nữ có thai và cấm công chức nhà nước uống bia rượu trong giờ làm việc.
David Jernigan, Giám đốc Trung tâm Marketing đồ uống có cồn và Giới trẻ tại Đại học Johns Hopkins Bloomberg (Mỹ), cho biết, các công ty thường chịu áp lực rất lớn về tài chính – cả trong lần ngoài chính phủ - để tăng thị phần.
Theo Jernigan, doanh số thường dễ nhìn thấy, nhưng tổn hại thì ít thấy hơn, đó là số vụ lái xe khi say rượu tăng, gia tăng bạo lực liên quan đến bia rượu, bạo lực gia đình, tự tử và đuối nước.
Ditty tại KPMG Việt Nam cho rằng ngay cả khi chính quyền thắt chặt quy định về đồ uống có cồn và hạn chế bán bia, các nhà đầu tư nước ngoài sẽ không nản chí.
Minh Tuấn / BizLIVE