2 ngành xuất khẩu lớn là dệt may và giày dép đang lo khó đáp ứng quy tắc, xuất xứ về nguyên liệu để hưởng ưu đãi khi EVFTA đi vào thực thi, dự kiến từ tháng 8/2020.
Mong chờ EVFTA có hiệu lực, nhưng dệt may, da giày vẫn lo khó đáp ứng xuất xứ nguyên liệu để có ưu đãi khi xuất khẩu vào EU.
Cục Xuất nhập khẩu (Bộ Công Thương) vừa làm việc với Hiệp hội Dệt may, da giày và các DN trong 2 ngành này nhằm đánh giá cơ hội, giải pháp để khai thác, tận dụng Hiệp định EVFTA có hiệu quả, thúc đẩy xuất khẩu sang châu Âu.
EVFTA tạo lợi thế ổn định cho xuất khẩu
Báo cáo của Cục Xuất nhập khẩu khẳng định, EVFTA là một FTA thế hệ mới, mang lại nhiều tác động tích cực đến nhiều mặt của nền kinh tế Việt Nam, qua đó đều có tác động đến tăng trưởng xuất nhập khẩu của Việt Nam sang thị trường EU, đặc biệt với các ngành hàng thế mạnh như dệt may, da giày, đồ gỗ...trong thời gian tới.
EU hiện là một trong các thị trường xuất khẩu lớn nhất của Việt Nam, chỉ đứng sau Mỹ. EVFTA đi vào thực thi, nhiều ngành hàng sẽ được giảm thuế tới gần 90%, trong đó có những dòng thuế được xóa bỏ hoàn toàn. Các ưu đãi về thuế quan và các điều kiện mở cửa thị trường sẽ gia tăng tính cạnh tranh của các sản phẩm xuất khẩu của Việt Nam so với các quốc gia khác.
Đối với ngành dệt may, EU là thị trường có quy mô lớn nhất về nhu cầu tiêu thụ hàng dệt may, năm 2019, dệt may Việt Nam xuất khẩu hơn 4,5 tỷ USD sang EU. Với quy mô nhập khẩu 280 tỷ USD hàng dệt may mỗi năm, thị phần của Việt Nam rất nhỏ, chỉ chiếm chưa đến 2% tổng mức chi nhập khẩu hàng dệt may của EU. Do đó, thị trường EU còn nhiều đất để phát triển.
Với ngành da giày, EU là thị trường xuất khẩu quan trọng. Năm 2019, xuất khẩu giày dép, túi xách sang EU đạt 5,88 tỷ USD, chiếm 26,7% tổng kim ngạch xuất khẩu toàn ngành.
Ông Trần Thanh Hải, Phó Cục trưởng Cục Xuất nhập khẩu, Bộ Công Thương cho rằng, mặc dù một số nước khác có lợi thế về ưu đãi EBA, GSP+, nhưng với Hiệp định EVFTA, Việt Nam có thế mạnh rất lớn. Các nước có Hiệp định với EU rất ít, ở khu vực Châu Á, EU chỉ ký hiệp định hợp tác với Hàn Quốc, Singapore, tuy nhiên, hai nước này lại không có cơ cấu sản xuất giống như Việt Nam. Do vậy, về lâu dài, Hiệp định sẽ tạo ra lợi thế ổn định cho xuất khẩu của Việt Nam.
Không lo tiêu chuẩn nhưng ngại quy tắc xuất xứ
Phó Chủ tịch Hiệp hội Dệt may Việt Nam (VITAS), ông Trương Văn Cẩm thông tin, là ngành hội nhập từ sớm, các doanh nghiệp dệt may đã quen khi giao thương xuất khẩu với các đối tác EU, do đó, khi EVFTA đi vào thực thi, ngành dệt may không lo về chất lượng, tiêu chuẩn, nhưng khó khăn nhất là đáp ứng xuất xứ.
"Cơ hội tăng trưởng xuất khẩu là có, nhưng để hưởng ưu đãi thuế thì dệt may chưa dễ đáp ứng do nguồn vải chủ yếu nhập khẩu từ các thị trường Trung Quốc, Ấn Độ, ASEAN..., trong khi EVFTA chỉ chấp nhận cho hưởng ưu đãi khi dùng vải sản xuất trong nước hoặc nhập khẩu từ các thị trường đã có FTA với EU, như Hàn Quốc, Nhật Bản", ông Cẩm nói.
Trên thực tế, mặc dù xuất khẩu 39 tỷ USD trong năm 2019, nhưng ngành dệt may vẫn phụ thuộc nặng nề vào nguồn vải nhập khẩu. Vải luôn là mặt hàng đứng đầu trong nhóm nguyên liệu nhập khẩu nhiều tỷ USD của ngành. Năm 2019, nhập khẩu vải 13,5 tỷ USD.
Dùng vải nhập khẩu để may hàng xuất khẩu vẫn được giảm thuế nhưng với điều kiện là lượng vải đó phải được nhập từ châu Âu hay các thị trường mà EU đã có FTA. Về điều này, ngành dệt may càng khó lòng thỏa mãn, bởi 80% vải cho may xuất khẩu hiện đang được ngành dệt may nhập khẩu, trong đó, 50% nhập từ Trung Quốc, 15% từ Đài Loan và chỉ có 18% từ Hàn Quốc.
Tổng giám đốc Tổng công ty cổ phần May 10, ông Thân Đức Việt cũng cho rằng, nút thắt lớn nhất cùa doanh nghiệp dệt may là vấn đề quy tắc xuất xứ. Vì vậy, đại diện May 10 hy vọng thời gian tới sẽ có Hội thảo kết nối giữa doanh nghiệp "đầu vào" và "đầu ra" để gỡ dần nút thắt này, tìm lối ra cho vấn đề quy tắc xuất xứ của sản phẩm dệt may.
Do ảnh hưởng của dịch Covid-19, chúng ta đang ở thời điểm hết sức khó khăn. Tháng 5 năm 2020, kim ngạch xuất khẩu của ngành dệt may giảm 36% so với tháng 5 năm 2019. 5 tháng đầu năm chỉ xuất khẩu được 12,37 tỷ USD, giảm hơn 15,5% so với cùng kỳ.
Ngành da giày cũng đau đáu nỗi lo như dệt may, dù giày thể thao, cặp túi được hưởng thuế 0% ngay khi EVFTA có hiệu lực, nhưng các sản phẩm khác sẽ có lộ trình giảm thuế trong 7 năm. Cụ thể, EU cam kết giảm thuế xuống 0% đối với 42,1% kim ngạch xuất khẩu của ngành ngay khi Hiệp định có hiệu lực. Sau 3 năm và 7 năm kể từ khi Hiệp định có hiệu lực thì tỷ lệ này sẽ lần lượt là 73,2% và 100%.
Theo và Phan Thị Thanh Xuân, Phó Chủ tịch Hiệp hội Da - Giày - Túi xách Việt Nam, DN đang rất trông đợi EVFTA có hiệu lực sẽ giúp các doanh nghiệp vừa giải phóng lượng hàng còn tồn trước đó, vừa mở ra cơ hội với các đơn hàng mới, khôi phục lại thị trường sản xuất.
"Về dài hạn, với những mã hàng xuất khẩu được giảm thuế theo lộ trình, ngành và các doanh nghiệp phải hoàn thiện khả năng đáp ứng nguyên liệu thì mới tận dụng được ưu đãi từ EVFTA", bà Xuân thừa nhận.