Theo Phó tổng giám đốc EVN Đinh Quang Tri, mức lãi hơn 823 tỷ đồng là quá ít nếu so với tổng vốn điều lệ của EVN. |
“Vốn điều lệ lên tới 160.000 tỷ đồng, nhưng mức lãi chỉ 823 tỷ đồng là quá thấp, còn nếu hạch toán cả một số yếu tố ảnh hưởng tới kết quả kinh doanh như tỷ giá vào giá điện thì chắc chắn EVN sẽ bị lỗ”.
Đó là khẳng định của Phó tổng giám đốc Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) Đinh Quang Tri, tại buổi họp báo công bố giá thành sản xuất điện năm 2014 của EVN do Bộ Công Thương tổ chức chiều 2/2.
Báo cáo kết quả kiểm tra giá thành sản xuất điện năm 2014 của EVN cho thấy, doanh thu bán điện năm 2014 của EVN là trên 197,1 nghìn tỷ, tương ứng giá bán điện bình quân đạt được là 1532,55 đồng/kWh.
Tổng chi phí sản xuất kinh doanh điện là 198 nghìn tỷ, tương đương chi phí 1.539,35 đồng/kWh.
Với số liệu trên, theo Bộ Công Thương, lẽ ra năm 2014 EVN đã bị lỗ, tức vẫn phải bán điện dưới giá thành.
Tuy nhiên, bên cạnh thu nhập từ bán điện, kết quả kiểm tra của đoàn công tác Bộ Công Thương cho thấy EVN có thu nhập từ các hoạt động liên quan sản xuất điện là trên 1.698 tỷ, trong đó có hoạt động tài chính của công ty mẹ và Tổng công ty Truyền tải điện Quốc gia là 1.153 tỷ, thu từ bán công suất phản kháng 444 tỷ, đầu tư vào các công ty cổ phần…
Do đó, tính chung lại, lãi từ hoạt động sản xuất kinh doanh điện và các hoạt động liên quan đến điện năm 2014 của EVN là 823,83 tỷ đồng.
Tổng cộng lãi hoạt động sản xuất kinh doanh điện và các hoạt động liên quan của năm 2014 của EVN là 823,83 tỷ đồng.
Theo ông Đinh Quang Tri, mức lãi trên là quá ít nếu so với tổng vốn điều lệ của EVN.
“Nếu đưa hết chênh lệch tỷ giá vào, tất nhiên EVN sẽ thành lỗ. Tuy nhiên, vì các khoản vay với nước ngoài từ 10-20 năm chưa phải trả ngay, nên Chính phủ cho phép EVN được trả dần. Đây là cơ chế đặc biệt do Chính phủ quyết định cho EVN”, ông Tri nói.
Còn theo báo cáo của cơ quan kiểm toán độc lập, lỗ chênh lệch tỷ giá tới tháng 12/2014 của EVN đã lên tới con số nghìn tỷ đồng.
Trong đó, lỗ tỷ giá của Tổng công ty Truyền tải điện Quốc gia là 1.682,21 tỷ đồng; Tổng công ty Phát điện 1 là 641,75 tỷ đồng; Tổng công ty Phát điện 3 là 810,94 tỷ đồng, Công ty Cổ phần Nhiệt điện Hải phòng là 392,12 tỷ đồng và Công ty Cổ phần Nhiệt điện Quảng Ninh là 1.260,46 tỷ đồng…
EVN cho hay, chi phí sản xuất kinh doanh điện tại các huyện đảo chưa nối với lưới điện quốc gia đã được hạch toán vào giá thành điện năm 2014. Trong khoản giá thành trên, khoản bù giá cho chi phí cấp điện ở huyện đảo Phú Quốc (Kiên Giang), Phú Quý (Bình Thuận), huyện đảo Lý Sơn (Quảng Ngãi), Côn Đảo ( Bà Rịa -Vũng Tàu) và xã Thạch An (Tp.HCM) là 142,76 tỷ đồng.
Bảo Quyên / VnEconomy