Cho đến nay, hãy nhìn lại, Việt Nam nhận được gì từ việc thu hút đầu tư trực tiếp của nước ngoài (FDI)?
Cảng Sơn Dương Formosa, tỉnh Hà Tĩnh. Ảnh: T.L
Về nguyên tắc, Việt Nam có bốn kỳ vọng chính đối với FDI. Thứ nhất là luồng tiền (luồng ngoại tệ). Thứ hai là mở mang thị trường nội địa nhằm tăng giá trị sản phẩm nội trong chuỗi giá trị toàn cầu. Thứ ba là chuyển giao công nghệ, cải thiện khả năng R&D. Thứ tư là tạo việc làm và đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao.
Nếu so sánh với năm 2000 thì đến năm 2014 tỷ trọng nguồn vốn FDI trong tổng nguồn vốn chỉ tăng 3,7 điểm phần trăm (từ 18% lên 21,7%) nhưng tỷ trọng xuất khẩu của khu vực này trong tổng xuất khẩu tăng hơn 20 điểm phần trăm, song thật trớ trêu, tỷ trọng giá trị tăng thêm của khu vực này trong tổng GDP chỉ xấp xỉ 20%. Trong khi đó, khu vực doanh nghiệp tư nhân chỉ đóng góp vào GDP khoảng trên dưới 10%; đóng góp của khu vực kinh tế nhà nước chiếm 32% (bao gồm đóng góp của doanh nghiệp nhà nước và các hoạt động về quản lý nhà nước và các hoạt động sự nghiệp, trong đó ước tính đóng góp của doanh nghiệp nhà nước khoảng 20%); đóng góp lớn nhất vào GDP thuộc về khu vực cá thể, chiếm đến 33%.
Như vậy một lần nữa khẳng định nền kinh tế Việt Nam không chỉ là nền kinh tế gia công mà còn rất manh mún. Sản xuất của khu vực doanh nghiệp FDI chủ yếu là làm gia công, phần thu được từ xuất khẩu của khu vực này chỉ là phần gia công, hàm lượng giá trị gia tăng trong giá trị xuất khẩu mà phía Việt Nam được hưởng cực kỳ thấp. Về bản chất, xuất khẩu của khu vực này là xuất khẩu của nước chủ sở hữu các doanh nghiệp FDI, họ mượn Việt Nam để xuất khẩu sang những nước thứ ba khác hoặc sang chính nước chủ sở hữu do Việt Nam cho họ sự ưu đãi đặc biệt về đất đai, thuế, chính sách... Hoặc nếu hàng hóa do khu vực FDI sản xuất ra được bán tại Việt Nam thì thực chất là họ xuất khẩu sang Việt Nam, mà lợi nhuận từ phương thức xuất khẩu này còn cao hơn so với phương thức họ sản xuất ở chính quốc rồi xuất khẩu một cách truyền thống qua Việt Nam, do tận dụng được ưu đãi và giá nhân công rẻ.
Ngoài luồng tiền, việc thu hút FDI thường được kỳ vọng tạo cạnh tranh cho thị trường nội địa, kích thích những ngành sản xuất trong nước sản xuất thông qua việc sử dụng đầu vào nội địa, nhưng hiện nay, khu vực FDI tại Việt Nam dường như là khép kín theo chu kỳ: nhập khẩu nguyên vật liệu đầu vào + năng lượng giá rẻ + đất đai được ưu đãi + nhân công giá rẻ à xuất khẩu. Do vậy, hoạt động sản xuất của FDI không lan tỏa đến các khu vực khác.
Ngoài ra, thông qua chỉ tiêu năng suất nhân tố tổng hợp (TFP - Total factor productivity), có thể thấy về bản chất, khu vực FDI không đưa công nghệ mới hoặc chỉ đưa công nghệ cũ vào Việt Nam để sản xuất, chỉ tận dụng các ưu đãi của Việt Nam để làm lợi cho mình. Tiến sĩ Vũ Quang Việt, trong một cuộc trả lời BBC, đã so sánh việc thu hút FDI giữa Việt Nam và Trung Quốc, đại ý: một trong những cái để so sánh về hiệu quả là Trung Quốc càng ngày càng nắm được công nghệ của thế giới. Trung Quốc để Nhật đầu tư vào công nghệ tàu hỏa cao tốc, sau đó họ học được công nghệ, nay họ không những tự làm được, không cần tới Nhật mà còn xuất khẩu tàu này sang các nước khác kể cả Hoa Kỳ.
Nhà nước cần xác định lại hướng đi của đất nước: chấp nhận mãi làm gia công (với những hệ lụy nêu trên) hay cần tăng hàm lượng Việt Nam trong chuỗi giá trị của sản phẩm được làm ra, để từ đó đưa ra những điều kiện trong việc thu hút FDI, đánh giá lợi- hại của một dự án trên tất cả các mặt trước khi ra quyết định tiếp nhận hay không. Nhà nước không nên thu hút FDI vào các ngành không có lan tỏa đến nền kinh tế trong nước, không thu hút những ngành có hàm lượng giá trị gia tăng mà phía Việt Nam nhận được thấp và đặc biệt cấm tiệt những doanh nghiệp FDI có thể làm hại đến môi trường.
Bùi Trinh / thesaigontimes.vn