Thay vì đầu tư vào Việt Nam với các dự án mới, nhiều Cty nước ngoài đang tiến hành các dự án đầu tư trực tiếp vào Việt Nam qua con đường mua bán và sáp nhập (M&A) những Cty có sẵn.
Thông tin về các tập đoàn bán lẻ Thái Lan đang chạy đua để thâu tóm lại chuỗi siêu thị Big C tại Việt Nam đã trở thành một trong những chủ đề kinh tế nóng trong những ngày đầu năm. Sau khi tập đoàn Casino Group của Pháp tuyên bố sẽ bán chuỗi siêu thị Big C Việt Nam nhằm tái cơ cấu lại khoản nợ hơn 2 tỷ Euro, hai tập đoàn bán lẻ BJC và Central Group đã lên tiếng muốn mở rộng sự hiện diện ở Việt Nam thông qua việc mua lại Big C.
Cuối năm ngoái, TCC Holdings của Thái Lan cũng đã thành công trong việc đàm phán mua lại chuỗi siêu thị Metro Cash & Carry Việt Nam của tập đoàn Metro Group (Đức) và AON Holdings cũng trở thành kẻ thắng cuộc trong cuộc chạy đua mua lại tòa nhà Keangnam Landmark 72 tại Hà Nội từ tập đoàn Keangnam. Trong lĩnh vực hàng không dân dụng, ANA Holdings của Nhật Bản cũng tuyên bố sẽ mua 8% cổ phần của Vietnam Airlines, còn tập đoàn Aéroports de Paris chuyên đầu tư sân bay của Pháp cũng đang thương thảo để trở thành nhà đầu tư chiến lược của TCty Cảng hàng không Việt Nam.
Tất cả đang cho thấy sự bùng nổ về các thương vụ M&A ở Việt Nam, và hơn nữa đó là xu hướng đầu tư trực tiếp nước ngoài thông qua hoạt động M&A đang tăng cao.
Ông Oliver Massmann – Tổng giám đốc Cty Luật Duane Morris Việt Nam, người đã có kinh nghiệm nhiều năm trong lĩnh vực M&A tại Việt Nam, cho rằng rất nhiều nhà đầu tư nước ngoài đang gia tăng sự quan tâm tại thị trường này và muốn vào theo con đường M&A. “Sự hội nhập sâu, rộng vào nền kinh tế thế giới đang mang lại những cơ hội mới cho hoạt động M&A. Những tín hiệu tích cực khiến các nhà đầu tư nước ngoài quan tâm là sự phục hồi của kinh tế vĩ mô, cải cách chính sách nhằm mở cửa rộng hơn cho đầu tư nước ngoài cùng vơi việc kết thúc đàm phán các hiệp định thương mại tự do,” ông Massmann nói. Thêm vào đó, các bộ luật được bổ sung, sửa đổi như Luật DN và Luật Đầu tư cũng đã tạo môi trường kinh doanh tốt hơn và thuận lợi hơn cho hoạt động M&A, theo ông Massmann.
Số liệu thống kê của Cty Stoxplus cho thấy đã có 341 thương vụ M&A được ghi nhận trong năm 2015, với tổng giá trị lên tới 5,2 tỷ USD. Số thương vụ này tăng 23,1% so với năm 2014 và 9,7% nếu tính về tổng giá trị các thương vụ. Riêng các thương vụ M&A được thực hiện bởi các nhà đầu tư nước ngoài chiếm tới 46% với tổng giá trị là 2,2 tỷ USD. Hầu hết các nhà đầu tư đến từ các nước và vùng lãnh thổ như Hồng Kông, Thái Lan, Nhật Bản, Hàn Quốc, Mỹ, Malaysia và Singapore.
Không thể phủ nhận rằng dòng vốn FDI chảy vào Việt Nam thông qua các dự án mới thành lập vẫn chiếm đa số, nhưng xu hướng M&A đang cho thấy một cơ hội mới thu hút FDI trong tương lai. Thực tế, đây cũng là xu hướng chung của dòng vốn FDI toàn cầu. Báo cáo từ Hội nghị Liên hợp quốc về thương mại và phát triển (UNCTAD) cho thấy hoạt động đầu tư FDI thông qua các thương vụ M&A đã tăng 61% trong năm 2015, trong khi tổng giá trị đầu tư FDI vào các dự án mới trong năm nói chung hầu như chỉ có ít thay đổi nhỏ.
Theo ông Massmann, hoạt động đầu tư FDI qua M&A trong năm 2016 tại Việt Nam sẽ tiếp tục tăng nhờ vào những tiến trình như tái cấu trúc ngân hàng và cổ phần hóa DN nhà nước.
“Xu hướng sẽ tiếp tục trong năm tới. Nếu như các nhà đầu tư nước ngoài đến Việt Nam để tham gia vào hoạt động sản xuất và kinh doanh, họ sẽ tiếp cận được các thị trường lớn là các nước thành viên của TPP và Hiệp định thương mại tự do Việt Nam – EU”, ông Massmann nói. Với kinh nghiệm của mình, ông cũng cho biết trong vòng vài năm qua đã có nhiều dự án đầu tư của các nhà đầu tư đến từ Mỹ, Nhật, EU tại Việt Nam nhằm đón đầu cơ hội kinh doanh do các hiệp định thương mại mang lại, bởi vì “thời gian là cốt yếu và những người đến đầu sẽ hưởng lợi nhiều nhất”.
Có lẽ đúng là vì thời gian là cốt yếu nên nhiều tập đoàn nước ngoài như BJC hay Centra Group của Thái Lan đã không muốn chậm chân khi vào Việt Nam và đã chọn con đường M&A.
(theo dddn.com.vn )