Sau 2 năm (2014 và 2015) được cho là cao điểm của dòng vốn đầu tư nước ngoài (FDI) vào lĩnh vực dệt may tại Việt Nam, từ đầu năm 2016 đến nay, dòng vốn này đang có dấu hiệu giảm tốc.
Theo số liệu từ Cục Đầu tư nước ngoài (Bộ Kế hoạch và Đầu tư), trong danh sách các dự án FDI điển hình, vốn đăng ký lớn trong 5 tháng đầu năm 2016 đã không thấy dự án dệt may nào. Những dự án lớn có quy mô đăng ký vài trăm triệu USD đều thuộc về các lĩnh vực sản xuất giấy, bất động sản, linh kiện điện tử, điện gió…
Trong khi đó, năm 2015, chỉ tính riêng 3 dự án FDI lớn, đình đám vào ngành sợi, dệt, nhuộm và may đã lên tới hơn 1 tỷ USD, như Dự án Công ty TNHH Hyosung Đồng Nai, với tổng vốn đầu tư lên tới 660 triệu USD, do nhà đầu tư Thổ Nhĩ Kỳ đầu tư tại Khu công nghiệp Đồng Nai, nhằm mục tiêu sản xuất và gia công các loại sợi; Dự án Sản xuất nguyên phụ liệu dệt may của Công ty TNHH Polytex Far Eastern (Đài Loan), có vốn đăng ký 274 triệu USD; Công ty TNHH Worldon Việt Nam (Hồng Kông) tăng vốn thêm 160 triệu USD để mở rộng sản xuất…
Từ nay đến năm 2018 dệt may vẫn là ngành được các nhà đầu tư nước ngoài quan tâm. Ảnh: Đức Thanh
Theo ông Nguyễn Hồng Giang, Tổng thư ký Hiệp hội Bông Sợi Việt Nam (VCOSA), hơn 2 tỷ USD vốn từ nước ngoài đã đổ vào ngành dệt may trong năm 2015 và phần lớn trong số này là các cụm dự án liên hoàn, từ sản xuất sợi, dệt nhuộm, hoàn tất vải và may xuất khẩu. Ngoài việc ghi dấu về năm có lượng vốn FDI kỷ lục vào ngành dệt may, năm 2015 còn đặt dấu ấn về chất lượng các dự án FDI trong lĩnh vực này.
Đường đi của các dự án FDI từ đầu năm 2016 tới nay, tuy không chứng kiến sự đổ bộ của những dự án vốn khủng như năm 2015, nhưng điểm qua một số dự án đã được cấp phép đầu tư, thì có thể thấy, dệt may vẫn là ngành được các nhà đầu tư nước ngoài để tâm. Theo thống kê của Hiệp hội Dệt May Việt Nam (Vitas), vốn FDI trong 5 tháng đầu năm 2016 vẫn đạt khoảng 500 triệu USD.
Những diễn biến trên cho thấy, sự sụt giảm vốn FDI đăng ký mới trong năm 2016 không đáng quan ngại, bởi lẽ, năm 2015 đã có những đột biến về lượng vốn đầu tư mới và tăng vốn của các nhà đầu tư nước ngoài, đón cơ hội từ các hiệp định thương mại tự do.
Tại Diễn đàn Giải pháp công nghệ Vương quốc Bỉ cho ngành công nghiệp dệt may vừa diễn ra tại Hà Nội, bà Jehanne Roccas, Đại sứ Vương quốc Bỉ tại Việt Nam cho rằng, với những hiệp định thương mại tự do thế hệ mới mà Việt Nam đang tham gia như TPP, EVFTA, FTA Việt Nam - Liên minh Kinh tế Á - Âu… dệt may vẫn là ngành nhận được sự quan tâm của các nhà đầu tư nước ngoài, do có lợi thế về thị trường xuất khẩu, giảm thuế, thu hút các dòng vốn đầu tư mới.
Trong số các địa phương thu hút được dự án FDI dệt may từ đầu năm nay, chỉ tính riêng 2 dự án vào Tây Ninh đã có tổng vốn đăng ký lên tới 187 triệu USD; trong đó, Công ty TNHH Công nghiệp De Licacy Việt Nam (Đài Loan) đầu tư 100 triệu USD chuyên sản xuất sợi, dệt vải, hoàn thiện sản phẩm dệt, in ấn, may trang phục. Còn dự án của Công ty TNHH Chain Yarn Việt Nam có vốn đầu tư 87 triệu USD, chuyên sản xuất sợi, dệt vải, hoàn thiện sản phẩm dệt, sản xuất sợi nhựa tổng hợp, nhựa…
Tại Bắc Ninh, Công ty TNHH Maple (Singapore) đầu tư 110 triệu USD thực hiện Dự án Nhà máy sản xuất trang phục may mặc.
Ngoài ra, còn Công ty TNHH Dong-IL Việt Nam của Hàn Quốc tại Khu công nghiệp Long Thành (Đồng Nai) đăng ký tăng thêm 51 triệu USD
Theo nhận định của Vitas, từ nay đến thời điểm 2018, dệt may Việt Nam tiếp tục là ngành được các nhà đầu tư nước ngoài để mắt tới, nhưng tại thời điểm này đã có thể thấy rõ sự thận trọng của các địa phương trước các nhà đầu tư có chủ trương đầu tư vào những ngành thâm dụng lao động, cần diện tích đất lớn như dệt may.
Được biết, một số địa phương như Đà Nẵng, Vũng Tàu cũng sẵn sàng nói không với những dự án dệt nhuộm sử dụng máy móc, công nghệ thiết bị lạc hậu, nhằm tránh hệ lụy về môi trường sau này.
Thế Hải / baodautu.vn