Dù số liệu vốn đầu tư nước ngoài vào Việt Nam năm 2016 được công bố ở con số kỷ lục 24,4 tỷ USD, song nếu chỉ tính vốn đăng ký mới và tăng thêm thì lại giảm so với năm trước đó.
Tuy nhiên, viễn cảnh dòng vốn đầu tư nước ngoài vào Việt Nam vẫn tươi sáng.
Cũng như mọi năm, thu hút vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) luôn là một trong những chủ đề nóng được chú ý trong nền kinh tế, vì vai trò của dòng vốn này đang ngày càng lớn. Đích thân Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc tại Diễn đàn Doanh nghiệp thường niên 2016, được tổ chức tại Hà Nội đầu tháng 12/2016, cũng đã khẳng định, khu vực FDI là một mắt xích không thể tách rời của kinh tế Việt Nam và thực tiễn cho thấy, khu vực này có những đóng góp ngày càng quan trọng đối với kinh tế đất nước.
Vì lý do đó, việc vốn FDI giảm luôn mang lại một câu hỏi lớn: Vì sao?
Theo số liệu của Bộ Kế hoạch và Đầu tư, nếu loại trừ lượng vốn mà nhà đầu tư nước ngoài đăng ký vào Việt Nam thông qua góp vốn, mua cổ phần, thì tính tới ngày 26/12/2016, cả nước có 2.556 dự án FDI được cấp chứng nhận đăng ký đầu tư, với tổng số vốn đăng ký đầu tư đạt 15,182 tỷ USD, giảm 2,5% về vốn đăng ký so với cùng kỳ năm 2015. Bên cạnh đó, có 1.225 lượt dự án đã cấp phép từ các năm trước đăng ký điều chỉnh vốn đầu tư, với vốn tăng thêm đạt 5,765 tỷ USD, giảm 19,7% về vốn tăng thêm.
Năm 2016 từng được kỳ vọng là một năm mang lại sự đột phá trong thu hút FDI, nếu Hiệp định Đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP) được 12 nước ký kết. Vào thời điểm cuối năm 2015 và đầu năm 2016, các nhà đầu tư nước ngoài hào hứng đầu tư vào Việt Nam để đón đầu TPP bao nhiêu, thì cuối cùng họ lại thận trọng bấy nhiêu. Tất cả do cuộc bầu cử Tổng thống ở Mỹ, với hai ứng cử viên tổng thống đều lên tiếng phản đối TPP. Tổng thống đắc cử Donald Trump thậm chí còn tuyên bố, Mỹ sẽ rút khỏi TPP ngay sau ngày đầu tiên ông nhậm chức tại Nhà Trắng.
Điều đó khiến một số nhà đầu tư nước ngoài có xu hướng đón đầu Hiệp định TPP tại Việt Nam phải tạm dừng dự án.
“Nói một cách khách quan, khi TPP đứng trước những dấu hỏi lớn thì các nhà đầu tư cũng sẽ phải xem xét lại. Chúng ta đều biết rằng, trong 2 - 3 năm qua, rất nhiều nhà đầu tư nước ngoài đầu tư vào Việt Nam để tận dụng lợi thế mà TPP có thể mang lại, nhưng bây giờ họ phải tính toán lại”, ông Võ Trí Thành, nguyên Phó viện trưởng Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương phân tích.
"Nền kinh tế Việt Nam đang thu hút lượng lớn vốn đầu tư nước ngoài. Sự hấp dẫn lúc này chưa cần tới TPP, mà là sự hấp dẫn của một thị trường hơn 93 triệu dân..." |
Tất nhiên, sự đình trệ của hiệp định TPP không phải là lý do duy nhất. Sự bất ổn của kinh tế toàn cầu, việc nước Anh rời khỏi Liên minh châu Âu cũng được các chuyên gia kinh tế cho là nguyên nhân khiến nhiều nhà đầu tư nước ngoài phải cân nhắc lại kế hoạch đầu tư.
Thế nhưng liệu việc dòng vốn đăng ký FDI sụt giảm trong năm 2016 có phải là dấu hiệu đáng ngại? Đề cập về vấn đề này, câu trả lời của GS-TSKH Nguyễn Mại, Chủ tịch Hiệp hội Các doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài, là không.
Theo ông Mại, điều đáng mừng nằm ở số vốn giải ngân đạt 15,8 tỷ USD, tăng 9% so với năm 2015. Đây là mức giải ngân vốn FDI cao nhất từ trước đến nay. Hơn nữa, nếu so về số dự án đầu tư, thì số lượng dự án đầu tư mới và tăng vốn trong năm 2016 cao hơn năm 2015 rất nhiều. Cụ thể, số dự án mới tăng 27% và số dự án tăng vốn tăng tới 50,5% so với năm 2015.
Những con số đó là minh chứng rõ nét thể hiện niềm tin vào nền kinh tế của các nhà đầu tư nước ngoài vẫn ở mức rất cao. Bởi nếu không có niềm tin, các nhà đầu tư đã không đầu tư mới hoặc tăng vốn nhiều như vậy. Nhìn vào viễn cảnh năm 2017, ông Mại cho rằng, dòng vốn FDI vào Việt Nam sẽ còn tiếp tục được cải thiện, bất chấp số phận hiệp định TPP vẫn bị bỏ ngỏ.
“Việt Nam vẫn còn những nền tảng cơ bản để đưa nền kinh tế phát triển mạnh hơn nữa”, bà Virginia B. Foote, Chủ tịch Phòng Thương mại Hoa Kỳ (AmCham) tại Việt Nam nói và nhấn mạnh rằng, các công ty và nhà đầu tư Mỹ rất hy vọng về triển vọng kinh doanh tại Việt Nam.
Sự lạc quan của ông Mại hay bà Foote vào triển vọng đầu tư FDI tại Việt Nam không phải là cá biệt. Khảo sát mới đây nhất do Hãng kiểm toán danh tiến PwC thực hiện đối với các doanh nhân thuộc các nước APEC cho thấy điều tương tự. Cụ thể, có hơn 2/3 doanh nhân ở Việt Nam nói rằng, họ sẽ tăng đầu tư trong năm tới. Tỷ lệ này cao hơn mức trung bình 53% ở cả khu vực APEC.
“Vị trí trung tâm của Việt Nam liên quan tới các dự án thương mại trong khu vực đã củng cố cho viễn cảnh tăng trưởng của nước này”, PwC nêu rõ trong báo cáo về cuộc khảo sát.
Theo PwC, nền kinh tế Việt Nam đang thu hút lượng lớn vốn đầu tư nước ngoài. Sự hấp dẫn lúc này chưa cần tới TPP, mà là sự hấp dẫn của một thị trường hơn 93 triệu dân có mức thu nhập đang tăng cao, kết hợp với sự nới lỏng về tỷ lệ sở hữu đầu tư nước ngoài trong các ngành nghề.
Còn một cuộc khảo sát khác do ngân hàng United Overseas Bank của Singapore thực hiện mới đây cũng cho thấy, Việt Nam vẫn là một trong những nơi hấp dẫn đầu tư nhất ở châu Á. Những lĩnh vực hấp dẫn đầu tư nhất ở Việt Nam là ngành sản xuất, y tế và dược phẩm, xây dựng và bất động sản, năng lượng và khai thác tài nguyên thiên nhiên.
Nguyên Đức / baodautu