Từ kinh nghiệm của 30 năm làm ăn với các thị trường và đối tác khá đa dạng, Việt Nam cần điều chỉnh quan hệ hợp tác đầu tư với từng thị trường và đối tác, nhằm tận dụng tốt hơn cơ hội khi hình thành Cộng đồng Kinh tế ASEAN (AEC) và các hiệp định thương mại tự do (FTA) mới.
Trong 30 năm thu hút vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI), Việt Nam đã tiếp nhận vốn đầu tư của các doanh nghiệp trên 100 quốc gia và vùng lãnh thổ.
Thông qua kênh FDI, không những trên 160 tỷ USD vốn đầu tư quốc tế đã chảy vào các tỉnh, thành phố, hình thành gần 20.000 doanh nghiệp FDI, đóng góp quan trọng vào việc thực hiện các chiến lược phát triển kinh tế - xã hội của đất nước, mà còn tác động tích cực đến việc giao lưu giữa các nền văn hóa khác nhau thông qua quá trình hợp tác cùng có lợi giữa người Việt Nam với nhiều dân tộc trên thế giới.
-I- |
Châu Á là thị trường thu hút FDI hàng đầu, chiếm trên 70% tổng vốn FDI tại Việt Nam, trong đó Hàn Quốc, Nhật Bản, Đài Loan và Singapore chiếm 80% vốn FDI đăng ký của châu Á.
Tính đến cuối năm 2016, Hàn Quốc đăng ký đầu tư vào Việt Nam trên 52 tỷ USD. FDI của Hàn Quốc tăng lên nhanh chóng trong những năm gần đây do liên tiếp có các dự án hàng tỷ USD của nhiều tập đoàn lớn đầu tư vào công nghệ cao để tận dụng ưu đãi về thuế, đất đai và nguồn nhân lực có chất lượng cao, nhưng tiền công chỉ khoảng 1/3 của Hàn Quốc. Với quan hệ chính trị tốt đẹp giữa hai nước, sự ổn định kinh tế, xã hội, điều kiện làm việc và sinh sống tại Việt Nam ngày càng được cải thiện, Việt Nam đã đón hàng vạn người Hàn Quốc đến lập nghiệp khá thành công.
Các nhà đầu tư Nhật Bản đến Việt Nam vào đầu thời kỳ đổi mới và hội nhập. Nhiều tập đoàn kinh tế lớn đã đầu tư vào công nghiệp chế tạo ô tô, xe máy, hóa chất, khách sạn, hạ tầng khu công nghiệp từ đầu thập niên 90 thế kỷ XX và tiếp tục mở rộng đầu tư vào nhiều ngành và lĩnh vực kinh tế như lọc hóa dầu, siêu thị, logistic. Gần đây, khi Việt Nam chủ trương phát triển công nghiệp hỗ trợ, xây dựng nông nghiệp công nghệ cao, thì doanh nghiệp nhỏ và vừa Nhật Bản đã đến đầu tư khá thành công ở nhiều địa phương. Nhật Bản có vốn đầu tư đăng ký gần 40 tỷ USD.
Doanh nghiệp Đài Loan tiến hành nhiều dự án đầu tư vào công nghiệp thực phẩm, xe máy, cơ khí chế tạo, hạ tầng khu công nghiệp, điển hình là Khu chế xuất Tân Thuận, Khu đô thị Phú Mỹ Hưng, Liên hợp sắt thép tại Hà Tĩnh; đang đứng trong tốp đầu của các nước và vùng lãnh thổ đầu tư tại Việt Nam, với gần 34 tỷ USD vốn đăng ký.
Hồng Kông đầu tư tại Việt Nam hàng trăm dự án quy mô nhỏ và trung bình vào may mặc, công nghiệp chế tạo, khách sạn, văn phòng cho thuê và dịch vụ, với vốn đăng ký đạt 17,2 tỷ USD.
Trung Quốc đã tăng nhanh vốn đầu tư tại Việt Nam trong những năm gần đây, đạt trên 12 tỷ USD vốn đăng ký, tập trung vào sản xuất, phân phối điện, khí, nước và bất động sản. Một số dự án lớn như Nhà máy Điện than Vĩnh Tân 1 vốn đầu tư 2 tỷ USD tại Bình Thuận, dự án xây dựng các nhà máy sợi, dệt may tại các tỉnh phía Bắc có quy mô hơn 1 tỷ USD. Trung Quốc chủ trương tăng cường đầu tư ra nước ngoài, nên có thể từ vị trí thứ 9 hiện nay trở thành nhà đầu tư hàng đầu tại Việt Nam trong những năm sắp đến.
ASEAN có 7 nước đã đầu tư vào Việt Nam, nhưng chỉ Singapore, Malaysia và Thái Lan là đáng kể. Singapore có vốn đăng ký trên 37,5 tỷ USD tại Việt Nam, đầu tư vào ngành chế tạo, khách sạn, cảng biển, bất động sản, đồ uống. Singapore đã hợp tác rất có hiệu quả với Việt Nam thành lập các khu công nghiệp VSIP bắt đầu ở Bình Dương, đến nay đã mở rộng ra nhiều địa phương. Nhiều nhà đầu tư từ Singapore là chi nhánh công ty xuyên quốc gia (TNCs) của nước khác
Malaysia đã đầu tư tại Việt Nam với vốn đăng ký trên 14 tỷ USD tập trung vào sản xuất và phân phối điện, khí đốt và điều hòa không khí, lớn nhất là Dự án Nhà máy Nhiệt điện Duyên Hải 2 vốn đầu tư 2,4 tỷ USD.
Thái Lan đạt 8,4 tỷ USD vốn đăng ký tại Việt Nam, đầu tư vào chế tạo, hóa chất, xây dựng hạ tầng khu công nghiệp, chế biến thức ăn gia súc, chăn nuôi và bán lẻ. Hai năm gần đây, một số tập đoàn Thái Lan đã mua lại siêu thị lớn làm gia tăng thị phần của hàng hóa nước này trên thị trường Việt Nam.
FDI của các tập đoàn kinh tế lớn đã gia tăng nhanh chóng trong mười năm gần đây, nhất là từ khi Việt Nam gia nhập WTO, tiềm lực kinh tế khá hơn, cơ sở hạ tầng được xây dựng tốt hơn. |
Đầu tư của Mỹ và EU vào Việt Nam còn ít so với FDI của họ trên thế giới và vào các nước ASEAN. Mỹ - cường quốc kinh tế số 1 và là nhà đầu tư lớn nhất thế giới chỉ có gần 12 tỷ USD vốn đăng ký tại Việt Nam, chưa đạt được kỳ vọng của cả hai bên khi quan hệ giữa hai nước đã được bình thường hóa gần 1/4 thế kỷ, kim ngạch thương mại từ khi Hiệp định Thương mại song phương (BTA) Việt Nam - Hoa Kỳ có hiệu lực năm 2001 đã tăng rất nhanh, quan hệ chính trị cũng đang phát triển tích cực.
Trong số 24/28 nước EU đã đầu tư vào Việt Nam 24 tỷ USD vốn đăng ký thì Hà Lan, Anh, Pháp, Luxembourg và Đức chiếm tới 84,3%. Nhiều tập đoàn lớn của EU đã có mặt tại Việt Nam từ cách đây gần 30 năm để thăm dò, khai thác dầu khí, tiếp đó đầu tư vào ngành ô tô, xe máy, thực phẩm, bất động sản và siêu thị. Mặc dù quan hệ giữa Việt Nam với EU về kinh tế, thương mại và chính trị tiến triển thuận lợi, nhưng FDI của EU tại Việt Nam còn quá khiêm tốn.
-II- |
FDI tại Việt Nam phần lớn do các doanh nghiệp nhỏ và vừa (DNNVV) thực hiện, vốn đầu tư trung bình mỗi dự án trong 15 năm đầu dưới 10 triệu USD, tính chung 30 năm khoảng 15 triệu USD. Ưu thế của DNNVV là năng động, linh hoạt, đầu tư theo “bầy đàn”, khi doanh nghiệp đã kinh doanh có hiệu quả ở một địa phương thì lôi kéo bạn bè, bà con đến đó lập nghiệp. Một số DNNVV gắn với TNCs để làm công nghiệp hỗ trợ do có quan hệ truyền thống, tin cậy tại nước họ.
Tuy vậy, FDI của DNNVV có nhiều hạn chế, do vốn tự có không nhiều, nên dự án đầu tư muốn được triển khai lại phụ thuộc vào vốn vay ngân hàng, vì thế thường mất nhiều thời gian để thực hiện. Trong trường hợp khủng hoảng kinh tế, kinh doanh khó khăn, thua lỗ thì DNNVV dễ ngừng hoạt động, thậm chí phá sản, không thể triển khai dự án mới do không sắp xếp được các khoản vay. Trong những năm gần đây, đã có hàng trăm chủ doanh nghiệp bỏ về nước, để lại công ty, nhà máy tại nhiều địa phương mà không làm thủ tục phá sản hoặc thanh lý, không thanh toán tiền công cho người lao động, không trả nợ cho ngân hàng, lãng phí đất đai.
Trên thế giới, FDI chủ yếu là hoạt động của TNCs. Quá trình biến đổi từ nền kinh tế lạc hậu thành tiền tiến, rút ngắn thời gian công nghiệp hóa để một số quốc gia tạo nên “Sự thần kỳ Đông Á” có nguyên nhân quan trọng là tiếp nhận vốn đầu tư và công nghệ từ TNCs hàng đầu thế giới, tăng thêm nội lực, biến công nghệ nước ngoài thành công nghệ trong nước nhờ nghiên cứu và phát triển (R&D).
FDI của các tập đoàn kinh tế lớn đã gia tăng nhanh chóng trong mười năm gần đây, nhất là từ khi Việt Nam gia nhập WTO, tiềm lực kinh tế khá hơn, cơ sở hạ tầng được xây dựng tốt hơn.
Trong thăm dò và khai thác dầu khí có BP, BHP, Total, Mitsubishi; sản xuất ô tô có Toyota, Honda, Ford, Hyundai, Kia, Mercedes - Benz, Daewoo; sản xuất xe máy có Honda, Yamaha, Sym, Suzuki; công nghệ tin học có IBM, Intel, Samsung, Nokia, LG; nhiều tên tuổi lớn về khách sạn đã kinh doanh tại nước ta như Inter Contidential, Hyatt, Sheraton, Marriot, Sofitel, Metropole; các hãng đồ uống hàng đầu thế giới như Coca-cola, PepsiCo, Tiger, Carlsberg...
Samsung là tập đoàn nước ngoài đầu tư nhiều nhất tại Việt Nam với vốn đăng ký 15 tỷ USD, phần lớn đã thực hiện. Do đó, Việt Nam trở thành cứ điểm sản xuất của Tập đoàn để cung ứng smartphone, máy tính bảng, điện tử gia dụng cho thị trường thế giới, kéo theo hàng trăm nhà đầu tư vệ tinh.
Dự án nhà máy lọc dầu lớn nhất Việt Nam sắp được đưa vào vận hành có vốn đầu tư 9 tỷ USD, công suất 10 triệu tấn/ năm là liên doanh gồm Tập đoàn Dầu khí Việt Nam, Công ty Dầu hỏa Kuwait quốc tế, Công ty Idemitsu và Công ty hóa chất Mitsui.
Fomosa là tập đoàn lớn nhất Đài Loan vào Việt Nam từ giữa thập niên 90, đã hoàn thành xây dựng Khu liên hợp sắt thép quy mô lớn với cảng biển nước sâu có vốn đầu tư 9 tỷ USD.
LG với khoản đầu tư 3 tỷ USD xây dựng tổ hợp nhà máy sản xuất màn hình OLED dành cho các thiết bị di động.
Lotte sau khi hình thành chuỗi siêu thị Lotte Mart, đã mua lại Diamond Plaza, xây dựng Lotte Center Hà Nội và đang cùng các đối tác theo đuổi Dự án Thành phố thông minh, vốn đầu tư 2 tỷ USD tại TP.HCM.
Một số tập đoàn kinh tế lớn đã xây dựng trung tâm R&D tại Hà Nội, TP.HCM để tận dụng lợi thế của Việt Nam về chất xám của thế hệ trẻ.
Tuy vậy, so với một số quốc gia ASEAN như Thái Lan, Singapore, thì đầu tư của TNCs từ các nước G7 vào Việt Nam còn chưa nhiều, mặc dù từ năm 2007, khi tổng kết 20 năm thực hiện Luật Đầu tư nước ngoài, Chính phủ đã chủ trương coi trọng tiếp nhận vốn đầu tư của TNCs công nghệ cao và dịch vụ hiện đại.
Từ năm 2002, Trung Quốc đã trở thành quốc gia hàng đầu về thu hút FDI. Đến nay, đã có 400 TNCs trong số 500 TNCs lớn nhất đã kinh doanh tại nước này. Không chỉ đầu tư, thương mại, nhiều tập đoàn còn chuyển đại bản doanh đến Bắc Kinh, Thượng Hải, Quảng Châu và Thâm Quyến.
Châu Á tiếp tục là thị trường hàng đầu
Trong những năm sắp đến, châu Á tiếp tục là thị trường hàng đầu, trong đó Hàn Quốc, Nhật Bản, Đài Loan, Trung Quốc và Singapore vẫn dẫn đầu FDI tại Việt Nam.
Đối với Hàn Quốc, việc thực hiện FTA Việt - Hàn tác động tích cực đến quan hệ thương mại và đầu tư giữa hai nước. Theo nhận định của Hãng thông tấn Yonhap, các công ty nước này đang chuyển trọng tâm sang thị trường Việt Nam, trong bối cảnh kinh doanh của họ ở Trung Quốc gặp khó khăn. Yonhap dẫn báo cáo của Cơ quan Xúc tiến đầu tư và thương mại Hàn Quốc về việc Chính phủ nước này chủ trương mở rộng xuất khẩu hàng hóa sang Việt Nam để khắc phục tình trạng thương mại đang trì trệ, coi Việt Nam là cơ hội tốt cho các công ty của Hàn Quốc.
Đối với Nhật Bản, hai nước đã thỏa thuận về việc tiếp tục phối hợp triển khai ”Sáng kiến chung Việt- Nhật”, đẩy mạnh hợp tác đầu tư vào nông nghiệp công nghệ cao và 6 ngành là điện tử, máy nông nghiệp, chế biến nông, thủy sản, đóng tàu, môi trường và tiết kiệm năng lượng, sản xuất ô tô và phụ tùng ô tô. Hai nước đã thống nhất về việc hợp tác xúc tiến đầu tư dưới nhiều hình thức: 1) thành lập các bộ phận hỗ trợ chuyên biệt cho các nhà đầu tư Nhật Bản; 2) xây dựng tài liệu và trang web xúc tiến đầu tư bằng tiếng Nhật; 3) đẩy mạnh hợp tác với các liên đoàn kinh tế (keidanren, kankeiren, chukeiren...), Phòng Thương mại Nhật Bản (JCCI), ngân hàng, công ty tư vấn, quỹ đầu tư của Nhật Bản; 4) đẩy mạnh kết nối các địa phương của Việt Nam với các địa phương của Nhật Bản.
Đối với Trung Quốc, cần đánh giá đúng cơ hội và thách thức khi nước này gia tăng vốn đầu tư tại Việt Nam; không nên định kiến đến mức coi vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) của Trung Quốc chỉ có tác động tiêu cực, mà phải biết tranh thủ cơ hội trong quan hệ giữa Trung Quốc với ASEAN khi nước ta là cửa ngõ của ASEAN với Trung Quốc. Nhân tố quyết định của việc bảo đảm hiệu quả kinh tế - xã hội khi tiếp nhận FDI của Trung Quốc là biết lựa chọn dự án và nhà đầu tư phù hợp với định hướng mới về FDI để hình thành nền kinh tế xanh, thực hiện công nghiệp hóa theo hướng hiện đại, không để lợi ích nhóm, lợi ích địa phương xâm hại lợi ích dân tộc trong quan hệ đầu tư với nền kinh tế lớn thứ hai thế giới..
Đối với ASEAN, cần nghiên cứu để vận dụng có kết quả Hiệp định Đầu tư toàn diện ASEAN (ACIA) được ký kết ngày 26/2/2009, có hiệu lực từ ngày 29/3/2012, với mục đích thúc đẩy tiến trình xây dựng một khu vực đầu tư tự do, mở cửa, minh bạch và hội nhập trong ASEAN. ACIA tạo ra cơ chế đầu tư cởi mở và tự do trong ASEAN hướng tới mục tiêu hội nhập kinh tế trong AEC với Dấu ấn AEC (AEC Blueprint), thông qua: (a) Tự do hóa nhanh các cơ chế đầu tư của các nước thành viên; (b) Tăng cường cơ chế bảo hộ nhà đầu tư và các khoản đầu tư của nước thành viên; (c) Tăng cường tính minh bạch và dự đoán trước về nguyên tắc, quy chế, thủ tục đầu tư nhằm thúc đẩy đầu tư giữa các nước thành viên; (d) Xúc tiến đầu tư chung trong ASEAN như một khối thống nhất và (e) Hợp tác nhằm tạo ra những điều kiện thuận lợi cho các nhà đầu tư của một nước thành viên này tại các nước thành viên khác.
Tận dụng cơ hội với EU và Mỹ
Đối với EU, để tăng nhanh FDI từ EU vào Việt Nam, cần tận dụng cơ hội mới khi FTA Việt Nam - EU có hiệu lực, đẩy mạnh công tác xúc tiến đầu tư hướng vào lĩnh vực doanh nghiệp EU có thế mạnh như công nghiệp chế tạo, tài chính, ngân hàng, thương mại, công nghiệp điện tử, tin học, điện gió, điện mặt trời, năng lượng tái tạo; các địa phương cần coi trọng xúc tiến đầu tư tại chỗ. tháo gỡ vướng mắc của doanh nghiệp EU đang hoạt động tại Việt Nam, qua đó quảng bá hình ảnh, môi trường đầu tư của nước ta và của từng địa phương đến các nhà đầu tư tiềm năng của EU..
Đối với Mỹ, dù Mỹ rút khỏi Hiệp định Đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP) và chính sách kinh tế của Tổng thống Donald Trump có tác động nhất định đến quan hệ thương mại và đầu tư giữa hai nước, nhưng Phó chủ tịch cấp cao và Giám đốc điều hành khu vực, Hội đồng Kinh doanh Hoa kỳ- ASEAN nhận định: “Tuy chính sách của Mỹ đã có những thay đổi nhưng những tiến bộ, cải cách của khu vực ASEAN, trong đó có Việt Nam, đã tạo ra sức hấp dẫn cho khu vực này. Và Việt Nam là thị trường có sức hấp dẫn mà các doanh nghiệp Mỹ rất hứng thú”. Nhận định đó được minh chứng thông qua chuyến thăm Việt Nam gần đây của đoàn cấp cao các tập đoàn lớn của Mỹ như Apple, Exxon Mobil, GM, Google, MasterCard...
Chuyển hướng sang các TNCs
Trong khi vẫn coi trọng đầu tư quốc tế của doanh nghiệp nhỏ và vừa, thì nước ta cần chuyển hướng sang thu hút FDI của các công ty xuyên quốc gia (TNCs). Bởi vì trong bối cảnh toàn cầu hóa và cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ IV, chính sách công nghiệp hóa Việt Nam cần tận dụng cơ hội mới khi nhiều TNCs hàng đầu thế giới đầu tư vào công nghệ thông tin, xây dựng các trung tâm nghiên cứu và phát triển (R&D) ở nước ta. Các nhà quản lý các tập đoàn này đã tìm thấy ở Việt Nam sự ổn định về chính trị, kinh tế, pháp luật bảo đảm an tòan cho các khoản đầu tư lâu dài của họ; chất lượng nguồn nhân lực - con người Việt Nam thích ứng với các ngành công nghệ, dịch vụ tương lai, đòi hỏi tính sáng tạo, ý tưởng mới, năng động trong tư duy và hành động.
Để thu hút có hiệu quả và chất lượng hơn FDI của TNCs từ các nước OECD cần lưu ý 4 vấn đề sau đây:
Thứ nhất, chiến lược toàn cầu về đầu tư và thương mại của từng TNC và việc điều chỉnh chiến lược để thích ứng với trạng thái của kinh tế thế giới và các quốc gia.
Thứ hai, công khai, minh bạch về luật pháp, giảm thiểu thời gian tiến hành các thủ tục hành chính và chi phí cơ hội; loại bỏ chi phí bôi trơn, tham nhũng là đòi hỏi của TNCs, nhất là TNCs của Mỹ và châu Âu.
Thứ ba, bảo vệ quyền sở hữu trí tuệ mà nước ta đã cam kết trong nhiều hiệp định liên quan đến đầu tư và các FTA mới với những quy định khắt khe, cao hơn và phạm vi rộng hơn là vấn đề nổi lên trong thu hút FDI từ TNCs.
Thứ tư, đổi mới cách làm từ xúc tiến đầu tư đến thẩm định, cấp giấy chứng nhận đầu tư, triển khai dự án và hổ trợ nhà đầu tư khi gặp khó khăn.
Thành công của nhiều địa phương thu hút FDI trong những năm gần đây như Bắc Ninh, Thái Nguyên khẳng định vai trò của người đứng đầu tỉnh, thành phố khi tiếp xúc với chủ tịch, CEO của TNCs, chỉ đạo các cơ quan và công chức nghiêm chỉnh thực hiện đúng các cam kết trong các cuộc gặp cấp cao, tạo lòng tin cho nhà đầu tư.
Trong khi vẫn tiếp tục coi trọng FDI của châu Á và doanh nghiệp nhỏ và vừa, trong những năm sắp tới, cần thu hút nhiều hơn FDI của TNCs từ các nước công nghiệp phát triển ở châu Âu và Mỹ để cùng với việc thực hiện mục tiêu 1 triệu doanh nghiệp tư nhân với quy mô lớn hơn vào năm 2020, nâng cao hiệu quả và cổ phần hóa doanh nghiệp nhà nước, nhằm thực hiện thắng lợi mục tiêu của kế hoạch 5 năm 2016 - 2020.
GS-TSKH Nguyễn Mại