Theo Financial Times, nhu cầu ô tô đang diễn biến "hai tốc độ" tại các nền kinh tế lớn nhất Đông Nam Á.
Ảnh minh họa.
Trong khi doanh số bán ô tô tại Philippines và Việt Nam tăng trưởng ấn tượng thì tình hình ở một số thị trường lâu đời hơn như Indonesia, Malaysia và Thái Lan, diễn ra ngược lại.
Thị trường ô tô Việt Nam đang ngày càng thu hút sự chú ý của giới đầu tư. Các số liệu mới nhất cho thấy doanh số bán ô tô tại Việt Nam tính từ đầu năm đến hết tháng 10 tăng 59% so với cùng kỳ năm ngoái, sau khi ghi nhận mức tăng 35% trong năm 2014 và 23% trong năm 2013.
Theo nghiên cứu của FT Confidential Research thuộc tờ Financial Times, Việt Nam hiện chiếm 6,8% doanh số bán ô tô tại "ASEAN 5" - bao gồm Indonesia, Malaysia, Philippines, Việt Nam và Thái Lan - và có thể đạt mức 10% trong năm 2016, cao gấp năm lần so với mức 2% của năm 2012.
Việt Nam hiện vẫn là nước nghèo nhất Đông Nam Á, ngoài Myanmar, Campuchia và Lào. Mặc dù vậy, với dân số 90 triệu người và là một trong những nền kinh tế phát triển năng động nhất khu vực, Việt Nam đang ngày càng trở thành thị trường tiêu thụ ô tô hấp dẫn.
Nhu cầu ô tô cũng tăng mạnh tại Philippines. Sau mức tăng 29% năm ngoái, doanh số bán ôtô trong các tháng 1 - 10/2015 tăng 22%.
Tuy nhiên, đà tăng trưởng ấn tượng tại Việt Nam và Philippines vẫn không bù đắp được nhu cầu đi xuống tại các thị trường lớn nhất trong khối. Tính cả khu vực, doanh số bán ô tô giảm 7% từ đầu năm đến hết tháng 10, tương đương gần 200.000 xe.
Tại Indonesia, doanh số bán xe trong cùng thời gian giảm 18% và nguyên nhân một phần được cho là do quyết định của Tổng thống Joko Widodo giảm trợ giá nhiên liệu.
Trong khi đó, Thái Lan tiếp tục chịu ảnh hưởng từ nhu cầu ô tô yếu đi sau khi chính phủ tiền nhiệm thực hiện chương trình giảm thuế ô tô, với khoảng 1,2 triệu xe đã được bán ra trong năm 2013 và 2014.
Tính trong "ASEAN 5", Toyota vẫn là thương hiệu xe được ưa chuộng số một, tiếp đó là Honda. Hai nhãn hiệu xe ô tô Nhật Bản này đang được hưởng lợi từ nhu cầu gia tăng mạnh tại Việt Nam và Philippines.
(Theo P.V - TTXVN)