Cuộc cách mạng khoa học lần thứ tư đã trở thành chủ đề chính được thảo luận tại Diễn đàn Kinh tế thế giới thường niên diễn ra tại Davos (Thụy Sỹ) từ ngày 19-23/1 năm nay. Trong bối cảnh kinh tế toàn cầu đang đối mặt với nhiều thách thức, từ nguy cơ khủng bố, các cuộc xung đột vũ trang, cho tới suy giảm kinh tế của Trung Quốc và cả sự rớt giá thê thảm của dầu thô, không phải ngẫu nhiên mà cách mạng khoa học công nghệ lại được lựa chọn làm chủ đề chính của diễn đàn. Đó là vì, theo lời của ông Klaus Schwab – người sáng lập Diễn đàn Kinh tế thế giới, tiến bộ khoa học công nghệ đang đóng một vai trò dẫn dắt rất lớn đối với sự thay đổi của kinh tế toàn cầu.
“Cần cảnh tỉnh nhân loại về những thay đổi vô cùng to lớn mà cuộc cách mạng khoa học lần thứ tư đem lại. Cuộc cách mạng mới này sẽ có những tác động to lớn đến thị trường lao động”, ông Schwab nói và cho rằng, nó không “giết chết” mọi việc làm, nhưng sẽ loại bỏ một số nghề, đặc biệt là những nghề trung gian. Sự ra đời của loại hình taxi Uber đã gây ra khá nhiều phản ứng tại nhiều nước trên thế giới, nhưng đó cũng là một dấu hiệu rõ nét về tác động của khoa học công nghệ tới nền kinh tế toàn cầu.
Trong khi nhiều ý kiến trên khắp thế giới vẫn còn đang bàn luận xoay quanh vấn đề liệu cuộc cách mạng khoa học lần thứ tư đã diễn ra chưa hay mới chỉ bắt đầu thì ở Việt Nam, ông Trương Gia Bình – người đồng sáng lập kiêm Chủ tịch Hội đồng quản trị tập đoàn công nghệ FPT – nhận định rằng, cuộc cách mạng đó đã diễn ra được ba năm rồi.
Ông Bình miêu tả cuộc cách mạng công nghệ lần thứ tư là “chưa từng có và sẽ biến đổi nhân loại như chưa từng xảy ra. Mỗi một con người sẽ sống, làm việc và giao tiếp theo một cách hoàn toàn mới”.
Và với cương vị là người đứng đầu tập đoàn công nghệ lớn nhất Việt Nam khi nhận định như vậy, ông Bình chắc chắn đã có kế hoạch riêng để đảm bảo FPT không bị tụt lại so với thời cuộc.
Đổi mới
Không giấu giếm, ông Bình cho hay, năm 2016 đã được FPT xác định là năm “đổi mới để tăng trưởng”. Thực tế thì FPT đã liên tục tăng trưởng trong nhiều năm. Mới đây nhất, tập đoàn này công bố doanh thu hợp nhất của toàn tập đoàn trong năm 2015 ước đạt hơn 40.000 tỷ đồng, tăng 14% so với năm 2014. Lợi nhuận trước thuế đạt 2.851 tỷ đồng, tăng 16% so với một năm trước đó. Nhưng đứng trước sự thay đổi như vũ bão của khoa học công nghệ, kết quả tăng trưởng trên đã không làm ông Bình và những người lãnh đạo khác ở FPT an lòng.
“Trong bối cảnh cuộc cách mạng nhanh như vậy thì ngay lập tức phải hành động. Đổi mới chính là động lực mạnh nhất để tăng trưởng”, ông Bình nhấn mạnh khi lý giải tại sao FPT lại quyết định có những bước đổi mới trong năm nay.
Tất nhiên với một tập đoàn công nghệ, để theo kịp cuộc cách mạng khoa học lần thứ tư đang diễn ra mạnh mẽ thì đổi mới đầu tiên chính là đổi mới về công nghệ. Ông Bình cho biết, FPT sẽ ứng dụng nhiều nhất có thể những công nghệ mới nhất vào các hoạt động kinh doanh của mình để đổi mới mô hình kinh doanh và cách thức cung cấp dịch vụ. Đó chính là sự dịch chuyển sang công nghệ điện toán đám mây, phát triển các ứng dụng liên quan đến công nghệ điều khiển bằng giọng nói, dữ liệu lớn và phát triển các giải pháp công nghệ hỗ trợ lái xe ô tô tự động , và thậm chí tham gia cả vào lĩnh vực hàng không số. Dự án ứng dụng công nghệ thông tin trong nông nghiệp mà FPT mới bắt tay với tập đoàn Fujitsu của Nhật Bản có thể được coi là bước đi đầu tiên của tập đoàn này trong ứng dụng công nghệ số vào nông nghiệp.
Với 28 năm kinh nghiệm tại FPT, đưa tập đoàn này chỉ từ một công ty nhỏ bé lên một thương hiệu công nghệ lớn nhất Việt Nam và có tên tuổi trong làng công nghệ thế giới, ông Bình hiểu tại sao phải thay đổi. Bởi chính sự thay đổi kịp thời trong chiến lược kinh doanh vào những thời điểm quyết định đã góp phần làm nên tên tuổi của FPT ngày nay.
Ông Bình kể lại rằng, vào thập kỷ 90 của thế kỷ trước, khi FPT đã có vị thế hàng đầu trong làng công nghệ ở Việt Nam, Giám đốc IBM tại Việt Nam ngày đó nói với ông rằng, IBM đã từng đứng bên bờ vực phá sản với khoản lỗ hàng tỷ đô la do đã mắc bệnh ngủ quên trên vòng nguyệt quế.
Chính vì nỗi sợ hãi rằng, một ngày nào đó FPT cũng sẽ ngủ quên nên những người đứng đầu FPT lúc bấy giờ đã đặt một thách thức vượt ra khỏi năng lực của họ. “Trong khi chưa làm được phần mềm để phục vụ cho nhu cầu trong nước, chúng tôi quyết định làm phần mềm cho quốc tế,” ông Bình nhớ lại. Đó là một quyết định khó khăn lúc bấy giờ. Với một quốc gia mà người ta thường nhớ đến với một cuộc chiến tranh lại đi cung cấp công nghệ cho các tập đoàn hàng đầu thế giới, ông Bình gọi kế hoạch đó là “vọng tưởng”. Nhưng khi đi thăm Ấn Độ, Trung Quốc thấy người ta làm được thì ông cho rằng, không có lý gì FPT không làm được. Kết quả là đến ngày hôm nay, FPT đã có mặt ở các thị trường khó tính như Nhật Bản, châu Âu và cả Mỹ. Trong số 500 tập đoàn lớn nhất thế giới, có tới 300 tập đoàn đã nằm trong danh sách khách hàng của FPT. Nhưng đó là chuyện đã qua và lần thay đổi trước là từ việc tập trung chỉ riêng ở thị trường Việt Nam tới mở rộng ra toàn cầu. Còn bây giờ, khi đã có sự hiện diện trên trường quốc tế rồi và phải đối mặt với một cuộc cách mạng công nghệ mạnh mẽ chưa từng có, làm thế nào để FPT có thể bắt kịp tốc độ, có thể đầu tư và sáng tạo kịp với những tập đoàn công nghệ khổng lồ khác trên thế giới để không bị tụt lại phía sau? Đó là những câu hỏi mà ông và đồng sự của mình trăn trở.
Ông Bình cho biết, FPT sẽ đổi mới mạnh về công nghệ, phát triển các dịch vụ, giải pháp theo xu hướng công nghệ mới nhất của thế giới, có cơ hội cạnh tranh sòng phẳng với các tập đoàn công nghệ toàn cầu và cách thức kinh doanh hướng tới từng khách hàng cá nhân. Nhưng để làm được điều đó ông và những lãnh đạo khác của FPT cũng phải thực hiện một chính sách đổi mới nữa không kém phần quan trọng, đó là chính sách đối nội để kích thích sự sáng tạo và thu hút nhân tài.
Chính sách “Thành Cát Tư Hãn”
Một trong những bí quyết mà ông Bình cho rằng đã dẫn đến thành công của Thành Cát Tư Hãn khi xây dựng đế chế Mông Cổ hùng mạnh là chính sách đãi ngộ. Mỗi khi chiến thắng và thống trị một vùng đất nào đó, Thành Cát Tư Hãn chia chiến lợi phẩm làm 3 phần, một phần dành cho ông, một phần dành cho các tướng lĩnh và một phần dành cho binh sỹ. Như vậy, ai cũng có phần và muốn nỗ lực cống hiến cho ước mơ mở rộng lãnh thổ của Thành Cát Tư Hãn.
Ngoài các chương trình đào tạo nội bộ, chính sách “Thành Cát Tư Hãn” chính là cách để FPT thu hút được nhiều ý tưởng xuất sắc về công nghệ từ các nhân tài trong và ngoài tập đoàn, tạo động lực để họ cùng FPT khởi nghiệp, tạo ra những hướng kinh doanh mới, sản phẩm dịch vụ mới, tạo động lực làm việc và khuyến khích sự sáng tạo của nhân viên cũng như tạo ra sự gắn bó giữa tập đoàn và nhân viên. Đơn giản là vì những người lãnh đạo tập đoàn như ông Bình hiểu rằng, tài sản lớn nhất của một công ty công nghệ là con người và sự sáng tạo. Nếu không giữ được người giỏi cũng như tạo động lực cho sự sáng tạo thì chắc chắn FPT sẽ bị tụt lại sau cuộc cách mạng khoa học công nghệ lần thứ tư này.
Ngọc Linh / dddn